Xung đột Nga - Ukraine thay đổi cục diện khu vực và thế giới, ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ đối với các bên liên quan trực tiếp, mà cả phần còn lại của thế giới. Tâm lý bất an, “không chắc chắn” bao trùm, trong khi kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái khi tăng trưởng giảm sút, lạm phát, giá cả tăng kỷ lục.
Bao giờ cho tới hòa bình?
Khi năm 2023 đến gần, một số chuyên gia dự đoán những tháng tới sẽ đánh dấu bước ngoặt trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, không ai có thể biết trước thời điểm, cũng như cách thức xung đột Ukraine - Nga sẽ kết thúc. Ngay cả chính những người trong cuộc cũng không thể chắc chắn về điều này.
Trong clip được ghi hình trước buổi liên hoan bình chọn những người có ảnh hưởng nhất ở châu Âu của tờ Politico mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ tin tưởng xung đột với Nga sẽ kết thúc vào năm 2023. "Tôi tin rằng người Ukraine sẽ có tầm ảnh hưởng lớn nhất vào năm tới, khi (chúng tôi) đã ở trong thời bình", ông Zelensky nhấn mạnh.
Tuy nhiên, tuyên bố của lãnh đạo Ukraine dường như trái ngược với phát ngôn sau đó của người đồng cấp Nga. Theo đó, hôm 7/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, không thể ấn định ngày chính xác khi nào cuộc xung đột kết thúc vì giao tranh vẫn còn căng thẳng. Ông nói có thể mất nhiều thời gian để đạt được tất cả mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Theo Tổng thống Putin, Moskva đã giành được những chiến thắng quan trọng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ông cho rằng, Nga không có nhiều sự lựa chọn ngoài việc can thiệp quân sự ở Ukraine hồi tháng 2 để bảo vệ các nước cộng hòa Donbass là Donetsk và Lugansk, cũng như vùng Kherson và Zaporizhzhia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 8/12 cũng cho rằng, tài liệu mua sắm vũ khí của Mỹ cho thấy Washington có ý định châm ngòi cho sự thù địch, muốn kéo dài xung đột ở Ukraine ít nhất đến cuối năm 2025.
Trong khi đó, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay, Tổng thống Volodymyr Zelensky biết thời điểm giao tranh giữa Moskva và Kiev có thể kết thúc. “Ông Zelensky biết khi nào tất cả điều này có thể kết thúc, nó có thể vào ngày mai nếu ông muốn", ông Peskov nói.
Xung đột Nga - Ukraine bùng nổ từ cuối tháng 2 đến nay và vẫn chưa có hồi kết. (Ảnh: Reuters).
Bước ngoặt mùa đông
Giới phân tích cho rằng mùa đông có thể đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kết quả xung đột này. Chia sẻ trên kênh truyền hình ABC, cựu thiếu tướng quân đội Australia Mick Ryan nhận định, khi nhiệt độ giảm trên khắp châu Âu, Nga sẽ nỗ lực kiểm soát “càng nhiều khu vực càng tốt để chuẩn bị cho những chiến dịch năm tới”.
Theo Tiến sĩ Jack Watling, nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh trên bộ tại Viện Royal United Services, mùa đông có thể trở thành “đồng minh lớn nhất của Kiev”. Vị này cho rằng, môi trường lạnh giá đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau, điều này được cho là bất lợi cho quân Nga do nhiều binh sĩ của nước này mới được huy động thời gian gần đây. Ông lý giải, nhiều người trong số binh sĩ mới được huy động chưa được huấn luyện, trang bị đầy đủ những kỹ năng chiến đấu cần thiết trong thời tiết lạnh giá.
Tuy nhiên, chuyên gia Jack Watling nhấn mạnh, Nga đang năm giữ “nhiều vũ khí” để toan tính cho những sách lược vào mùa đông. Tổng thống Vladimir Putin cũng sẽ cố gắng “tận dụng mùa đông lạnh giá và giá năng lượng cao để trói buộc châu Âu vào lệnh ngừng bắn sau khi ngấm đòn”.
Nhiều phân tích cho rằng, các hoạt động tác chiến chậm lại vào mùa đông có thể tạo thêm cơ hội cho Nga và Ukraine trong việc tập hợp lại lực lượng, song đó cũng là thời điểm mở ra cánh cửa cho đàm phán ngoại giao.
Nhận định về vấn đề này, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl nói, thời tiết xấu đi vào mùa đông sẽ khiến các cuộc "tấn công quy mô lớn" khó xảy ra hơn, theo đó giao tranh ở Ukraine có thể sẽ chững lại. Quan chức Mỹ cho rằng, điều này sẽ mở ra cơ hội cho Nga và Ukraine quyết định có tiến hành đàm phán ngoại giao hay không.
Cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Reuters).
Cơ hội nào cho đàm phán?
Phó Tổng biên tập tạp chí The Economist - Edward Carr cho biết, nếu xung đột tiếp tục kéo dài, Tổng thống Putin sẽ tăng cường “huấn luyện, trang bị khí tài và cung cấp những nhu yếu phẩm cần cho binh sĩ Nga để chiến đấu tại 4 khu vực miền đông Ukraine vừa sáp nhập vào Nga”.
Theo Edward Carr, sự hỗ trợ của phương Tây rất quan trọng đối với Kiev trong nỗ lực đối đầu với Moskva. Ông cho rằng, Tổng thống Putin “đã tính đến việc phương Tây sẽ bỏ rơi Ukraine, do đó, ông đã cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu và cảnh báo về chiến tranh hạt nhân”. Thế nhưng, toan tính của ông Putin vấp phải phản kháng mạnh mẽ từ phương Tây khi liên tục tung đòn trừng phạt lên Nga và tiếp tục viện trợ Kiev đối đầu Moskva.
Về phần mình, hồi cuối tháng 9, Tổng thống Putin cho biết, ông "vẫn sẵn sàng đàm phán" với Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky phản bác rằng, ông sẽ chỉ sẵn sàng đàm phán “nếu tổng thống khác lên nắm quyền ở Nga”.
Tháng trước, trưởng đoàn đàm phán của Ukraine, ông David Arakhamia, cho hay, các cuộc đàm phán hòa bình có thể bắt đầu lại vào “nửa cuối năm 2023”, thời điểm diễn ra cuộc chạy đua tổng thống ở Nga.
Trên thực tế, khả năng đàm phán ngay lập tức giữa Nga và Ukraine để chấm dứt xung đột là con số 0, nhất là sau khi Nga quyết định sáp nhập Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson hồi tháng 9. Động thái của Moskva càng củng cố lập trường của ông Zelensky rằng, đàm phán hiện là điều không thể, và càng không thể diễn ra khi ông Putin vẫn tại vị.
Trên tờ The Guardian, chuyên gia quốc phòng Rajan Menon và Daniel DePetris từ tổ chức nghiên cứu Defense Priorities (Mỹ) nói, mặc dù các cuộc đàm phán có thể không khả thi thời điểm hiện nay, song có thể là lựa chọn trong thời gian tới.
“Quan điểm cho rằng việc đưa ra đề xuất chấm dứt xung đột là phản bội Kiev và hỗ trợ Moskva là vô lý. Cần có các cuộc thảo luận mang tính xây dựng về giải pháp ngoại giao. Một ngày nào đó, điều này sẽ rất cần thiết”, chuyên gia quân sự từ Defense Priorities nhận định.
Theo 2 chuyên gia quân sự này, Mỹ không nhất thiết phải dẫn đầu quá trình này đàm phán giữa Nga và Ukraine. Vị trí địa lý cho thấy, châu Âu cần đóng vai trò lớn hơn trên các mặt trận liên quan xung đột hiện nay, ngăn chặn mối đe dọa cận kề đối với an ninh của mình.
Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby hồi tháng 10 nói, cả Nga và Ukraine cần tìm cách đàm phán để chấm dứt xung đột nhưng cáo buộc Moskva dường như không muốn làm như vậy. Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích Mỹ "đạo đức giả" khi kêu gọi hòa bình nhưng vẫn "cung cấp vũ khí quy mô lớn" cho Ukraine.
Một khi viễn cảnh kinh tế ở châu Âu và Mỹ trở nên tồi tệ hơn, nguy cơ lâm vào suy thoái..., sẽ không quá khó hiểu khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán để sớm chấm dứt xung đột.
Hơn nữa, khả năng xung đột leo thang, sẽ đẩy Nga và NATO vào một cuộc đối đầu trực tiếp cũng không loại trừ. Do đó, các đề xuất giải pháp ngoại giao để ngăn chặn kịch bản này nên được hoan nghênh.
Cuộc xung đột này đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới, cũng như làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Xung đột này kéo dài gây ra lo ngại cho toàn cầu, nhất là ở cả châu Âu, châu Phi và Mỹ Latinh, nơi vốn chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, khi giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt.
Nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn trong nhiều tháng, có thể là nhiều năm sẽ là bài toán khó giải đối với phương Tây, bởi chi phí viện trợ vũ khí và kinh tế cho Ukraine sẽ tăng lên, đặc biệt khi Nga tiếp tục tấn công vào các tài sản kinh tế của Ukraine. Mỹ và phương Tây đứng trước 2 lựa chọn, một mặt cam kết hỗ trợ Kiev với số tiền viện trợ khổng lồ trong "bao lâu cũng được", mặt khác hy vọng cuộc xung đột này sẽ sớm kết thúc.
Bên cạnh đó, việc Moskva cắt giảm xuất khẩu năng lượng dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu. Đức - nền kinh tế lớn nhất của EU, có nguy cơ rơi vào suy thoái và đã phải huy động 200 tỷ USD để giúp người tiêu dùng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng cao. Trong khi, GDP của Pháp và Tây Ban Nha giảm trong quý từ tháng 7 đến tháng 9. Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt 10,7% trong tháng 10, mức cao kỷ lục. Còn ở các nước vùng Baltic, tỷ lệ này vượt quá 22% do giá nhiên liệu và thực phẩm tăng chóng mặt.
Mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói cần có những đảm bảo an ninh cho Nga để đàm phán kết thúc xung đột. Tuy nhiên, Ukraine nhiều lần nhấn mạnh các cuộc đàm phán chỉ có thể được thực hiện nếu Nga ngừng tấn công và rút quân khỏi nước này.
Tờ Washington Post từng dẫn các nguồn tin cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khuyến khích giới chức Ukraine phát tín hiệu cởi mở để đàm phán với Nga. Tuy nhiên, đề nghị của các quan chức Mỹ không nhằm hối thúc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga, thay vào đó, họ coi đây là nỗ lực có tính toán để đảm bảo chính quyền Ukraine nhận sự ủng hộ từ các nước khác - những nơi đang lo ngại về nguy cơ xung đột kéo dài.
Đàm phán giải quyết xung đột Nga - Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Lực lượng xe tăng của Ukraine trong mùa đông 2022.
Hệ thống tên lửa phòng không.
Lực lượng Ukraine trên chiến trường.
Mùa đông được cho là yếu tố có thể làm chậm lại cuộc chiến ở Ukraine.