Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng

28/06/2021 - 04:09

 - Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập hiện nay, bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử, xuất hiện những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp hàng ngày. Những cách ứng xử truyền thống, như: trọng tình, trọng nghĩa, đề cao yếu tố tình cảm, gia đình, dòng họ, biết nhường nhịn, kính trên nhường dưới, ý thức rõ bổn phận, vị thế của mình trong xã hội tuy vẫn được giữ gìn, nhưng có nguy cơ mai một trong cách ứng xử của giới trẻ hiện nay.

Để tạo dựng một cuộc sống bình an, hạnh phúc, không chỉ trông chờ vào sự phát triển kinh tế. “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Một địa phương dù tốc độ phát triển kinh tế chưa nhanh, chưa cao, nhưng hoàn toàn có thể đạt được mức hài lòng trong cuộc sống nếu được chăm chút, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh. Lối sống đó, trước hết được thể hiện ở những cách ứng xử văn hóa nơi công cộng.

Hiện nay, có thể nhận diện các cách ứng xử thiếu văn hóa nơi công cộng vẫn đang diễn ra hàng ngày, như: nhiều người chen lấn nơi công cộng để được ưu tiên tại các quầy hàng, quầy thanh toán, bưu điện, nơi tiếp nhận các dịch vụ, nơi bán vé xe, tàu… Tình trạng có một số người phóng uế, xả rác bừa bãi, thậm chí bỏ các túi rác ngay giữa lòng đường khi đang tham gia giao thông. Có người viết bậy, ngồi lên các cổ vật, mặc đồ hở hang, đốt nhiều giấy tiền vàng bạc… làm mất đi sự tôn nghiêm và văn hóa ở các điểm tham quan di tích, thắng cảnh.

Có người, đương nhiên, vô tư, mở loa điện thoại để nghe nhạc, xem các video trên YouTube, hoặc nói chuyện điện thoại ồn ào, bất chấp những người xung quanh phải chịu đựng. Tình trạng một nhóm người thỏa sức hò hét, đùa vui náo động một góc quán, nhà hàng, mặc kệ những người xung quanh ngơ ngác, khó hiểu những hành vi đó.

Trên đường, một số người không đi đúng làn đường quy định, gây khó khăn cho những người cùng tham gia giao thông. Tại các ngã tư có đèn tín hiệu giao thông có làn rẽ phải cho xe 2 bánh nhưng nhiều người đã đậu xe lấn áp cả bên phải phần đường, khiến người đi sau không thể tiếp tục rẽ phải. Văn hóa nhường nhau khi di chuyển trên đường ngày nào, nay đã dần biến mất.

Trên xe buýt, xe trung chuyển, trước đây, chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh đẹp:  nhường ghế ngồi cho người già, phụ nữ có thai, nam nhường cho nữ, trẻ nhường cho già thì giờ đây, một số người bình thản giữ chỗ của mình mặc cho những người cần giúp đỡ nhưng không dám lên tiếng.

Một trong những nét văn hóa đẹp của người Việt nói chung và người dân Nam bộ nói riêng, đó là khi ra đường, gặp chuyện bất bình, gặp kẻ xấu ức hiếp người tốt, gặp người bị nạn là sẵn sàng ra tay giúp đỡ, không nghĩ tới việc được mang ơn, trả nghĩa của người được giúp. Tuy nhiên, hiện nay ra đường, khi thấy những việc cần ra tay giúp đỡ thì nhiều người đã ái ngại sợ liên lụy bản thân mình.

Cách ứng xử của mỗi cá nhân, cộng đồng sẽ phản ánh văn hóa cao hay thấp của cá nhân, cộng đồng đó. Để giữ gìn những nét văn hóa ứng xử đẹp nơi công cộng, chúng ta cần quan tâm xây dựng văn hóa ứng xử cho mọi người, mọi nhà. Xây dựng văn hóa ứng xử nơi công cộng với những chuẩn mực đạo đức, pháp luật được thực thi bởi những cá nhân cụ thể là yêu cầu cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi người sống, làm việc tốt hơn.

Mỗi người dân cần nhận thức và tự thấy có trách nhiệm chung với cộng đồng, xã hội trong việc giữ gìn những cách ứng xử đẹp, lịch lãm, văn hóa, văn minh mà cộng đồng người Việt đã hình thành. Mọi người cần đề cao tinh thần tự trọng, giữ thể diện quốc gia, cộng đồng, tự cảm thấy xấu hổ khi thực hiện những hành vi kém văn hóa nơi công cộng.

Bên cạnh đó, để hình thành lối ứng xử văn minh, lịch sự, cần nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi gia đình, nhà trường và xã hội. Ở nhà, người lớn phải là tấm gương cho trẻ nhỏ hình thành ý thức ứng xử văn hóa, văn minh. Trong trường học, các em phải được thực hành, nhất là giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách, trang bị những kỹ năng và lối sống đẹp cho trẻ em và lối sống văn hóa trong cộng đồng. Ngoài xã hội, các cơ quan, tổ chức phải quan tâm, cương quyết chối bỏ những biểu hiện kém văn hóa, để hình thành cách ứng xử văn minh, lịch sự nơi công cộng.

Song song với việc học tập tinh hoa văn hóa truyền thống với những bài học về đối nhân xử thế của cổ nhân, hình thành những chuẩn mực, giá trị đạo đức mới qua quá trình tiếp biến văn hóa, văn minh nhân loại thì cần xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi người khi giao tiếp ở nơi công cộng; có chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức và quy tắc xã hội, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để vừa giáo dục, vừa răn đe, giúp mỗi người biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ để sống và làm việc tốt hơn.

ThS TRƯƠNG BÁ TRẠNG (Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch An Giang)

 

Liên kết hữu ích