Chế biến cá tra xuất khẩu
Xuất khẩu khả quan
Theo Sở Công thương, thời gian qua, xuất khẩu thủy sản của An Giang chịu sự tác động của dịch bệnh COVID-19, hoạt động xuất khẩu thủy sản tuy ít nhộn nhịp nhưng vẫn tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020 khi hàng hóa xuất khẩu số lượng lớn qua các nước Châu Á. Đến thời điểm đầu tháng 3-2021, mặt hàng thủy sản bắt đầu tiếp nhận tín hiệu hồi phục của thị trường Trung Quốc, khi nước này tăng nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam, trong đó có An Giang.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của An Giang đạt 29.610 tấn, trị giá 71,64 triệu USD, tăng 0,39% về lượng và tăng 0,73% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020. So với kế hoạch năm đạt 24% và 102,3% so với kịch bản tỉnh đã xây dựng. Trong đó, một số DN đẩy mạnh xuất khẩu sang những thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) để hưởng ưu đãi thuế, tăng tính cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu vào những thị trường mới phần nào giúp kim ngạch xuất khẩu cá tra phục hồi. Đặc biệt là giảm dần việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tạo sự cân bằng trong hoạt động xuất khẩu vào các thị trường lớn.
Mặt hàng thủy sản của An Giang hiện đã xuất khẩu qua 72 nước. Chiếm tỷ trọng cao nhất vẫn là thị trường Châu Á (chiếm 52,91% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp); kế đến là thị trường Châu Mỹ (chiếm 31,30% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp). Tỷ trọng còn lại xuất khẩu qua 19 nước Châu Âu, 3 nước Châu Đại Dương và 6 nước Châu Phi. Giá thủy sản đông lạnh xuất khẩu bình quân đạt 2.419 USD/tấn, tăng 8,21 USD/tấn so với cùng kỳ. Theo các DN xuất khẩu: nguyên nhân giá thủy sản xuất khẩu tăng là do thời gian gần đây giá cá nguyên liệu tăng nên giá xuất khẩu tăng tương ứng.
Theo Cục Thống kê An Giang, tháng 4-2021, tình hình xuất khẩu hàng hóa tương đối ổn định. Hầu hết các mặt hàng chủ lực của tỉnh, như: gạo, thủy sản, rau quả... đều có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu thủy sản đông lạnh tháng 4-2021 đạt hơn 10.000 tấn, tương đương hơn 24 triệu USD. Nhìn chung, tình hình xuất khẩu thủy sản trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2021 đạt 39.640 tấn, tương đương gần 96 triệu USD; so với cùng kỳ tăng 1,31% về sản lượng và tăng 1,67% về kim ngạch.
Vùng nguyên liệu thủy sản xuất khẩu
Nhiều thách thức
Có thể thấy, hoạt động xuất nhập khẩu đã và đang bị ảnh hưởng sâu rộng bởi nhiều yếu tố. Trong bối cảnh đó, các DN linh hoạt, kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp của thị trường. Tuy nhiên, DN xuất khẩu cần chủ động ứng phó trong bối cảnh mới. Bởi theo đánh giá của Bộ Công thương, trong thời gian tới, nhu cầu thế giới đang cải thiện khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, nhờ việc triển khai mạnh mẽ tiêm Vaccine COVID-19 và sự hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tài khóa tiền tệ, giúp tăng cường cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, hoạt động xuất, nhập khẩu sẽ khả quan hơn. Đặc biệt, việc tận dụng tốt những lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã, đang và sẽ là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Tuy vậy, xuất khẩu phải đối mặt nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng dịch bệnh, nội lực của DN đang yếu, tình trạng thiếu Container rỗng, chi phí vận chuyển tăng cao, vấn đề Logistics rất khó khăn... Đồng thời, xu hướng của các thị trường nhập khẩu sẽ quan tâm đến chất lượng và yêu cầu ngày càng cao đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất bền vững… Đòi hỏi DN xuất khẩu cần linh hoạt hơn, chủ động ứng phó hiệu quả với các khó khăn cũng như tình huống bất lợi thông qua tăng cường nội lực, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản, thông qua chất lượng và giá cả; xây dựng và bảo vệ thương hiệu...
Đồng thời, tận dụng thời cơ, khai thác tối đa lợi thế có được từ các Hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), để thúc đẩy xuất khẩu trong năm 2021. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thị trường tiêu thụ trong nước, tích cực đưa sản phẩm vào thị trường nội địa thông qua hệ thống các siêu thị lớn, đa dạng mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng... nhằm hạn chế những rủi ro và ảnh hưởng từ sự sụt giảm thị trường xuất khẩu.
Dự báo, xuất khẩu cá tra của An Giang được kỳ vọng sẽ quay trở lại đà phục hồi sau chu kỳ 2 năm suy giảm mạnh 2019-2020 và trong năm 2021 tình hình xuất khẩu thủy sản có nhiều tín hiệu khả quan hơn từ thị trường Châu Âu và thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, dự kiến xuất khẩu cá tra trong năm 2021 của cả nước sẽ hồi phục về lượng lên mức 850.000 - 870.000 tấn, tăng 5% so với năm 2020, tương đương kim ngạch xuất khẩu đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2019. Theo đó, ước tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh An Giang cả năm 2021 đạt 300 triệu USD, tăng 6,4% so với năm 2020.
Lễ công bố lô hàng cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu, Nam Mỹ, ASEAN, Trung Quốc và Trung Đông
Để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, như: gạo, thủy sản, hàng đông lạnh... đạt mục tiêu kế hoạch năm 2021, Sở Công thương cho biết, sẽ chủ động, phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương tiếp tục thực hiện kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu; hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của tỉnh và Trung ương. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương tăng cường triển khai thực hiện các hoạt động kết nối cung-cầu; triển khai các giải pháp xuất khẩu hàng hóa tỉnh An Giang năm 2021; tăng cường kết nối DN thông qua Thương vụ Việt Nam tại các nước là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)...
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU