Vu Lan – mùa hiếu hạnh

02/09/2023 - 14:50

 - Tháng 7 âm lịch hàng năm là thông lệ những người con hướng về tri ân công ơn của cha mẹ. Mùa Vu Lan không còn đơn thuần là nghi lễ tôn giáo, mà đã trở thành ngày lễ mang tính nhân văn của người Việt, tôn vinh lòng hiếu kính của con cái đối với đấng sinh thành.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, lễ Vu Lan được du nhập vào Việt Nam từ năm 1072. Đại lễ Vu Lan - báo hiếu là một trong những minh chứng rõ ràng của sự gắn bó trong mấy nghìn năm qua giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và dân tộc.

Vu Lan là dịp chúng ta nghĩ đến “tứ đại ân”: Ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội. Dịp này, các ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất đã tổ chức lễ Vu Lan với nhiều hoạt động ý nghĩa. Trong đó, không thể thiếu nghi thức cúng dường trai tăng, cài hoa hồng, thả hoa đăng, đọc kinh cầu an cho cha mẹ hiện còn, cầu siêu cho cha mẹ quá vãng…

Lễ cài hoa hiếu hạnh có 3 màu hoa chính: Màu đỏ dành cho những ai còn đầy đủ cha mẹ hiện diện trong cuộc đời; màu hồng có ý nghĩa cha hoặc mẹ đã mất; màu trắng là cha mẹ không còn hiện diện. Cho nên, ai còn được cài lên ngực áo màu hoa đỏ là niềm diễm phúc lớn nhất.

Tinh thần hiếu thảo trong mùa Vu Lan đã trở thành bông hoa đạo lý, nhắc nhở mỗi người tri ân và đáp đền tình thương bao la của cha mẹ - những người đã hy sinh cả cuộc đời cho con.

Ngoài những nghi thức tại chùa, nhiều người còn thực hành các việc thiện hướng đến cộng đồng, xã hội để san sẻ với những mảnh đời khó khăn, hoặc ăn chay, phóng sinh…

Dù cuộc sống có thay đổi, chữ “hiếu” vẫn luôn bất biến trong đời sống người Việt. Không riêng lễ Vu Lan, không riêng trong Phật giáo, đạo lý tốt đẹp ấy vẫn được nối mạch không ngừng. Bởi không phải đợi đến Vu Lan chúng ta mới thể hiện lòng hiếu hạnh, mà trong cuộc sống hàng ngày, ai cũng tâm niệm làm tròn bổn phận người con.

MỸ HẠNH