Xử lý nghiêm hành vi xuyên tạc, chống phá công cuộc phòng, chống dịch COVID-19

03/09/2021 - 21:29

 - Nhiều thế lực thù địch, phần tử phản động đang lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19, tung tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến công cuộc phòng, chống dịch của nước ta. Để tăng cường sức mạnh chống dịch, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, rất cần lên án, xử lý nghiêm những đối tượng này.

Theo thống kê từ Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an), trang thông tin nước ngoài đăng tải hàng trăm bài viết liên quan đến dịch COVID-19 ở Việt Nam. Nội dung được các đối tượng dàn dựng công phu, tỉ mỉ, thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt. Họ tận dụng triệt để mặt trái của truyền thông cùng với tính năng lan tỏa nhanh, độ tương tác rộng của mạng xã hội để đưa ra nhiều bài viết, hình ảnh, video xuyên tạc công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta, nhằm đánh lạc hướng dư luận, nói xấu Đảng, chính quyền, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, tạo ra tâm lý hoài nghi, bi quan, mất niềm tin của nhân dân đối với hệ thống chính trị. Điển hình, sáng 28-7-2021, tại kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XV, Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, thống nhất tổng mức vay trong 5 năm tới là 3,068 triệu tỷ đồng. Cùng lúc đó, dịch bệnh COVID-19 gây thiệt hại lớn về mọi mặt của đất nước nói chung, TP. Hồ Chí Minh nói riêng, đã có người dân lâm vào cảnh khốn khó. Vin vào những hình ảnh, sự kiện này, ngay lập tức, các thế lực thù địch liên tục tung ra bài viết phủ nhận thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, xuyên tạc chính sách chăm lo cho người dân trong đại dịch… Các luận điệu cho rằng “Việt Nam là nước có nợ công cao nhất thế giới”, “đã phải đi vay để ăn”, “kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ suy sụp, khủng hoảng trầm trọng”, “chính quyền Việt Nam, chính quyền TP. Hồ Chí Minh đã bỏ rơi người dân trong đại dịch COVID-19”…

Quân đội vào cuộc, hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân vượt qua đại dịch

Tuy nhiên, Việt Nam không nằm trong danh sách các quốc gia có tỷ lệ nợ công lớn trên thế giới của Diễn đàn Kinh tế thế giới. Mặt khác, nợ công không phải là chỉ số duy nhất để đánh giá “sức khỏe” của nền kinh tế. Về chăm lo an sinh xã hội, với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 với gói hỗ trợ chưa từng có lên tới 62.000 tỷ đồng để giúp đỡ người nghèo. Làn sóng dịch lần thứ 4 xuất hiện, Đảng và nhà nước Việt Nam ngay lập tức ban hành chủ trương, chính sách cụ thể chăm lo cho người dân. Gói hỗ trợ lần 2 của Chính phủ trị giá 26.000 tỷ đồng được triển khai nhanh chóng. Kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XV quyết nghị 1 nội dung hệ trọng, là tán thành việc giao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định biện pháp đặc biệt để chống dịch. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội cho phép chuyển nguồn 1.237 tỷ đồng kinh phí chi sự nghiệp y tế còn lại năm 2020 của Bộ Y tế để mua vaccine phòng dịch COVID-19 và quyết toán vào chi ngân sách nhà nước năm 2021...

Ngày 20-8-2021, sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chỉ thị tăng cường lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, ngay lập tức trên nhiều trang mạng xã hội xuất hiện bài viết xuyên tạc, cho rằng, “Quân đội là phải canh gác bảo vệ biên giới; đối diện với công an, quân đội là dân chứ có phải là giặc đâu mà cầm súng giương nòng lên”; “cho quân đội vào là để trấn áp dân ra đường”… Trong khi đó, quyết định đưa lực lượng quân đội để cùng phối hợp với các địa phương tham gia chống dịch nhằm nâng cao hơn nữa mức độ chấp hành giãn cách xã hội, khống chế dịch bệnh, ngăn ngừa những yếu tố bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây là chủ trương vô cùng đúng đắn và cần thiết. Sự vào cuộc của quân đội cùng với việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội đã cho thấy hiệu quả: người dân tuân thủ quy định về phòng, chống dịch hơn trước, giảm tình trạng viện lý do để ra đường. Không những vậy, hình ảnh chiến sĩ quân đội, công an, dân phòng... xuất hiện ở nhiều đường phố giúp mọi người cảm thấy an tâm hơn, là điểm tựa tinh thần rất lớn đối với người dân thời điểm này.

Những hoạt động của “truyền thông đen” và khó khăn, trở ngại do dịch bệnh gây ra khiến một số người dân thiếu tỉnh táo, mất bình tĩnh, rơi vào bẫy của các đối tượng phản động, vô tình trở thành “con bài” trong hoạt động chống phá của họ. Cục An ninh Chính trị Nội bộ (Bộ Công an) khuyến cáo, mỗi người dân tham gia mạng xã hội cần ý thức trách nhiệm với chính bản thân và cộng đồng; có hiểu biết về pháp luật, xây dựng được ý thức cảnh giác với tin giả. Người dân cần tỉnh táo, thận trọng trong việc đưa và tiếp nhận thông tin, chia sẻ, bình luận; nên chọn lọc thông tin từ báo chí chính thống. Ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng thì rất cần sự chung sức, đồng lòng của người dân trong việc lên án những hành vi sai phạm, không chia sẻ thông tin xấu độc, góp phần loại bỏ thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

T.M