Xuất khẩu cá tra đầy biến động

10/01/2023 - 05:40

Năm 2022 đã khép lại. Đây là năm mà ngành xuất khẩu cá tra có nhiều biến động. Thị trường liên tục “đóng, mở”, nguyên liệu thiếu hụt, giá thức ăn chăn nuôi tăng làm cho doanh nghiệp (DN), người nuôi gặp không ít khó khăn. Song, bằng nỗ lực vượt bậc, cùng khả năng thích ứng cao, ngành cá tra đã “về đích” với kim ngạch đạt 2,4 tỷ USD.

Công nhân mong muốn số ngày làm việc giữ ổn định

Từ thị trường biến động…

Thị trường nhiều biến động, kim ngạch về đích ở mức cao được xem là thắng lợi của ngành hàng cá tra trong năm 2022. Giờ đây, cá tra phi-lê trong nước đã xuất sang 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, phục vụ người tiêu dùng toàn cầu. “Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng, thu nhập giảm mạnh, cá tra được xem là sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng vì giá rẻ, chất lượng không ngừng được cải thiện” - ông Trần Đình Thành (thương lái xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc) khẳng định.

Theo ông Thành, giá cá tra xuất vào Trung Quốc hiện nay dao động từ 2,4 - 2,8 USD/kg là phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Lạm phát gia tăng, tình trạng thất nghiệp kéo dài làm cho kinh tế của người dân vơi đi nhiều. Nếu giá cá ở mức cao thì sản lượng tiêu thụ sẽ thấp. Vì vậy, mức giá này giúp cá tra tiếp tục chinh phục người tiêu dùng thị trường này. Nhìn lại cả năm 2022, thị trường Trung Quốc đầy biến động. Chính sách “Zero COVID-19” của Chính phủ nước này khiến các tỉnh lớn liên tục “đóng, mở” thị trường nhập khẩu cá tra, làm cho việc sản xuất của Việt Nam liên tục bị đình trệ.

"Khi Trung Quốc tiến hành kiểm soát dịch bệnh, các lô hàng cá tra xuất khẩu bị kiểm soát nghiêm ngặt, thời gian thông quan rất chậm. Đầu năm 2022, giá thuê container rỗng ở mức cao, chi phí xuất hàng vào thị trường này chưa hạ xuống được, hiệu quả sản xuất kém đi…” - ông Thành phân tích thêm.

Còn ở thị trường Hoa Kỳ, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tác động trực tiếp đến tình hình lạm phát nước này. Giá xăng dầu cùng với hàng loạt mặt hàng tăng cao, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, mua cá tra ít hơn so những năm trước, trong khi đây là một trong 4 thị trường lớn của cá tra Việt Nam (cùng với Trung Quốc, EU và các quốc gia Châu Á).

“Trước đây, tháng nào gia đình tôi cũng mua cá tra về chế biến thức ăn. Lúc đó, giá đến tay người tiêu dùng từ 4-5 USD/kg. Nay giá tăng lên 7-8 USD/kg, tôi mua ít lại. Giá thực phẩm tăng cao, trong khi thu nhập hàng tháng giảm. Vì vậy, tiêu dùng cái gì tôi cũng tính toán rất kỹ…” - chị Trần Thị Hoa (Việt kiều Hoa Kỳ) chia sẻ.

...đến nguyên liệu thiếu hụt

Trên phương diện xuất khẩu là vậy, còn ở trong nước, ngoài tình trạng giá thức ăn liên tục tăng cao, cá nguyên liệu phục vụ chế biến cũng thiếu. Việc này khiến cho sản xuất liên tục bị đứt quãng, giờ công lao động của công nhân giảm đáng kể. “Các nhà máy thiếu nguyên liệu chế biến nên 1 tuần chúng tôi chỉ làm 2-3 ngày. Trước đây, bình quân mỗi tuần, chúng tôi làm 5 ngày. Bởi vậy, thu nhập của người lao động giảm đáng kể” - chị Lê Thị Chi (công nhân Nhà máy thủy sản đông lạnh Đại Tây Dương) chia sẻ.

Nhìn lại cả năm 2022, do tình trạng nguyên liệu bị thiếu hụt nên giá cá tra trong năm luôn ở mức cao, từ 29.000 - 30.000 đồng/kg. Giá cao, nhưng chẳng ai vui, vì sản xuất vô cùng khó khăn. Từ người nuôi cá đến DN chế biến đều chung cảnh khó. “Nuôi cá tra rất cần vốn, giai đoạn nuôi thúc thì room tín dụng siết lại, việc vay vốn gặp rất nhiều trở ngại. Đây là năm mà chúng tôi nhớ mãi” - ông Nguyễn Văn Cây (ngụ xã Long Giang, huyện Chợ Mới) bày tỏ.

Năm 2022, toàn tỉnh có 1.638ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó diện tích nuôi cá tra thương phẩm 1.331ha, tăng 102ha so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng nuôi đạt trên 300.000 tấn. Khó khăn là vậy, song nhờ vào định hướng kịp thời của nhà nước, nỗ lực của DN, sự gắng sức của người nuôi cá, toàn ngành cá tra về đích ngoạn mục. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, trong đó DN An Giang xuất đạt 380.000 USD.

Bước sang năm 2023, tiếp tục đà vượt khó, DN cùng người nuôi cá trong tỉnh quyết tâm giữ vững sản xuất, đẩy mạnh mở rộng thị trường, khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu trong chế biến xuất khẩu. Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục kêu gọi DN, người nuôi cá hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm, thực hiện phương châm “Sản xuất theo tín hiệu của thị trường”. Có như vậy thì ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu mới phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.

“Năm mới, người nuôi cá mong nhà nước tiếp tục kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y thủy sản để ngư dân ổn định sản xuất. Hiện nay, kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá tra của DN, nông dân đạt trình độ cao. Cụ thể, chỉ cần 1,7kg thức ăn cho ra 1kg cá tăng trọng. Cá nuôi trong môi trường nước được thay liên tục, thịt cá rất trắng, chất lượng rất tốt. Song, nếu giá thức ăn liên tục tăng thì hiệu quả gần như không có, thậm chí còn thua lỗ” - ông Nguyễn Văn Cây (ngụ xã Long Giang, huyện Chợ Mới) kiến nghị.


MINH HIỂN