Xóm hến

20/09/2024 - 07:00

 - Hến sống ở rạch, lớn một tí thì ra sông, khi trưởng thành thì sống ở vùng cồn. Hến sống ở cồn sẽ trắng, tròn, rất ngon. Hến có quanh năm, nhưng “rộ mùa” chủ yếu từ tháng 3 - 8 âm lịch.

Chị Út Nhạn (ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) cho biết: “Hôm nay, đi cào không có lời. Cào từ sáng sớm đến giờ, chỉ được 2 bao (mỗi bao 50kg), lựa vỏ, sỏi đá, ốc ra... sẽ hao hụt thêm một ít, trả tiền xăng dầu, chi phí sinh hoạt, đan lại cái lưới, mấy cái cần gạt bị gãy phải hàn lại xem như lỗ vốn.  Nghề này cực lắm, quần quật từ sáng sớm chỉ được bấy nhiêu, về ngồi sàng, lựa thêm mấy giờ đồng hồ, chỉ để bán được giá cao thêm một ít, nếu cân “xô” cho lái giá lại rẻ. Bỏ thêm ít công thu được thêm vài chục ngàn đồng. Vất vả là vậy, nhưng không phải đi làm thuê mướn nên thoải mái, cuộc sống tạm ổn. Nhờ những con hến bé tí, giúp tôi tích cóp lo cho gia đình, cho con đến trường để không phải nối nghiệp cha. Có tiền tu sửa cái nhà ấm cúng, sắm được phương tiện trên bờ, sửa chữa chiếc ghe làm kế sinh nhai”. Theo chị Nhạn, hiện nay, hến có giá nhưng ít dần, mỗi ngày được trăm mấy ký là tương đối khá, có ngày chỉ đủ chi phí sinh hoạt. Ngày trước, hến nhiều, nhưng giá thấp, người cào cũng ít nên mỗi ngày cào được vài trăm ký là chuyện thường. Giờ đây, hàng trăm chiếc ghe đua nhau cào, người dân địa phương lẫn những ghe cào nơi khác cũng đến, làm nhộn nhịp cả đoạn sông.

 Dưới kênh Núi Chóc Năng Gù (ấp Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành), hơn 20 chiếc ghe đậu san sát nhau, người vác, người xách từng bao hến lên cân, cầm vài tờ tiền trên tay, đây là khoản thu nhập cho 1 ngày lao động cật lực của xóm hến. Ông Ba Sơn (ngụ cùng ấp) nói: “Hến ngày càng ít dần, mỗi ngày cào được 200kg đã là nhiều, giá hến lên xuống bất thường. Con hến size 5 ly giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, hến 10 - 12 ly giá từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Với giá này cũng tạm ổn, sau khi trừ hết các khoản chi phí vẫn còn đủ tiền cho sinh hoạt. Nhớ lại ngày trước, hến rất nhiều, lúc đó còn cào thủ công, phải lội nước cầm cây vợt đường kính 5 tấc, cào sát xuống bùn kéo lên không nỗi, cào bằng sức người vậy, nhưng mỗi ngày cào cả chục bao, khẳm cả chiếc xuồng. Khi có điều kiện lên ghe 7 - 8 tấn, trang bị máy cào, kéo lưới lên cả giạ hến, khi nhiều chở không hết phải để cặp mé kênh lấy lá cây che lại và đi cào tiếp, chiều tải lần lần về. Nghề cào hến biết bao vất vả, khó khăn, nhớ lại những lúc phải lặn lội, dầm mình dưới nước hàng giờ. Những khi trời mưa gió, mùa đông lạnh giá cũng phải làm, mùa nước lên càng cao cào lại vất vả gấp bội, phải dùng hết sức mới đưa được cái vợt vừa hến lẫn bùn đất lên khỏi mặt nước, công việc mưu sinh phải cố gắng. Nay, phương tiện cào “xịn”, sàng ra từng size hến, nhưng hến ít, nhiều khi kéo lưới lên chỉ được 1 - 2kg/lần. Tôi lớn tuổi, không còn sức khỏe để cào, nay có thằng con tiếp tục công việc. Lo cho mấy đứa cháu đến trường học hành đàng hoàng, không phải theo cái nghề sông nước cơ cực này”.  

Tương tự, chú Bảy Giang thông tin: “Xóm hến có từ lâu, đoạn đường 200m có hơn 20 hộ làm nghề, từ lúc cào bằng sức người, chỉ cần chiếc xuồng, khá hơn thì vỏ lãi, vài công cụ chuyên cào hến tự chế vậy là kiếm sống ổn. Số người kiếm sống bằng “lộc trời” cho ngày càng nhiều, khai thác quá mức nên hến ít dần, phải chạy xa hơn. Những gia đình có điều kiện trang bị cào bằng máy, với sức máy mỗi buổi cào gấp 3 - 4 lần sức người”. Ngày nay, hến trở thành đặc sản, có thể chế biến nhiều món ăn hấp dẫn, như: Canh hến, cơm hến, hến xào sả ớt… Đặc biệt, món hến xúc bánh đa được các nhà hàng biến thành món ăn độc đáo. Nhờ đó, con hến nuôi sống hàng trăm hộ gia đình, giúp thoát nghèo, có của ăn của để, con cháu được đến trường. Chị Tuyền (xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) cho biết: “6 giờ sáng, 2 cha con chạy chiếc vỏ lãi lên huyện Châu Thành cào hến, đến 10 giờ về. Tôi ở nhà lựa hến, luộc tách vỏ hến lấy thịt. Bỏ mối cho xung quanh và bán lẻ, kiếm thêm được đồng nào đỡ đồng đó. Một buổi cào được 60 - 70kg, luộc còn khoảng 4 - 5kg thịt hến, thêm được vài ký ruột vẹm nữa. Trừ chi phí xăng dầu, trấu đốt, mỗi ngày thu nhập được 200.000 - 300.000 đồng, cũng đủ cho sinh hoạt hàng ngày”.

Mùa nước nổi mang lại nhiều sản vật cho người dân kiếm sống, có thêm thu nhập. Nghề hến vẫn theo con nước mưu sinh dù bao khó khăn vất vả, nhưng đã làm nghề thì phải cố gắng xuôi dòng mang về những con hến bé xíu để nuôi sống gia đình...

ĐĂNG LÂN