Xung đột Nga - Ukraine đứng trước ngã rẽ

25/02/2025 - 18:31


Dồn dập những chuyển động ngoại giao đa phương và song phương cùng với những diễn biến trên thực địa đang định hình cục diện cuộc xung đột Nga - Ukraine, dường như đang đặt cuộc xung đột này trước một ngã rẽ quan trọng sau 3 năm bùng phát.

Chú thích ảnh

Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN

Việc đạt được hòa bình bền vững và lâu dài đòi hỏi sự nhượng bộ của tất cả các bên liên quan. Tuy nhiên, với những chủ đề đàm phán khó khăn và phức tạp, việc đảm bảo được lợi ích của tất cả các bên lại tiềm ẩn đầy khó khăn và dự báo sẽ có thể là rào cản để đạt được một thỏa hiệp nào đó.

Trước hết, có thể thấy những động thái trên bàn đàm phán đang góp phần trao cho Ukraine những "quân bài" mới để Kiev có thêm động lực và niềm tin trong các cuộc đàm phán tới đây. Nhìn vào việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 24/2 thông qua 2 nghị quyết kêu gọi nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột (trong đó một nghị quyết do Mỹ dự thảo không đề cập hay chỉ trích hành động của Nga), cho thấy lập trường của nhiều nước trở nên trung lập hơn so với trước đây. Lập trường này được xem là sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng lâu nay giữa Nga và phương Tây về nguồn gốc của cuộc xung đột, qua đó Moskva có thể tiếp tục đàm phán ở thế “thoải mái" hơn để dễ dàng xem xét những yêu cầu từ các bên liên quan, từ đó có thể đi đến nhượng bộ nhất định, trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đẩy mạnh các nỗ lực trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine.

Về nghị quyết khác do Liên minh châu Âu (EU) bảo trợ mà HĐBA LHQ thông qua cùng ngày, mặc dù Mỹ là một trong những nước bỏ phiếu chống, cho thấy những khác biệt vẫn lớn giữa EU và Mỹ, song việc nghị quyết của EU được thông qua sẽ đem lại sức nặng chính trị đáng kể đối với Ukraine khi kêu gọi thiết lập một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraine.

Trong khi đó, đã hé mở ánh sáng cuối đường hầm khi Nga và Ukraine có dấu hiệu mong muốn đối thoại, nhưng các điều kiện để hai bên xích lại gần nhau hơn và đạt được thỏa hiệp dường như vẫn còn rất xa. Thỏa thuận sơ tán dân thường ở tỉnh Kursk là sự hợp tác hiếm hoi giữa Nga và Ukraine về hợp tác nhân đạo, ít nhất cho thấy vẫn tồn tại kênh đối thoại nhất định giữa hai bên. Nhìn nhận ở góc độ lạc quan hơn thì điều này đem lại ánh sáng hy vọng về khả năng hai bên tiếp tục có những nhượng bộ hơn nữa để đạt được những thỏa hiệp cho các vấn đề mà cả hai coi là “lằn ranh đỏ". Thế nhưng, việc hai bên đạt được những nhượng bộ nhất định cho các con bài mặc cả dự báo sẽ vẫn khó khăn, khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đặt điều kiện để Moskva chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine là phải có giải pháp “phù hợp" với Nga.

Trước những động thái gây sức ép của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhất là về thỏa thuận khoáng sản quý hiếm mà ông cho là không công bằng so với mức viện trợ của Mỹ, cùng với quan điểm cứng rắn của Nga, Ukraine lúc này cũng đã tỏ rõ thiện chí và nhượng bộ nhất định. Nga muốn Ukraine phải tiến hành bầu cử trước khi đàm phán ngừng bắn, trong khi Mỹ lại muốn quy trình ngược lại. Nhằm trước hết thu hẹp sự khác biệt giữa Washington và Mosvka về vấn đề này, trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông đã sẵn sàng từ chức để đổi lấy việc Kiev được kết nạp vào Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuyên bố trên của ông Zelensky mở ra hướng đi mới, mà nếu được cả Mỹ, Nga và châu Âu chấp nhận thì đây được xem là một ngã rẽ quan trọng nhằm đem lại một tương lai mới cho Kiev. Thế nhưng, lâu nay, việc cân bằng giữa lợi ích chiến lược cũng như cam kết của mỗi bên liên quan đối với Ukraine vẫn là một bài toán khó giải cho cả Washington, châu Âu và Moskva.

Về cơ bản, Nga quan tâm nhất đến an ninh và sẽ không nhượng bộ bất kỳ điều gì có thể đe dọa đến an ninh quốc gia, trong đó có mục tiêu gia nhập NATO mà Ukraine luôn theo đuổi. Tổng thống Trump thì đang thúc đẩy để đạt được một thỏa thuận về tài nguyên khoáng sản quý hiếm với chính quyền của ông Zelensky ngay trước khi có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Giới chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump cũng nói rõ việc Kiev gia nhập NATO là không thực tế. Trong khi đó, với những chia rẽ và khác biệt nội bộ, châu Âu chưa sẵn sàng để Ukraine gia nhập NATO. 

Tuy nhiên, một khe cửa hẹp để Ukraine tiếp tục nhận được sự ủng hộ và đảm bảo an ninh của EU nếu đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga chính là việc Moskva tỏ ra “thuận tình” hơn đối với việc Kiev trở thành thành viên của EU, khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 18/2 nói rằng đó là vấn đề "quyền chủ quyền của bất kỳ nước nào” lưu ý đây là quá trình hội nhập kinh tế.

Chú thích ảnh

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (thứ 2, trái) tại cuộc đàm phán ở Riyadh, Saudi Arabia ngày 18/2/2025. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Nga cũng có những nhượng bộ nhất định để sẵn sàng kết thúc cuộc xung đột, qua đó mở ra những nước cờ mới trên bàn đàm phán. Trước hết, Nga đã có sự điều chỉnh khi ngày 24/2 Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moskva không phản đối sự tham gia của châu Âu vào các cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ nhằm giải quyết xung đột ở Ukraine. Giới phân tích nhận định thông điệp này của ông Putin thể hiện một thái độ cởi mở hơn đối với vai trò của châu Âu trong tiến trình đàm phán, có thể nhằm giảm bớt sức ép từ "lục địa già" cũng có thể Nga đang tìm kiếm một thỏa thuận có lợi về kinh tế như việc cởi mở để Ukraine gia nhập EU. Nhìn ở góc độ khác, tuyên bố này cũng có thể là đang dò đường về sự đoàn kết giữa Mỹ và châu Âu, nhất là khi hai bên chưa thể thống nhất về kịch bản đảm bảo an ninh hậu xung đột ở Ukraine.

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon và người đồng cấp Mỹ Donald Trump tại Washington ngày 24/2, nhà lãnh đạo Mỹ nhất trí về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu sau khi đạt được thỏa thuận hòa bình song lặp lại yêu cầu châu Âu cần tham gia gánh vác việc hỗ trợ Ukraine trong tương lai. Trong khi đó, Tổng thống Pháp tuyên bố châu Âu sẵn sàng tăng cường chi tiêu quốc phòng, nhưng bày tỏ hy vọng Washington sẽ tích cực tham gia bảo đảm bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào ở Ukraine.

Ngoài ra, với việc để ngỏ sự tham gia của châu Âu, Nga dường như đang muốn hướng tới mô hình đàm phán đa phương, điều có thể mở ra cơ hội cho những giải pháp ngoại giao rộng hơn, mà cụ thể có thể đặt Ukraine vào sức ép rộng lớn hơn để nhanh chóng nhượng bộ, nhằm đạt được thỏa hiệp. Vì vậy, việc Ukraine và các bên khác đi các nước cờ tiếp theo như thế nào sẽ định hình toàn bộ ván cờ trong những ngày tới.

Theo TTXVN