Thời mở đất
Theo sách Đại Nam thực lục chính biên, vào ngày mùng 1/10 năm Nhâm Thìn (22/11/1832), trong buổi thiết triều, sau khi nghe Bộ Lại trình tấu, vua Minh Mạng chỉ dụ bãi bỏ Gia Định Thành, lập 12 tỉnh từ Quảng Nam đến Hà Tiên, trong đó đổi “ngũ trấn” thành “lục tỉnh” gồm: Biên Hòa, Phiên An (sau đổi thành Gia Định), Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Như vậy, tỉnh An Giang chính thức thành lập năm 1832. Tuy nhiên, việc khai mở, hình thành vùng đất An Giang là cả một quá trình dài trước đó.
Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang Đặng Hoài Dũng, người Việt di cư vào vùng đất Nam Bộ từ đầu thế kỷ XVII, sau khi chúa Nguyễn Hoàng vào phương Nam và lập phủ Phú Yên năm 1611. Sau cuộc hôn nhân của công nữ Ngọc Vạn và vua Chey Chetta II của vương quốc Chân Lạp (năm 1620), làn sóng di dân hợp pháp diễn ra càng mạnh mẽ hơn. Do phong trào “phản Thanh phục Minh” ở Đài Loan thất bại, một số tướng lĩnh xin hàng chúa Nguyễn, vùng đất Nam Bộ có thêm cộng đồng người Hoa.
Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Đồng Nai, lập huyện Phước Long và huyện Tân Bình, đặt phủ Gia Định. Đầu thế kỷ XVIII, sau khi Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên, xin thần phục chúa Nguyễn và được phong làm Tổng binh trấn Hà Tiên, một bộ phận lưu dân Việt đã tìm đến sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất mới cùng với người Hoa (theo chân Mạc Cửu), người Khmer (từ Lục Chân Lạp theo sông Mekong xuống).
Năm 1757, chúa Nguyễn đưa Nặc Tôn lên ngôi vua ở vương quốc Chân Lạp, Nặc Tôn cắt đất Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn (thông qua Mạc Thiên Tứ) để đền ơn cứu giúp trong lúc hoạn nạn và giành lại ngôi vua. Chúa Nguyễn cử Nguyễn Cư Trinh và Trương Phúc Du tiếp nhận và cho lệ vào dinh Long Hồ, rồi đặt 3 đạo: Đạo Châu Đốc, đạo Tân Châu (cù lao Giêng – huyện Chợ Mới ngày nay) và đạo Đông Khẩu (Sa Đéc – Đồng Tháp ngày nay) để bảo vệ vùng biên giới.
Năm 1780, chúa Nguyễn Ánh cải tên dinh Long Hồ thành dinh Vĩnh Trấn. Sau khi thống nhất đất nước, năm 1808, vua Gia Long lập Gia Định thành trên vùng đất Nam Bộ, chia thành ngũ trấn là Biên Hòa trấn, Phiên An trấn (sau đổi thành Gia Định trấn), Định Tường trấn, Vĩnh Thanh trấn và Hà Tiên trấn.
Thăng trầm lịch sử
Theo ông Đặng Hoài Dũng, An Giang là vùng đất cuối cùng vào bản đồ Đại Việt (xứ Đàng Trong) vào năm Đinh Sửu (1757). Vùng đất An Giang được hình thành từ làn sóng di dân vào khai phá vùng đất mới, đầu tiên là dân nghèo vùng Ngũ Quảng, Bình Định - Phú Yên, sau đó là người Việt, người Hoa từ Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho chuyển cư đến. Họ cư ngụ trước tiên ở vùng đất cù lao Chợ Mới, Sa Đéc ngày nay, rồi đến vùng Châu Đốc, Tân Châu, sau đó mới hình thành các làng xã bờ Tây sông Hậu vào đầu thế kỷ XIX. Lúc đó, ở Châu Đốc, Tân Châu, dân cư còn thưa thớt, nên vua Gia Long gọi là Châu Đốc tân cương.
Sau khi hoàn thành đào kinh Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế, Nguyễn Văn Thoại mộ dân, lập làng Thoại Sơn ở bờ kinh Thoại Hà, cạnh Núi Sập (năm 1822); lập 5 làng cặp bờ kinh Vĩnh Tế (Vĩnh Nguơn, Vĩnh Tế, Vĩnh Lạc, Vĩnh Gia, Vĩnh Điều), hình thành phủ Tịnh Biên vào giữa thế kỷ XIX. Ở Đông Xuyên (nay là TP. Long Xuyên), năm 1789, chúa Nguyễn Ánh cho lập thủ Đông Xuyên. Khi thành lập tỉnh An Giang, sách Đại Nam nhất thống chí ghi nhận số đinh là 25.645 người. Cùng với người Việt, người Khmer, người Chăm, người Hoa cũng có mặt và góp công khai phá vùng đất mới.
Từ khi xứ Tầm Phong Long nhập vào xứ Đàng Trong (năm 1757) cho đến khi thành lập tỉnh An Giang (1832), vùng đất này 2 lần chống quân Xiêm xâm lược. Lần thứ nhất là năm Tân Mão (1771), vua Xiêm là Trịnh Quốc Anh tổ chức cuộc xâm lược lớn lên đất nước Chân Lạp và tấn công Hà Tiên, với 2 vạn quân thủy. Năm 1772, quân chúa Nguyễn tiến công đánh quân Xiêm đến tận Nam Vang (Vương quốc Chân Lạp). Vua Xiêm thua trận nên bỏ chạy về nước. Nặc Tôn trở lại ngôi vua Chân Lạp và chịu sự bảo hộ của chúa Nguyễn.
Lần thứ 2 là giữa năm Giáp Thìn (1784), với ý đồ thôn tính vùng đất Gia Định, vua Xiêm Rama I lợi dụng sự cầu viện của chúa Nguyễn Ánh, đã cử 2 tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương chỉ huy 5 vạn quân và 300 chiến thuyền, chia làm 2 đạo thủy bộ tiến sang xâm lược nước ta. Nhờ sự tài trí của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn đã đánh tan quân Xiêm ở trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút nổi tiếng.
Ngoài đấu tranh chống ngoại xâm, vùng đất Nam Bộ nói chung, đất An Giang nói riêng còn là nơi tranh chấp quyết liệt giữa chúa Nguyễn và phong trào Tây Sơn, với nhiều cuộc nội chiến khốc liệt. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi (vua Gia Long), vùng đất An Giang dần ổn định. Khi Thoại Ngọc Hầu hoàn thành chỉ huy đào kinh Thoại Hà và Vĩnh Tế, giao thương thuận tiện, phòng thủ biên giới vững chắc, cư dân về đông đúc hơn, tạo tiền đề cho sự ra đời và phát triển tỉnh An Giang ngày nay.
|
NGÔ CHUẨN