Các hoạt động văn hóa - văn nghệ góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị địa phương
Xây dựng văn hóa trong chính trị
Về mối quan hệ giữa phát triển lĩnh vực văn hóa với các lĩnh vực khác trong đường lối phát triển đất nước nhanh, bền vững theo định hướng XHCN được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định rất rõ: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “văn hóa còn thì dân tộc còn”, “văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, theo định hướng XHCN vào giữa thế kỷ XXI”.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh xác định xây dựng văn hóa trong Đảng và hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ và hệ thống chính trị. Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa, con người; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các Nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chỉ đạo, đôn đốc thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy chế văn hóa công sở và hiệu quả, chất lượng thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Châu Đốc Cao Xuân Bá cho biết, Thành ủy tổ chức học tập chuyên đề năm 2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về: “Xây dựng văn hóa, con người An Giang theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chuyên đề năm 2024 về: “An Giang học tập và làm theo Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân”. Qua đó, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, phát huy tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng văn hóa trong các tổ chức, cơ quan từ thành phố đến cơ sở.
Tỉnh thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; ban hành nhiều chủ trương, quy định, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên; phát động phong trào thi đua xây dựng “Chi bộ bốn tốt”, “Đảng bộ cơ sở bốn tốt” giai đoạn 2023 - 2025 nhằm tạo bước chuyển mới để nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện
Xây dựng văn hóa trong kinh tế
Tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc; phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa, lễ hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự... Tạo chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ và hành động cụ thể của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp Nhân dân về việc xây dựng văn hóa trong hoạt động kinh tế.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, những năm gần đây, An Giang đã có bước đột phá trong phát triển kinh tế, nhất là triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án lớn và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đời sống của Nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. 9 tháng của năm 2024, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh cải thiện rõ rệt, ước tăng 6,8%. Doanh thu bán buôn, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 170.342 tỷ đồng, tăng hơn 15% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 6,72% so cùng kỳ. Toàn tỉnh đón 8,5 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 7,6% so cùng kỳ và đạt 94% so kế hoạch năm 2024. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 9.700 tỷ đồng, tăng 80% so cùng kỳ và đạt 156% so kế hoạch cả năm 2024.
Kết quả trên minh chứng cho thấy, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm đến bề rộng của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đồng thời, dần tập trung vào chiều sâu, chất lượng của mối quan hệ này ngay trong từng lĩnh vực, từng địa phương, thực hiện tiến bộ ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa và cách mạng của quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ra sức chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể để Đảng ta thật sự “là đạo đức, là văn minh”, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân. Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, để văn hóa trở thành mục tiêu, động lực phát triển của tỉnh.
THU THẢO