Theo báo cáo được WHO gửi các cơ quan báo chí đêm 14-7 sau khi tổ chức này làm việc cùng UNICEF, tỉ lệ bao phủ tiêm chủng toàn cầu tiếp tục giảm mạnh vào năm 2021, đẩy trẻ em toàn thế giới vào nguy cơ bùng phát một loạt dịch bệnh có tỉ lệ tử vong rất cao nếu không được chủng ngừa.
Số liệu cụ thể đối với một số căn bệnh nguy hiểm nhất cho thấy tỉ lệ trẻ em được tiêm 3 liều vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTP3) - được WHO gọi là "vắc-xin cứu sinh" một dấu hiệu quan trọng đánh dấu tỉ lệ bao phủ tiêm chủng trong và giữa các quốc gia - đã giảm 5 điểm phần trăm từ năm 2019 đến năm 2021, xuống còn 81%.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại một cuộc họp của tổ chức này - Ảnh: WHO
Tỉ lệ bao phủ vắc xin giảm ở mọi khu vực, trong đó khu vực Đông Á và Thái Bình Dương ghi nhận sự đảo ngược mạnh nhất về tỷ lệ bao phủ DTP3, giảm 9 điểm phần trăm chỉ trong 2 năm.
Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, Ethiopia và Philippines lần lượt là những nước thuộc tốp đầu trong "danh sách đen" về sụt giảm tiêm chủng. Nếu tính đến số trẻ em hoàn toàn chưa được tiêm mũi DTP3 nào, Myanmar và Mozambique đứng đầu bảng.
Kết quả là, 25 triệu trẻ em đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều DTP3 thông qua các dịch vụ tiêm chủng thông thường chỉ trong năm 2021, nhiều hơn 2 triệu so với năm 2020 và 6 triệu so với năm 2019.
Mức độ bao phủ không đầy đủ đã dẫn đến hậu quả nhìn thấy được trong 12 tháng qua: các đợt bùng phát bệnh sởi và bại liệt lẽ ra có thể ngăn ngừa được.
Tỉ lệ bao phủ bệnh sởi liều đầu tiên giảm xuống 81% vào năm 2021, cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2008. Điều này có nghĩa là 24,7 triệu trẻ em đã bỏ lỡ liều tiêm sởi đầu tiên vào năm 2021, nhiều hơn 5,3 triệu so với năm 2019. Thêm 14,7 triệu trẻ không nhận được liều thứ hai cần thiết.
Tương tự, so với năm 2019, thêm 6,7 triệu trẻ em bỏ lỡ liều thứ ba của vắc-xin bại liệt và 3,5 triệu trẻ bỏ lỡ liều đầu tiên của vắc-xin HPV - loại vắc-xin bảo vệ trẻ em gái chống lại ung thư cổ tử cung sau này trong cuộc đời.
"Đây là một báo động đỏ về sức khỏe trẻ em. Chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm liên tục lớn nhất về lượng tiêm chủng ở trẻ em trong một thế hệ" - WHO dẫn lời bà Catherine Russell, Giám đốc Điều hành UNICEF.
Bà Russell khẳng định thêm rằng "hậu quả sẽ được tính bằng mạng sống" và khuyến cáo các chính phủ và cơ quan y tế toàn thế giới: "Chúng ta cần bắt kịp tốc độ chủng ngừa cho hàng triệu trẻ còn thiếu các mũi tiêm; nếu không chắc chắn chúng ta sẽ chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch bệnh hơn, nhiều trẻ em bệnh hơn và áp lực lớn hơn đối với hệ thống y tế vốn đã căng thẳng".
WHO từng hy vọng rằng năm 2021 sẽ là một năm phục hồi trong đó các chương trình tiêm chủng bị suy giảm vào năm 2020, nhưng kết quả là tình hình ngày một tồi tệ do nhiều nước tiếp tục phải vật lộn với đại dịch.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Việc lập kế hoạch và giải quyết Covid-19 cũng nên đi đôi với việc tiêm chủng các bệnh giết người như sởi, viêm phổi và tiêu chảy. Đó không phải là câu hỏi về lựa chọn một trong hai, bạn có thể làm cả hai".
Nguy hiểm nhân đôi khi song hành "khủng hoảng đói"
WHO cảnh báo thêm rằng sự "trượt lùi lịch sử" về tỉ lệ tiêm chủng đang diễn ra trong bối cảnh tỉ lệ suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng đang tăng nhanh. Một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng đã có khả năng miễn dịch suy yếu và việc bỏ lỡ tiêm chủng có thể đồng nghĩa với việc các bệnh thông thường ở trẻ em sẽ nhanh chóng gây tử vong
"Sự hội tụ của "khủng hoảng đói" với việc khoảng trống iêm chủng ngày càng tăng có nguy cơ tạo ra những điều kiện cho một cuộc "khủng hoảng sống còn" ở trẻ em" - WHO nhấn mạnh trong tuyên bố.
Theo ANH THƯ (Người lao động)