Người tị nạn Palestine xếp hàng lấy nước sinh hoạt tại khu lều tạm ở Dải Gaza ngày 16/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 17/1, tân Điều phối viên Cao cấp của Liên hợp quốc phụ trách tái thiết và nhân đạo cho Gaza Sigrid Kaag đã tới thăm khu vực Al-Arish (Ai Cập) để đẩy nhanh nỗ lực cứu trợ tới Dải Gaza.
Theo một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối tháng trước, bà Sigrid Kaag được bổ nhiệm với nhiệm vụ giám sát và xác minh các chuyến hàng cứu trợ tới Gaza, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine vừa vượt mốc 100 ngày, kéo theo đó là một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng tại vùng lãnh thổ này.
Bà Sigrid Kaag dự kiến xây dựng một cơ chế nhằm đẩy nhanh dòng hàng cứu trợ nhân đạo tới Gaza thông qua các nước không liên quan tới cuộc xung đột.
Quan chức cấp cao Liên hợp quốc cho biết thêm tại Ai Cập, bà sẽ đánh giá tình hình để có thể tạo điều kiện và tăng cường hoạt động đưa hàng cứu trợ tới dân thường ở Gaza.
Bà Sigrid Kaag cũng đã có “một số cuộc họp và thảo luận hiệu quả” với các quan chức của Ai Cập, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh đạo Hội Trăng Lưỡi liềm Đỏ Ai Cập.
Trong khi đó, cũng trong ngày 17/1, tại cuộc tiếp Ngoại trưởng Hy Lạp George Gerapetritis đang ở thăm Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã cảnh báo về nguy cơ leo thang quân sự trong khu vực, đồng thời nêu bật sự cấp thiết phải xoa dịu tình hình nguy cấp hiện nay thông qua một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và khẩn cấp ở Dải Gaza.
Ngoài ra, Tổng thống El-Sisi cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng nhân đạo thê thảm hiện nay ở Gaza.
Ông El-Sisi khẳng định Ai Cập sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân ở Dải Gaza, cung cấp viện trợ nhân đạo cho họ và nỗ lực xoa dịu tình hình.
Hội nghị Davos 2024: Palestine cần hàng tỷ USD để tái thiết Dải Gaza
Theo phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Thụy Sĩ, Chủ tịch Quỹ đầu tư Palestine, ông Mohammed Mustafa ngày 17/1 cho biết cần ít nhất 15 tỷ USD để tái thiết hệ thống nhà ở Dải Gaza.
Trích dẫn các báo cáo quốc tế, ông Mohammed Mustafa thông báo 350.000 ngôi nhà ở đã bị hư hại hoàn toàn hoặc một phần ở Dải Gaza.
Ông nói: “Giả sử 150.000 căn nhà trong số này sẽ cần được xây dựng lại với chi phí trung bình là 100.000 USD cho mỗi căn hộ, thì con số đó là 15 tỷ USD cho việc xây lại nhà. Và chúng tôi vẫn chưa tính tới các hạ tầng cơ sở khác, hay bệnh viện và mạng lưới điện…”
Cũng theo ông Mustafa, chính quyền Palestine sẽ tập trung vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo trong ngắn hạn, như cung cấp lương thực và nước uống cho người dân.
Ông nhấn mạnh: “Nếu cuộc chiến tiếp diễn ở Dải Gaza, sẽ càng có nhiều người đối diện với nguy cơ thiệt mạng vì chết đói hơn là do bom đạn.
Do vậy, các bước đầu tiên cần làm là mang lương thực, thuốc men, nước uống và điện tới những khu vực bị bao vây.
Nỗ lực tái thiết sẽ rất lớn và nhu cầu tài chính sẽ rất lớn. Tiền chưa thể giải quyết được ngay vấn đề của ở Dải Gaza và chúng ta cần một giải pháp chính trị.”
Quỹ đầu tư Palestine, với trụ sở đặt ở Ramallah, là một phần của chính quyền Palestine. Khi được hỏi về đánh giá cho vai trò của phong trào Hamas trong tương lai, ông Mustafa trả lời: “Cách tốt nhất để tiến về phía trước là trở nên hòa nhập nhất có thể."./.
[Khói bốc lên sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Khan Yunis, Dải Gaza ngày 15/1/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN)]
Xung đột Hamas-Israel: Lực lượng Israel tiếp tục không kích Dải Gaza
Các loạt pháo hạng nặng và tên lửa không đối đất tiếp tục trút xuống các tòa nhà ở khu vực phía Tây và phía Bắc của thành phố Gaza, dù các khu vực này gần như không còn bóng người.
Theo TTXVN/Vietnam+