Xuân ở đình làng!

13/02/2021 - 00:30

 - Trong dòng chảy văn hóa Việt, đình làng là nơi lưu giữ những nét đẹp truyền thống của làng quê mộc mạc, bình dị và cũng lắm thân thương. Bởi thế, dù có đi đâu người ta vẫn muốn trở về với đình làng, nhất là khi đất trời đang trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.

Vui với hội đình

Theo dòng chảy thời gian, đình làng giờ đây đã trở thành biểu tượng của văn hóa làng quê, là cội nguồn để những người con xa xứ hướng về nơi “chôn nhau cắt rốn”. Thật vậy, đình làng là nơi kết nối cộng đồng và thể hiện tấm lòng của người Việt đối với tiền nhân, những người đã dày công gầy dựng cuộc sống tốt đẹp cho cháu con sau này.

Trong quá trình mở đất, đình làng ở Nam Bộ cũng xuất hiện theo dấu chân những lớp người đầu tiên đến định cư ở đồng bằng châu thổ. Ở đình làng, người ta có thể thấy những hội hè, lễ cúng thu hút sự tham gia nhộn nhịp của cộng đồng làng xã, như: Lễ Kỳ yên thượng điền, Kỳ yên hạ điền và cúng Lạp miếu rất long trọng vào dịp cuối năm. Có thể nói, những lễ cúng này đều gắn chặt với nét tín ngưỡng văn hóa và đời sống của người dân Nam Bộ. Đặc biệt, cúng Lạp miếu được xem là sự kiện vui tươi, gắn chặt với quá trình “ăn Tết” của người Việt xưa và nay.

Trưởng ban Quý tế đình thần Bình Mỹ (xã Bình Mỹ, Châu Phú) Phan Văn Trạng cho biết: “Hàng năm, Ban Quý tế đình Bình Mỹ đều tổ chức sự kiện cúng Lạp miếu rất sôi nổi. Với ý nghĩa mừng mùa vụ hoàn thành, cầu mong cho quốc thái dân an và cũng để đón Tết cổ truyền của dân tộc, lễ cúng Lạp miếu ở đình Bình Mỹ năm nào cũng vui như hội! Chúng tôi thường tổ chức các trò chơi dân gian như: nhảy bao bố, bịt mắt bắt gà, đập nồi và cả những giải thể thao để phục vụ người dân”.

Trong không khí rộn ràng những ngày cuối năm, mái đình gần trăm tuổi nằm bên bờ kênh Hóa Cù này như được “thay áo mới”, với cờ hoa nhộn nhịp và nụ cười của người dân địa phương khi tham gia các trò chơi dân gian sôi nổi, hào hứng. Có lẽ, thế hệ cha ông của họ đã từng vui như thế, bởi đời sống nông nhàn thuở trước luôn gắn chặt với đình làng. Về phần lễ cúng, Ban Quý tế đình Bình Mỹ thường cúng nhiều lễ vật long trọng để tri ân Thành hoàng bổn cảnh và Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh- người có công rất lớn trong quá trình Nam tiến của người Việt “từ thuở mang gươm đi mở cõi”.

Đình Bình Mỹ với nhiều lễ cúng mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ

“Tôi không nhớ chính xác việc tổ chức các trò chơi dân gian xuất hiện từ khi nào, nhưng nó đã trở thành nét đẹp truyền thống của người dân Bình Mỹ mấy chục năm nay. Ngôi đình này là nơi để người dân tới cúng bái, tri ân các bậc tiền nhân và là địa điểm họ gặp gỡ, giao lưu với nhau sau một năm bươn chải với cuộc sống mưu sinh. Bởi vậy, cứ tới tháng Chạp thì người ta lại nô nức lo cúng Lạp miễu để có dịp gặp gỡ đồng hương, bạn hữu và cùng nhau tưởng nhớ công đức của người xưa. Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 ổn định và được sự cho phép của địa phương, Ban Quý tế đình Bình Mỹ sẽ tiếp tục tổ chức các trò chơi dân gian như mọi năm” - ông Trạng cho hay.

Thiêng liêng  dưới mái đình

Ngoài các hoạt động trong lễ cúng Lạp miếu, người dân Bình Mỹ còn “đón giao thừa” ở mái đình thiêng liêng này. Theo lệ, Ban Quý tế đình sẽ tập trung cúng giao thừa với hương hoa, trà quả dâng lên Thành hoàng bổn cảnh và Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh để cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc và quốc thái dân an. Trong nén hương thơm hòa lẫn vào không gian uy nghi, ấm cúng, mái đình Bình Mỹ bỗng trở nên thiêng liêng trong khoảnh khắc thời gian “bước chân” sang năm mới. Ngoài sân, hơi sương thấm ướt những nụ mai vừa bung nở trong không khí hài hòa, tươi tốt của mùa xuân.

Góc xuân ở đình làng

Sau khi Ban Quý tế đình thực hiện lễ cúng giao thừa xong thì người dân địa phương bắt đầu đến đình thắp hương cầu an trong năm mới. “Người dân đến cúng giao thừa tại đình rất đông. Chúng tôi có chuẩn bị các thiệp chúc xuân để gửi đến mọi người, mong muốn họ sẽ được tấn tài tấn lộc, gia đình hạnh phúc trong năm mới. Người dân ở xứ Bình Mỹ này luôn xem việc đến đình cúng giao thừa là cái “lệ” rất quan trọng, sau khi họ cúng bái tổ tiên tại gia đình. Vì vậy, Ban Quý tế đình luôn mở cửa để bà con tới lui trong những ngày đầu năm và việc đó đã trở thành nét đẹp văn hóa trong sinh hoạt, tín ngưỡng của người dân địa phương hàng trăm năm nay” - ông Trạng giải thích.

Trong không khí mát mẻ của ngày xuân, mái đình Bình Mỹ cũng rực rỡ hơn với những chậu hoa đủ màu sắc. Theo tín ngưỡng dân gian, Ban Quý tế đình Bình Mỹ cũng cúng mâm ngũ quả trong mấy ngày xuân để Thành hoàng bổn cảnh phù hộ cho người dân một năm mới đủ đầy, sung túc. Riêng lễ cúng Lạp miếu thì người dân thường dâng những mâm xôi đầy lên các bậc tiền nhân với mong ước sự sinh sôi, nảy nở trong năm mới. 

Với người Việt, các hoạt động tín ngưỡng đóng vai trò nhất định trong ngày Tết và mái đình cũng là nơi nhắc nhở những người xa xứ đừng quên lãng những giá trị văn hóa của làng quê, vốn đã trở thành ký ức đẹp qua nhiều thế hệ. Và mỗi độ xuân về, người ta lại hân hoan sống trong không khí náo nhiệt của những trò chơi dân gian hay thắp nén hương thành kính trong ngày Tết, để cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới dưới lớp ngói đã phủ thời gian của mái đình.

 

THANH TIẾN