Xây dựng đạo đức, văn hóa con người Việt Nam

29/08/2021 - 18:54

Để xây dựng xã hội phát triển toàn diện và bền vững thì vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người là những định hướng lớn, chiến lược lâu dài. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các địa phương tiếp tục có sự đầu tư nghiên cứu, thường xuyên tổ chức quán triệt sâu rộng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện chiến lược quan trọng này.

Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, Đảng ta đã có những quan điểm, nhận thức mới về quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. Cùng với Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về văn hóa thì điểm chung trong các nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong các nhiệm kỳ gần đây đều có mục tiêu chung là xây dựng con người Việt Nam có nhân cách, đạo đức tốt đẹp.

Về xây dựng nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, quan điểm thứ 3 của Nghị quyết 33-NQ/TW (khóa XI) chỉ rõ: “Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”. Nhiệm vụ đầu tiên nghị quyết đặt ra là “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc”.

Phát triển nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ góp phần xây dựng xã hội ngày càng phát triển. Ảnh: Internet

Theo đó, vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam hiện nay phải hội tụ đầy đủ các đức tính theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của nhân dân; có tình thương yêu, đoàn kết, sống có nghĩa, có tình, trung thực, thẳng thắn, khiêm tốn, nếp sống trong sạch, lành mạnh, cầu thị tiến bộ và tinh thần trách nhiệm cao trong đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, phản văn hóa; có tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ý thức tự trọng, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lời nói, việc làm của mình.

Chủ trương ấy xuất phát từ các vấn đề do thực tiễn đặt ra trong xây dựng văn hóa con người Việt Nam hiện nay. Đó là đạo đức xã hội có nhiều mặt xuống cấp, như: tiêu cực và tệ nạn xã hội có chiều hướng gia tăng, bệnh hình thức, bệnh thành tích, gian lận trong học tập, thi cử; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Đáng lưu ý trong bối cảnh toàn xã hội đang phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 thì vẫn có những cá nhân vô ý thức, không trung thực khai báo y tế, trốn cách ly, chống đối với lực lượng kiểm soát phòng, chống dịch, không mang khẩu trang nơi công cộng, ra đường khi địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ… tạo nguy cơ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng.

Mọi sai phạm tùy vào mức độ, tính chất đều bị xử lý với những hình thức khác nhau nhưng đó chỉ là cái ngọn, điều quan trọng là xác định và giải quyết được cái gốc của vấn đề. Qua đó cho thấy, tình trạng đạo đức xã hội xuống cấp đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Nó tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội và là lực cản đến mục tiêu xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nguyên nhân của sự sa sút đạo đức ấy một phần do tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, một phần do những khuyết điểm trong giáo dục đạo đức, lối sống. Đặc biệt, quan trọng hơn là ý thức tự rèn luyện nhân cách của mỗi người không thường xuyên, không liên tục, không gương mẫu; thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Để góp phần khắc phục tình trạng nói trên, các cấp, ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, văn minh trong đời sống xã hội bằng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau. Trong đó, có nhiệm vụ giáo dục đạo đức trong nhà trường vì nhân cách con người chủ yếu hình thành trong giai đoạn đầu đời, sau lớn lên sẽ hoàn thiện dần nhưng về cơ bản đã có nền tảng trước đó. Nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa, giáo dục nhân cách trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ ở từng cấp học, ngành học; coi trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng các hình thức thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, đặc thù của các địa phương gắn với việc xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Trong bối cảnh hiện nay, đặt ra yêu cầu mỗi người phải năng động, sáng tạo hơn để thích ứng với hoàn cảnh; phải trau dồi bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống văn minh và đề cao ý thức thượng tôn pháp luật. Song song đó, nâng cao hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng việc xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên để làm gương cho nhân dân tin theo…

MINH THƯ

 

Liên kết hữu ích