Bên cạnh việc phát triển phong trào thể thao rộng khắp để đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân, nhiều địa phương đã chú trọng từng bước chuyên nghiệp hóa công tác huấn luyện, xây dựng thế mạnh ở một số bộ môn nhất định. Nói đến thể hình, nhiều người sẽ nhắc ngay đến xứ cù lao Phú Tân, nơi đào tạo được nguồn VĐV chất lượng những năm qua. Huyện sông nước này cung cấp cho tỉnh những cái tên nổi bật, mang vinh quang về cho quê hương, như: Trần Thị Cẩm Tú, Lâm Thị Bích Thuyền, Nguyễn Thị Kim An… Qua quá trình được phát hiện và đào tạo tại địa phương, các VĐV đã vươn đến thành công trong sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp, dù còn rất trẻ. Trong đó, VĐV Trần Thị Cẩm Tú được xem là thành công với những tấm huy chương danh giá tầm cỡ châu lục.
Huấn luyện viên Quách Thanh Nhân (người phụ trách bộ môn thể hình tại huyện Phú Tân nhiều năm qua) nhận định: “Phong trào thể hình phát triển ở huyện Phú Tân xuất phát từ nỗ lực của ngành chuyên môn. Ngoài ra, còn phải kể đến niềm đam mê từ những bạn trẻ tại địa phương, vì thể hình là bộ môn rất khó tiếp cận và gắn bó lâu dài. Để trở thành VĐV, đòi hỏi vượt qua nhiều vất vả trong quá trình tập luyện cũng như việc ăn uống theo “giáo án” chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, khi có được 1 hình thể đẹp, các bạn sẽ tự tin vào bản thân mình và cảm thấy ý nghĩa to lớn từ kết quả mình đạt được. Thực tế, thể hình vẫn có sức hút riêng, với việc ngày càng có nhiều phòng Gym xuất hiện. Dù vậy, để phát triển như kỳ vọng, bộ môn thể hình cần được quan tâm nhiều hơn trên toàn tỉnh, chứ không riêng ở huyện Phú Tân”.
Huyện An Phú chứng minh được thế mạnh ở môn đua thuyền
Quá trình chuẩn bị, xây dựng đội ngũ VĐV chất lượng đã giúp Phú Tân trở thành đơn vị mạnh của tỉnh về môn thể hình. Trong nội dung thi đấu thể hình thuộc khuôn khổ Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh An Giang lần thứ VIII-2018, đoàn VĐV huyện Phú Tân đạt giải nhì toàn đoàn, với 4 huy chương vàng, 4 huy chương bạc và 1 huy chương đồng, xếp sau TP. Long Xuyên. Đó sẽ là động lực để xứ cù lao tiếp tục xây dựng thế mạnh thể hình và hướng đến những thành công tiếp theo.
Trong các môn thể thao truyền thống, huyện đầu nguồn An Phú chứng tỏ khả năng ở môn đua thuyền. Điều kiện địa hình đặc thù sông nước với nhiều kênh, rạch giúp địa phương sở hữu hàng loạt VĐV đua thuyền chất lượng, xuất thân từ… nông dân. Những đội thuyền đua đến từ xã Đa Phước, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hậu, Vĩnh Trường, Vĩnh Hội Đông luôn là đối thủ mạnh tại các giải đấu cấp tỉnh, đặc biệt là Giải đua thuyền rồng truyền thống Báo An Giang ở ngã ba sông Châu Đốc vào dịp lễ Quốc khánh những năm trước đây. Với người dân An Phú, đua thuyền đã “thấm” vào máu, nên hầu như xã nào cũng có đội thuyền, dù lực lượng có lúc mạnh, yếu khác nhau.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện An Phú Nguyễn Thị Kim Hà thông tin: “Ở các giải đua thuyền cấp tỉnh, chúng tôi luôn cử lực lượng tham gia và thường đạt giải cao. Điều đó lý giải vì sao nhắc đến An Phú có thể nghĩ ngay đến đua thuyền. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy người dân rất thích môn thể thao này, bởi họ quen với cuộc sống sông nước. Khi có giải đấu, các VĐV luôn nhiệt tình, sẵn sàng góp sức cho thành tích chung của địa phương. Vì vậy, chúng tôi cố gắng tận dụng điều kiện thuận lợi này và duy trì, phát triển thế mạnh đua thuyền cho xứ đầu nguồn”.
Không chỉ huyện Phú Tân, An Phú xây dựng thế mạnh thể thao đặc thù, nhiều địa phương khác trong tỉnh đã và đang đầu tư, phát triển nguồn VĐV theo cách làm này. Đây là bước đi phù hợp, góp phần tạo nguồn VĐV tốt để thể thao An Giang có bước tiến vững chắc trong thời gian tới.
THANH TIẾN