Thực hiện các phong trào, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã chỉ đạo, tiến hành khảo sát lại quy hoạch đất dành cho hoạt động TDTT, huy động kinh phí đầu tư trang thiết bị tập luyện, thực hiện tốt các hình thức xã hội hóa và tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN), cá nhân tham gia đầu tư cung ứng các dịch vụ TDTT... Ngoài việc phục vụ nhu cầu tập luyện của các vận động viên (VĐV) thể thao thành tích cao và tổ chức thi đấu các sự kiện, giải đấu TDTT, các công trình thể thao đã phục vụ tốt nhu cầu tập luyện của người dân trên địa bàn tỉnh.
Ở các địa phương trong tỉnh có khu liên hợp thể thao, gồm các thiết chế: Bể bơi, sân vận động, trung tâm văn hóa - thể thao, nhà tập luyện đa năng… Tại trung tâm các xã, thị trấn, khu dân cư đã xây dựng nhà văn hóa tích hợp sân thể thao theo quy định và đầu tư các trang thiết bị, bộ dụng cụ tập luyện TDTT ngoài trời, bàn bóng bàn, các sân cầu lông, bóng đá mi-ni, bóng chuyền, khuôn viên tập luyện thể dục dưỡng sinh, nhảy dân vũ. Một số nơi còn xây dựng sân tennis, sân bóng đá cỏ nhân tạo, bể bơi cố định, bể bơi lắp ghép hay các phòng tập thể hình, thẩm mỹ của các DN, các hộ kinh doanh TDTT tư nhân.
Giải bóng chuyền nông dân tại huyện Chợ Mới (Ảnh: HẠNH CHÂU)
Nhờ huy động rộng rãi các nguồn lực xã hội và sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng TDTT, hoạt động TDTT của tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt. Trong đó, có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng, đa dạng về loại hình kinh doanh dịch vụ của các cơ sở TDTT ngoài công lập, chủ yếu dưới hình thức các câu lạc bộ, địa điểm giải trí, thu hút ngày càng nhiều người tham gia tập luyện TDTT. Nhiều giải thi đấu TDTT của tỉnh có sự tham gia tài trợ của các đơn vị, DN được tổ chức với quy mô lớn, giải thưởng cao, góp phần tăng tính hấp dẫn của giải, giảm đáng kể chi phí của Nhà nước, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.
Điển hình, giải bóng chuyền nông dân ở các địa phương được tổ chức là sân chơi bổ ích, nhằm tăng cường kết nối cán bộ, hội viên nông dân. Đây còn là dịp tập hợp đông đảo quần chúng, tạo cơ hội cho cán bộ, hội viên giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết giữa các chi hội và hội viên. Từ đó, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - văn nghệ, TDTT nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ, hội viên nông dân ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Nhàn (huyện Chợ Mới) cho biết: “Thời gian qua, phong trào TDTT ở huyện diễn ra khá sôi nổi. Tôi cũng như người dân trong xã phấn khởi, vui vẻ và hăng hái tham gia tập luyện các môn thể thao phù hợp. Tôi mong thời gian tới, sẽ có nhiều giải thể thao, như: Bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bơi lội… nhằm tạo điều kiện cho những người yêu thể thao được tham gia, giao lưu và học hỏi để lan tỏa phong trào TDTT trong mọi lứa tuổi”.
Công viên bờ hồ Nguyễn Du (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) là địa điểm tập luyện TDTT quen thuộc vào mỗi chiều của bà Phạm Thị Lài. Bà Lài cho biết, chính quyền địa phương đã đầu tư nhiều thiết bị, phương tiện dụng cụ TDTT, trồng nhiều cây xanh, hoa, giúp môi trường xanh - sạch - đẹp hơn. Do vậy, công viên trở thành nơi lý tưởng cho người dân tập luyện thể thao, vui chơi giải trí sau giờ làm việc. “Hàng ngày, mọi người tập trung đông vui, người già, thanh niên tập thể dục để rèn luyện sức khỏe, trẻ em thì vui chơi. Người dân phấn khởi khi chính quyền địa phương ngày càng quan tâm tới việc rèn luyện sức khỏe, vui chơi, giải trí của người dân” - bà Lài chia sẻ.
Với sự chung tay, góp sức của các cá nhân, tổ chức, DN, doanh nhân đã góp phần thúc đẩy phong trào TDTT của tỉnh ngày càng phát triển. Đây cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong sự nghiệp xã hội hóa TDTT của tỉnh.
TRỌNG TÍN