Vực dậy làng nghề truyền thống

25/11/2022 - 06:57

 - Đó là bài toán không dễ có lời giải. Một số nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, do sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp cùng loại. Người gắn bó với làng nghề, hoặc là gắng gượng bám lấy nghề truyền thống bao đời, hoặc buông bỏ, tìm việc khác mang lại sinh kế ổn định hơn. Nhiều làng nghề, giờ chỉ còn là tiếng thở dài hiu hắt…

Thời hoàng kim đã qua

Năm 1952, từ Cần Thơ, bà Đặng Thị Đậm theo chồng về ngọn Câu Quản (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên), mang theo nghề làm bánh tráng. Cầu nhanh chóng vượt cung, bà làm bánh tráng đường và bánh tráng mặn. Xung quanh dân cư thưa thớt, chỉ khoảng 20 hộ dân sinh sống. Bà truyền nghề cho mọi người, mang đến thu nhập ổn định cho khu vực nửa chợ, nửa quê này. Mấy mươi năm sau, 20 hộ dân đã phát triển thành 100 hộ dân sống san sát nhau. Trong đó, 60 hộ theo nghề làm bánh tráng.

Thời đó, làng nghề hoạt động quanh năm, cao điểm vào tháng 9 đến tháng 11. Thị trường tiêu thụ ở các chợ lớn cấp huyện, thậm chí len lỏi vào vùng nông thôn. Cuối năm 2025, tổ hợp tác sản xuất bánh tráng được xúc tiến thành lập với 48 hộ dân, làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu tập thể, có logo riêng. Ghi nhận sự phát triển ấy, năm 2007, Chủ tịch UBND tỉnh công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp bánh tráng Mỹ Khánh.

15 năm sau, muốn tìm cảnh vỉ bánh tráng phơi trắng xóm Câu Quản, đã trở nên khó khăn. Cán bộ địa phương dẫn chúng tôi đi vào làng nghề, từ đầu tới cuối ngọn, chỉ còn 2-3 hộ duy trì bếp lửa tráng bánh. Số còn lại, bếp đã nguội lạnh từ rất lâu.

Chị Nguyễn Thị Dựa (35 tuổi) chia sẻ: “Nguyên liệu làm bánh (trấu, bột mì, bột gạo, bột mì cân…) lên giá cao so với trước, trong khi bánh sản xuất theo dạng thủ công, số lượng và mẫu mã đâu phong phú bằng cơ sở sản xuất máy móc hiện đại. Tôi ở nhà trông con nhỏ, có điều kiện giữ nghề. Chứ vài năm nữa, không biết còn bám trụ được không”. “Địa phương phối hợp Phòng Kinh tế, hướng dẫn hỗ trợ xử lý nước thải, mẫu mã, nhưng chi phí quá cao, bán sản phẩm không lời, nên hộ dân khó thực hiện” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Khánh Nguyễn Hồng Hà thông tin thêm.

Đó là thực trạng không chỉ riêng làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh. Mở rộng ra, ngành nghề nông thôn trong toàn tỉnh phát triển còn chậm, mang tính tự phát ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có định hướng. Đa phần còn sử dụng công nghệ, trang thiết bị lạc hậu, chất lượng sản phẩm chưa cao và kém sức cạnh tranh, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu. Việc tiếp cận các nguồn vốn còn hạn chế, khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh (nhất là khả năng thay thế thiết bị, máy móc, đổi mới công nghệ sản xuất).

Công tác đào tạo nghề, truyền nghề đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng kết quả chưa cao, nên thiếu hụt lao động có tay nghề... Hiện nay, 21 (trong tổng số 29) làng nghề, làng nghề truyền thống chưa đảm bảo quy mô số lượng hộ tham gia hoạt động ngành nghề trên địa bàn so với tiêu chí công nhận làng nghề (theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP).

Thay đổi để phát triển

Từ 29 làng nghề, làng nghề truyền thống (đã được UBND tỉnh công nhận đạt “tiêu chí làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”), có 3.706 hộ sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm cho 11.482 lao động có việc làm thường xuyên (thu nhập bình quân cao nhất 8 triệu đồng/người/tháng). Doanh thu của các làng nghề hàng năm ước khoảng hơn 266 tỷ đồng. Phần lớn làng nghề hoạt động sản xuất quanh năm, một số ít sản xuất mang tính thời vụ, như: Nghề lọp lươn Cần Đăng, lọp cua Mỹ Đức...

Chắc chắn rằng, ngành nghề nông thôn, làng nghề sẽ không vắng bóng, bởi theo đánh giá của UBND tỉnh, lĩnh vực này đã có sự phát triển, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo ở nông thôn. Các cơ sở ngành nghề nông thôn tạo ra sản phẩm hàng hóa ngày càng phong phú, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu thụ của nhân dân, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Hiện nay, một số cơ sở đã và đang tích cực tìm kiếm thị trường, thông qua hội chợ, tích cực quảng bá sản phẩm.

Cùng với việc tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, một số cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đối với ngành có nguy cơ ô nhiễm môi trường (chế biến nước mắm, sản xuất bún, rượu...) các cơ sở đã chú trọng xử lý chất thải. Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu được quan tâm hơn.

Hoạt động truyền nghề, nâng cao tay nghề và phát triển nghề được liên kết chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp. Sự phát triển của du lịch làng nghề là điều kiện quan trọng giúp địa phương sớm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đó là tín hiệu vui từ nỗ lực đổi mới để thích ứng với giai đoạn phát triển mới.

Ngày 21/9/2022, UBND tỉnh An Giang ban hành kế hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn. Kế hoạch xác định, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả để phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn, nhằm phát huy tiềm năng lợi thế, góp phần giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.

Mục tiêu cụ thể được đề ra, là phải công nhận ít nhất 1 làng nghề theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP; thực hiện ít nhất 3 dự án phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ cơ sở ngành nghề, làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa và đăng ký các hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại; hỗ trợ phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn, làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Các giải pháp được UBND tỉnh đưa ra liên quan đến: Tiếp cận chính sách, mặt bằng sản xuất, vốn đầu tư, xúc tiến thương mại, khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là nỗ lực tự thân của từng làng nghề, người gắn bó với làng nghề. Một khi chính họ chán nản, muốn buông xuôi, ngán ngại thay đổi theo thị trường, thì mai một làng nghề là điều sớm hay muộn mà thôi.

Căn cứ Quyết định 23/2020/QĐ-UBND, ngày 25/5/2020 của UBND tỉnh về ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh An Giang, 2 huyện có nhu cầu kinh phí để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề, làng nghề truyền thống năm 2022 trên 400 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 229 triệu đồng, phần còn lại do người dân đối ứng.

 

GIA KHÁNH

 

Liên kết hữu ích