Vườn bưởi da xanh của ông Sáu Tơm

27/01/2024 - 10:06

 - Mùa này, nhiều loại nông sản chưng Tết đang được chăm sóc chu đáo. Bưởi da xanh căng tròn cũng là mặt hàng được ưa chuộng trên mâm ngũ quả của người Việt.

Vườn bưởi da xanh này của vợ chồng ông Nguyễn Văn Tơm (thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang). Trên 10 công đất, nông dân này trồng gần 300 gốc bưởi. Đến năm thứ 3 chăm chút, cây cho trái oằn nhánh.

Giống bưởi được mua về từ tỉnh Bến Tre, không dễ thích nghi với vùng đất mới. Thành quả hôm nay đong đầy nỗ lực nhiều năm mày mò chuyển đổi cây trồng, học hỏi, tích lũy rất nhiều kinh nghiệm, mồ hôi lẫn nước mắt, những đêm mất ngủ của vợ chồng ông.

Nhưng khi thích nghi rồi, trái bưởi da xanh có thể để được rất nhiều ngày mà chất lượng vẫn đảm bảo. Đó là nhờ gia đình ông tuân thủ quy trình canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học; ưu tiên dùng phân vi sinh, phân bón hữu cơ từ việc nuôi trùng quế bón cho cây. Phương pháp này mang lại năng suất cao, không làm ảnh hưởng đến môi trường và kéo dài tuổi thọ cây ăn trái.

Bưởi cho trái quanh năm, nhưng vào dịp Tết Nguyên đán, giá cả tăng lên rất nhiều. Gia đình ông tập trung chăm sóc vườn bưởi, cung cấp cho thị trường lớn nhất trong năm này.

Bà Lê Thị Dò (vợ ông Tơm) xin nghỉ dạy học, cùng chồng chăm sóc vườn bưởi. “Mỗi độ Tết, chúng tôi rất cực khổ chăm sóc ra những trái bưởi đẹp thế này. Nói nôm na, ngày thường mình chăm 5, còn giờ phải chăm đến 10. Chúng tôi tạo cành, lá cho đẹp, loại bỏ những trái không vừa ý. Những trái được tuyển phải tròn trịa, đẹp, đúng sở thích và tâm lý chưng Tết của bà con” – bà Dò chia sẻ.

Cận Tết, gia đình ông Tơm chuẩn bị sẵn nguồn trái đẹp. Bưởi dùng để chưng mâm ngũ quả hoặc làm quà biếu phải đạt trọng lượng từ 1kg trở lên, da bóng, còn nguyên cuốn. Trước đó, họ sử dụng phương pháp xịt rửa cây bưởi, nhằm hạn chế rệp sáp, ruồi đục trái hay sâu bệnh khác gây hại.

Trong vườn, thi thoảng xuất hiện những trái “bưởi lộc”. Trái bưởi nổi 1 đường gân xẻ dọc từ cuống xuống, nhìn lạ mắt. Thông thường, nhà vườn sẽ không bán, mà giữ lại để chưng Tết, ngụ ý sẽ đem lại tài lộc cho gia đình.

Từ cách nghĩ, cách làm hiệu quả của vợ chồng ông Sáu Tơm giúp họ đứng vững trên thị trường buổi Tết, thu hút đông đảo thương lái, khách xa gần đến mua. Mỗi năm, vợ chồng ông mang đến những quả bưởi đẹp cho thị trường dịp Tết đến Xuân về. Ngược lại, nhọc nhằn đã đơm hoa, bưởi da xanh “chịu định cư” ở vùng đất lúa kém hiệu quả, mang lại mùa Tết đủ đầy, ấm cúng, hạnh phúc cho gia đình nông dân Sáu Tơm.

VẠN LỘC