Xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội

07/03/2024 - 14:18

Sáng 7/3, tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra phần thẩm vấn, xét hỏi các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan. Đến 11 giờ 30 phút, Chủ tọa phiên tòa đã thực hiện xong phần xét hỏi đối với 10 bị cáo. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng thể hiện.

Chú thích ảnh

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 7/3. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Là bị cáo đầu tiên trả lời xét hỏi, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn thừa nhận nội dung đã khai với Cơ quan điều tra, đúng với hành vi bị cáo đã làm và giữ nguyên lời khai.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai vào làm việc tại Ngân hàng SCB từ tháng 7/2013. Trước đó, bị cáo làm việc ở một công ty kiểm toán quốc tế. Do điều kiện gia đình, đã làm việc ở Hà Nội 18 năm, bị cáo muốn trở về quê hương tại miền Nam. Qua lời mời của cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB Nguyễn Thị Thu Sương, bị cáo nhận lời về SCB, giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban chiến lược của ngân hàng. Đến tháng 12/2013, bị cáo được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc.

Khi được Chủ tọa hỏi về vai trò của bị cáo Trương Mỹ Lan ở Ngân hàng SCB, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai rất ít tiếp xúc với bị cáo Lan, tuy nhiên bị cáo Văn nhận thức được, tuy bị cáo Lan không có vị trí chính thức ở SCB, nhưng có cổ phần tương đối lớn nên có ảnh hưởng nhiều đến Hội đồng Quản trị.

Bị cáo Văn cũng khai, khi xét duyệt các khoản vay thì tất cả tên người vay đều không có tên Vạn Thịnh Phát hay bị cáo Trương Mỹ Lan. Sau này bị cáo mới biết có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Bản thân bị cáo Văn lúc đó rất tin tưởng bị cáo Lan sẽ có đủ dự án với tài sản đảm bảo là bất động sản để đưa SCB vượt qua giai đoạn tái cơ cấu nên đã giúp sức cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay dưới sự chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Chú thích ảnh

Các bị cáo tại phiên tòa ngày 7/3. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Bị cáo Văn thừa nhận, Ngân hàng SCB là “công cụ” của bị cáo Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, bị cáo Văn khẳng định không được hưởng lợi từ các hoạt động cho vay, không được chia cổ phần. Bị cáo Văn cho rằng, bản thân chỉ là người làm thuê nên phải chấp hành sự điều khiển của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Liên quan đến hành vi đưa 5,2 triệu USD tiền hối lộ cho bị cáo Đỗ Thị Nhàn (thời điểm này là Trưởng Đoàn Thanh tra thuộc Ngân hàng Nhà nước), bị cáo Văn khai nhận đã 3 lần gửi các thùng trái cây được dán băng keo kín cho bị cáo Nhàn (nhận thức được bên trong chứa tiền) theo chỉ đạo của Nguyễn Phương Hồng (sau đó mới biết là chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan). Những lần đưa “trái cây” đến cho bị cáo Nhàn, bị cáo Văn khai chỉ nghĩ đây là mối quan hệ riêng của lãnh đạo Ngân hàng SCB.

Bị cáo Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB khai, khi làm việc dưới sự chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Dũng biết rõ khoản vay nào là của Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đối với các khoản vay này, Bùi Anh Dũng chỉ ký hợp thức hồ sơ, thủ tục cho vay để giải ngân, rút tiền của Ngân hàng SCB theo chỉ đạo của Lan.

Theo bị cáo Dũng, các đơn vị tại Ngân hàng SCB không có việc thẩm định khách hàng, thẩm định tài sản đảm bảo, không quan tâm phương án vay vốn. Các khoản vay thực chất là rút tiền cho Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát, được theo dõi riêng trên hệ thống dữ liệu “Core Banking” của Ngân hàng SCB, được tạo thêm một trường dữ liệu ký hiệu là “HSTT”. Những khoản vay này được bỏ qua quy trình cho vay thông thường theo quy định.

Chú thích ảnh

Bị cáo Trương Mỹ Lan (thứ 2, từ trái sang) tại phiên tòa ngày 7/3. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Hành vi trên của bị cáo Bùi Anh Dũng đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan chiếm đoạt số tiền 104.259 tỷ đồng của Ngân hàng SCB và gây thiệt hại cho SCB số nợ lãi phát sinh là 26.331 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Dũng khai, đến khi vụ việc vỡ lở mới nhận thức hành vi sai phạm của mình gây ra hậu quả quá lớn, đã tự nguyện trả lại khoảng 35 tỷ đồng và muốn khắc phục bằng 500.000 cổ phiếu được bị cáo Lan cho, mong được Hội đồng xét xử tạo điều kiện.

Bị cáo Trương Huệ Vân, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và cũng là cháu ruột của bị cáo Trương Mỹ Lan khai từ nhỏ được bị cáo Lan cho ăn học, làm việc nên yêu thương, coi cô ruột Trương Mỹ Lan như mẹ, tuyệt đối tin tưởng, do đó làm theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, giúp chiếm đoạt 1.088 tỷ đồng, gây thiệt hại số nợ lãi phát sinh hơn 25 tỷ đồng.

Vân thừa nhận quá trình hoạt động, bị cáo Lan chỉ đạo Vân sử dụng pháp nhân Công ty Lavifood để vay vốn tại Ngân hàng SCB, nhằm phục vụ mục đích kinh doanh và trả nợ vay tại các ngân hàng khác. 

Chú thích ảnh

Bị cáo Trương Huệ Vân tại phiên tòa ngày 7/3. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Ngoài ra, thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Lan, Vân còn thành lập các công ty “ma” để lấy phương án kinh doanh mua bán nông sản với Lavifood để lập hồ sơ vay vốn khống, tạo lập khoản vay, rút tiền từ SCB rồi sử dụng cho các mục đích riêng của 2 bị cáo; chỉ đạo 2 nhân viên kế toán của 2 công ty phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn tại ngân hàng, lấy tiền chi cho các hoạt động của 2 công ty.

Cáo trạng ghi nhận, Trương Huệ Vân đã tự nguyện, tác động gia đình nộp lại hơn 1 tỷ đồng và 3.000 USD để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Theo TTXVN