Anh Trịnh Văn Thu có tình yêu đặc biệt với những gì thuộc về lịch sử truyền thống. Anh tìm hiểu văn hóa, sưu tầm các món đồ xưa, từ tem, đồ gốm, cổ vật Óc Eo, cho đến tiền xu, tiền giấy…
Anh Thu cho biết, những năm trước, việc sưu tầm, trao đổi tiền xưa rất khó khăn, một phần vì khan hiếm, chưa được phổ biến rộng rãi. Phần khác do các điều kiện khách quan và số người chơi đồ xưa khiêm tốn. Sẵn có chuyên môn mỹ thuật, anh đã vẽ lại một số tờ tiền, đến nay vẫn giữ làm kỷ niệm và xếp chung với bộ sưu tập tiền xưa. Những tờ tiền vẽ đặc biệt “có một không hai” từng được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh nhân dịp thành lập Hội Cổ vật An Giang, năm 2020.
Nhờ có tay nghề, việc “chép” tiền sang một tờ giấy đối với anh Thu khá thuận tiện, trừ những chi tiết bóng mờ. Nếu chuyên tâm hoàn toàn, một tờ tiền vẽ lại khoảng 3 ngày để hoàn chỉnh, còn những tờ nhỏ hơn chỉ cần 1 ngày rưỡi. Các tờ tiền sau khi họa lại tuy không thể nói giống như in, nhưng mô phỏng khoảng 80-90%. Chính những tờ tiền kể trên, nhiều năm sau, anh Thu đã sở hữu được tờ tiền thật và tin rằng, niềm đam mê và công vẽ thời gian qua là một cái duyên.
Sau nhiều năm dày công, anh Thu đã sưu tập được 70% số tiền giấy xưa qua các thời kỳ
Đầu tư công sức trong nhiều năm, số tiền xưa của anh Thu đến nay đã khá nhiều. Anh cho biết, giá trị của bộ sưu tập không nằm ở số lượng mà quyết định bởi độ hiếm, nguồn gốc, độ mới, không lằn xếp hay lỗ kim, còn các đường viền và họa tiết phải rõ ràng mới thực sự có giá trị. Tuy nhiên, những tờ tiền càng xưa còn mới hiện nay rất hiếm. Thời gian qua, bên cạnh thú vui sưu tầm các món đồ cổ khác, riêng tiền giấy mà anh Thu đang sở hữu đã chiếm đến 70% số tờ tiền tiêu bản của Việt Nam qua các thời kỳ.
Trong đó, có một số tờ tiền cổ, như: Tiền Đông Dương, tờ Lư 1926-1939, tờ rồng vàng… là một trong những tiền hiếm, chỉ số ít người sưu tập được. Đặc biệt, ở miền Nam, ít ai sở hữu được tờ Lư (100 bạc) được 3 tấm (đủ bộ là 4 tấm) lành lặn nguyên vẹn với 3 chữ ký khác nhau như anh Thu. Giá trị của 3 tờ tiền này khoảng 60 triệu đồng, được anh chia lại từ một người sưu tập từ nhiều năm trước. Anh Thu cho hay, thực tế vẫn có người sưu tầm đủ bộ 4 tờ, nhưng tiền không còn nguyên vẹn 100%.
Việc sưu tầm, nghiên cứu những đồng tiền xưa không chỉ là thú chơi mà còn góp phần lưu giữ những giá trị lịch sử mà nó để lại. Hàng chục năm trước, mỗi giai đoạn biến động về xã hội, đổi tiền, người lớn thường giữ lại vài tờ tiền để làm kỷ niệm. Theo quá trình phát triển của lịch sử, gắn với những thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, tiền giấy đã đóng góp quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa, dịch vụ thực tiễn của con người. Do đó, một tờ tiền sẽ “nói” lên phần nào chế độ, xã hội ở thời điểm nó được phát hành.
Ngoài được biết đến với vai trò là thành viên của Hội Cổ vật An Giang, anh Thu còn là giáo viên tổng phụ trách đội. Những kiến thức của anh được chọn lọc giáo dục cho học sinh thêm mở rộng hiểu biết. Có thể nói, vượt ra khỏi giá trị vật chất, thì giá trị lớn nhất mà tiền xưa mang lại là tri thức. Sưu tầm tiền xưa đòi hỏi người chơi phải có kinh nghiệm. Đó là những kinh nghiệm từ ông bà để lại, học được từ bạn bè hoặc từ quá trình trao đổi đồ vật.
Không khan hiếm và bí ẩn như cổ vật, nhưng tiền xưa được phát hành cách đây hàng chục năm, thậm chí hàng trăm năm, chứa đựng giá trị văn hóa lịch sử gắn với những sự kiện quan trọng của dân tộc. Ngoài giá trị là một vật chứng lịch sử, tiền xưa còn tiếp thêm niềm đam mê học hỏi, trau dồi kiến thức qua từng tờ tiền đối với người sưu tập.
MỸ HẠNH