Cảnh tàn phá sau cuộc không kích của Israel tại Beirut, Liban, ngày 3/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Tuyên bố ngày 4/10 của tổ chức này nêu rõ: "WB đang kích hoạt các kế hoạch ứng phó khẩn cấp để có thể tái sử dụng các nguồn lực trong danh mục đầu tư nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của người dân Liban".
WB hiện có 1,5 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình tại quốc gia Trung Đông này. Số tiền sẽ được sử dụng để hỗ trợ khẩn cấp cho hàng trăm nghìn người phải di dời, có thể được triển khai thông qua một nền tảng kỹ thuật số mà WB đã giúp thiết lập trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.
Cũng trong ngày 4/10, nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực ngày càng tăng của cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah đối với dân thường tại Liban.
Giám đốc chi nhánh Liban của Save the Children, bà Jennifer Moorehead cho biết hơn 1,2 triệu người (chiếm khoảng 20% dân số Liban) đã rời bỏ nhà cửa và đang di chuyển, gây ra một "cuộc khủng hoảng ở mức độ đáng báo động". Đại diện tổ chức Amnesty International, cơ quan viện trợ Oxfam, tổ chức từ thiện y tế Medecins du Mondem... nhận định tình hình là "thảm khốc". Nhiều người phải ngủ trên đường phố, khi các nơi trú ẩn bị tấn công và các bệnh viện quá tải. Hiện có khoảng 867 điểm tạm trú đã mở cửa cho những người phải di dời, bao gồm cả ở các trường học và trường đại học, và 643 trong số đó đã hết sức chứa.
Các tổ chức phi chính phủ kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các cuộc tấn công để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn. Phát biểu với báo giới, Chủ tịch của Refugees International, ông Jeremy Konyndyk nhấn mạnh các cuộc tấn công quân sự gây tổn hại cho người dân Liban, những người tị nạn Syria và Palestine tại Liban. Ông kêu gọi các nhà tài trợ toàn cầu mở rộng quy mô phản ứng nhân đạo của mình, xem xét khả năng mở một hành lang hàng hải để cho phép hàng viện trợ dễ dàng tiếp cận Liban như đã từng làm trong cuộc chiến Liban – Israel năm 2006.
Về phần mình, Phó Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi, bà Aya Majzoub bày tỏ quan ngại về tình trạng thiếu hụt các nhu yếu phẩm thiết yếu, bao gồm thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu cho những cư dân lựa chọn ở lại miền Nam Liban hoặc không thể đi lánh nạn.
Trong khi đó, Lực lượng Gìn giữ Hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) tại miền Nam Liban (UNIFIL) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất khó khăn. Ông Jean-Pierre Lacroix, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các hoạt động gìn giữ hòa bình, cho biết tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này liên tục cập nhật các kế hoạch dự phòng. Ông lưu ý rằng tình hình hiện tại hạn chế khả năng thực hiện nhiệm vụ của UNIFIL, nhưng lực lượng tiếp tục phối hợp với các đối tác để bảo vệ người dân, cung cấp nơi trú ẩn tạm thời và hỗ trợ việc cung cấp viện trợ nhân đạo.
Theo TTXVN