Xuất khẩu khả quan, doanh nghiệp vẫn đau đầu vì chi phí tăng cao

11/05/2021 - 15:27

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ đô la Mỹ (USD), tăng 28,3% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tín hiệu thị trường khả quan là vậy, song các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vẫn đang loay hoay với bài toán giá nguyên liệu tăng cao thời gian qua.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản của Công ty cổ phần may Hưng Việt, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Thị trường xuất khẩu phục hồi

Sau hơn 1 năm đối mặt với những khó khăn do dịch COVID gây ra, hoạt động thương mại hàng hóa thế giới đã từng bước thích nghi và phục hồi, tạo điều kiện cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng. Đáng chú ý là các ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực, liên tục suy giảm cả sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong năm 2020 như dệt may, da giày đã khởi sắc trở lại. Cuối tháng 4, xuất khẩu dệt may đã đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ 2020, giày dép đạt 6,4 tỷ USD, tăng 18,7%.

Ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt cho biết, sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng hàng may mặc chững lại, thị trường hàng dệt may đã từng bước phục hồi. Hiện nay, công ty đã có đơn đặt hàng đến tháng 8/2021 và đang sản xuất hết công suất để kịp giao hàng đúng tiến độ. Thị trường xuất khẩu chủ yếu của doanh nghiệp là Mỹ, Nhật Bản và EU.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2021 ngành dệt may đặt kế hoạch xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD và kết quả những tháng đầu năm cho thấy mục tiêu của ngành là khả thi. Bên cạnh sự phục hồi sức mua của các thị trường, ngành dệt may cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh và cơ hội thu hút đầu tư vào sản xuất nguyên phụ liệu nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới được thực thi.

Cùng đó, sau thời gian chống chọi với sự đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cũng như đầu ra, các doanh nghiệp dệt may đã có kinh nghiệm thích nghi và chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhạy bén đã nhanh chóng chuyển đổi sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường cũng như khai thác tốt các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Trong khi đó, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam thông tin, xuất khẩu sản phẩm da giày những tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng khá tốt, Việt Nam được nhiều khách hàng tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch COVID-19, đảm bảo điều kiện cho các nhà máy duy trì hoạt động liên tục. Nhờ đó, các doanh nghiệp gia công giày thể thao cho một số nhãn hàng lớn như Nike, Adidas…có lượng đơn hàng ổn định.

Mặt khác, ngành da giày đang tận dụng khá tốt Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nhờ lợi thế được hưởng ưu đãi thuế sớm từ mặt hàng chủ lực giày thể thao với khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU. Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA) được ký kết và thực thi sớm cũng giúp da giày Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tại một trong những thị trường xuất khẩu trọng điểm, có kim ngạch khoảng vài trăm triệu USD/năm.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại tự do mới được thực thi hiệu quả hơn. Đặc biệt, các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKFTA) sẽ là đòn bẩy để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thông qua đó thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn nữa.

Gánh nặng gia tăng chi phí

Mặc dù thị trường xuất khẩu có nhiều tín hiệu lạc quan song nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít thách thức do chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng cao và diễn biến khó lường của dịch COVID-19 ở nhiều khu vực.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa Tp. Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp không phải là đầu ra mà chính là giá nguyên liệu tăng, đẩy chi phí sản xuất lên cao. Cụ thể, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá các mặt hàng nguyên liệu và hóa chất và phụ gia sản xuất cao su đã tăng 60% so với trước và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

“Trong khi chí phí sản xuất tăng đột biến nhưng các doanh nghiệp rất khó để đàm phán tăng giá bán với khách hàng do hợp đồng đã được ký trước. Với các hợp đồng mới, khi doanh nghiệp đề cập điều chỉnh tăng giá từ 5 - 10% nhiều đối tác đã chần chừ chốt đơn và có tâm lý chờ giá giảm. Còn nếu bán với giá cũ thì doanh nghiệp nắm chắc phần lỗ dù sản lượng xuất khẩu vẫn tăng”, ông Nguyễn Quốc Anh nêu khó khăn.

Chi phí nguyên liệu tăng cao cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp dệt may đau đầu trong thời gian gần đây. Ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt thông tin cho hay, không chỉ có nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp tăng giá do ảnh hưởng của cước vận tải đường biển mà ngay cả nguyên liệu sản xuất trong nước cũng tăng từ 20 - 30% so với cuối năm 2020 khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp dệt Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sợi từ nước ngoài nhưng sản lượng bông (nguyên liệu dùng để kéo sợi) thế giới năm qua sụt giảm khiến giá sợi nhiều nơi đã tăng lên từ 25 - 30%.

“Thị trường vừa mới có dấu hiệu phục hồi, khả năng chi trả của đa số người tiêu dùng hiện nay đã giảm sút do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên hầu hết sản phẩm được tiêu thụ là các sản phẩm cơ bản, có mức giá phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sản xuất đang rơi vào thế khó vì giá nguyên liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng nhưng không thể tăng giá bán. Biên độ lợi nhuận giảm sút, thậm chí có khả năng sẽ lỗ nếu tình trạng trên tiếp tục kéo dài”, ông Nhung chia sẻ.

Nguyên liệu ngành nhựa cũng không tránh khỏi làn sóng tăng giá, cập nhật đến đầu tháng 4/2021, giá nguyên liệu PVC tại các thị trường châu Âu đã có 11 tháng liên tục tăng giá và dự kiến đà tăng này sẽ kéo dài đến quý II/2021. Trước đó, giá nguyên liệu PP và PE cũng đã tăng đáng kể, vượt qua cả mức kỷ lục ghi nhận trong năm 2015.

Theo phân tích của  Hiệp hội Nhựa Việt Nam, châu Á là khu vực sử dụng nguyên liệu nhựa lớn nhất thế giới nhưng nguồn cung tại chỗ (chủ yếu từ Trung Quốc) chỉ đáp ứng hơn 70% nhu cầu. Phần còn lại phải lấy từ châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều nhà máy sản xuất tại Trung Quốc nghỉ lễ kéo dài trong khi nguồn cung tại thị trường châu Âu và Trung Đông gián đoạn do tình trạng thiếu container rỗng, thời gian vận chuyển kéo dài và chi phí vận chuyển tăng cao đã khiến nguồn cung nguyên liệu nhựa trong nước giảm mạnh.

Trước tình thế trên, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải tìm nguồn hàng thay thế từ Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, nắm bắt được tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên liệu nhựa trên thị trường, nhiều nhà cung ứng mới cũng liên tục tăng giá. Từ đầu năm đến nay, những nhà cung ứng nguyên liệu nhựa tại Indonesia đã tăng giá bán 4 lần. Ước tính giá nguyên liệu nhựa trên thị trường đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. 

Nhiều chuyên gia và hiệp hội ngành hàng cho rằng, nguyên liệu phục vụ sản xuất -xuất khẩu không phải là vấn đề mới nhưng đang ngày càng trở nên cấp thiết đối với nhiều ngành hàng của Việt Nam. Trước đó, giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng các cụm khu công nghiệp chuyên biệt cho sản xuất nguyên liệu dệt may, da giày đã được nêu ra ở nhiều hội nghị, hội thảo nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức đề xuất.

Đã đến lúc các cơ quan quản lý, ngành hàng phải hành động cụ thể cho chiến lược phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa phục vụ sản xuất - xuất khẩu. Bởi chủ động nguyên liệu tại chỗ không chỉ giúp doanh nghiệp sản xuất kiểm soát được chi phí, giá thành mà còn là điều kiện quan trọng để tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.

Theo XUÂN ANH (Báo Tin Tức)