Xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Việt Nam hiện có 1.952 trang thông tin điện tử tổng hợp và 935 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép hoạt động. Từ năm 2019, Bộ TT&TT đã phối hợp các Sở TT&TT triển khai một loạt biện pháp cấp bách nhằm hạn chế tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
Qua rà soát, theo dõi, Bộ TT&TT bước đầu xác định, khoảng 30 cơ quan báo chí có dấu hiệu “báo hóa” tạp chí, “tư nhân hóa” báo chí. Đến cuối tháng 9/2022, Bộ TT&TT đã tiến hành làm việc, thanh, kiểm tra 16 cơ quan báo chí, đã ban hành 11 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 616 triệu đồng. Bên cạnh việc “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử, đã và đang xuất hiện tình trạng “báo hóa” mạng xã hội.
Trước tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, Bộ TT&TT ban hành Quyết định 1418/QĐ-BTTTT nhằm giúp nhận diện những dấu hiệu chệch hướng để chấn chỉnh, xử lý. Về nội dung “báo hóa” tạp chí là tình trạng không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép; phản ánh vấn đề, nội dung không thuộc lĩnh vực tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép. Tạp chí khoa học nhưng có tỷ lệ thông tin phản ánh sự kiện, vụ việc sự vụ nhiều hơn, chênh lệch so với thông tin khoa học, lý luận, thông tin chuyên ngành.
Về hoạt động tác nghiệp: Tạp chí chuyên ngành, tạp chí khoa học nhưng cử phóng viên, nhà báo tác nghiệp hoặc yêu cầu cung cấp thông tin ngoài phạm vi tôn chỉ, mục đích (điều tra theo đơn thư bạn đọc không phù hợp với chức năng, tôn chỉ, mục đích; tập trung khai thác những vụ việc nhằm mục đích ép ký hợp đồng tuyên truyền, quảng cáo để trục lợi; gây sức ép bằng cách liên tục điện thoại, nhắn tin gây phiền hà...); tác nghiệp thành nhóm không liên hệ trước; chỉ một phóng viên liên hệ nhưng khi đến làm việc là cả nhóm phóng viên thuộc nhiều tạp chí.
Chấn chỉnh, nâng chất hoạt động
Tại An Giang, theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thời gian qua, hoạt động của các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương, báo ngành có cơ quan thường trú, văn phòng đại diện và phóng viên thường trú tại tỉnh đã tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích, phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ được quy định tại giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Luật Báo chí và các quy định về hoạt động báo chí trên địa bàn.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, như: Việc sử dụng nguồn tin, đưa nội dung thông tin thiếu định hướng chính trị; một số nhà báo, phóng viên sử dụng giấy giới thiệu, thẻ nhà báo và một số giấy tờ khác trong quá trình tác nghiệp chưa bảo đảm quy định của pháp luật; công tác quản lý mạng xã hội, Internet có mặt còn hạn chế, vẫn còn tình trạng lợi dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bôi nhọ tổ chức, cá nhân...
Trước tình trạng đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch 75-KH/TU, ngày 30/9/2022 về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, việc triển khai Kế hoạch 75-KH/TU nhằm tạo sự thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông; triển khai và thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” theo định hướng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý nội dung thông tin trên mạng xã hội và công tác tuyên truyền khác trên Internet. Đồng thời, tạo điều kiện để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng; kiên quyết, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những hành vi vi phạm, nhất là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích và biểu hiện “thương mại hóa”, “tư nhân hóa” báo chí; tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử.
Nhiệm vụ trọng tâm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai thực hiện là quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm đúng nguyên tắc báo chí cách mạng Việt Nam đặt dưới sự lãnh, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Bảo đảm công tác chỉ đạo định hướng thông tin kịp thời, phù hợp, hiệu quả, nhất là những vấn đề có tính chất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm cần được dự báo, phát hiện sớm, xử lý nhanh, hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng tiêu cực.
Triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đảm bảo theo mục tiêu đã đề ra; bảo đảm và tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực cho hoạt động của cơ quan báo chí. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, quản lý thông tin trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet; nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh trong việc sử dụng mạng xã hội, Internet…
Qua đó, nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý các cơ quan báo chí, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
THU THẢO