Búng Bình Thiên trải dài qua 3 xã biên giới: Khánh Bình, Khánh An, Nhơn Hội của huyện An Phú. Kể cả vào mùa lũ, hồ nước vẫn giữ nguyên màu xanh trong độc đáo, đẹp như tranh.
Búng nhận nước từ sông Bình Di. Từ cầu C3 quan sát có thể thấy ranh giới rất rõ, một bên màu nước “đỏ ngầu”, dòng chảy cuồn cuộn dữ dội; một bên mặt nước tĩnh lặng, trong vắt kỳ lạ, như chiếc gương khổng lồ phản chiếu bầu trời.
Búng nước không chỉ đẹp, mà trước đây còn được mệnh danh là “bụng cá”. Trải qua nhiều năm, nguồn cá tôm tự nhiên giảm dần, người dân cũng chuyển đổi sinh kế lên bờ để trồng rẫy, chăn nuôi, buôn bán…
Xung quanh búng nước, chỉ còn số ít hộ bám nghề đánh bắt cá, trồng các loại rau thủy sinh.
Cư dân sống quanh búng đa số là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Nhịp sống trôi đi lặng lẽ, yên bình, dù búng Bình Thiên hôm nay khác xa so với hàng chục năm trước.
Với họ, qua nhiều thế hệ nối tiếp, “hồ nước trời” đặc biệt này không chỉ gắn liền với sinh kế một thời mà còn điểm tô cho phong tục, tập quán đời sống thêm phong phú, đặc sắc.
MỸ HẠNH