Phát huy truyền thống lực lượng vũ trang huyện đầu nguồn

19/12/2018 - 07:22

 - Những ngày này, khi tất cả đang hướng đến kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, những người lính ở huyện đầu nguồn An Phú vẫn đang miệt mài với nhiệm vụ của mình. Họ đã làm sáng rõ hơn phẩm chất người lính cụ Hồ, cùng tham gia vào nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời điểm đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng.

Từ truyền thống hào hùng

Thời điểm này của 40 năm trước, cùng với các lực lượng quân đội chủ lực trên toàn mặt trận, quân và dân An Giang đang chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng phản công đánh đuổi quân Pôn Pốt ra khỏi biên giới, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Rất nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã anh dũng chiến đấu, hy sinh. Trong đó có cả mồ hôi và máu của chiến sĩ du kích, cán bộ địa phương ven biên giới, những con người bình dị, kiên trung, quyết tâm bám đất, giữ làng.

Nói đến lực lượng du kích xứ đầu nguồn năm xưa, ai cũng biết vị nữ chỉ huy kiên trung, gan dạ Trương Thị Lan (tên thường gọi cô Hai A), nguyên trưởng công an - xã đội trưởng xã Vĩnh Hội Đông (An Phú). Nhìn dáng vẻ chân chất, mộc mạc của cô Hai A, không ai nghĩ rằng, người phụ nữ này từng được ví như “chị Út Tịch” của An Giang vào 40 năm trước. Giai đoạn từ 1975-1979, cô Hai A đã chỉ huy đội du kích địa phương bày binh bố trận, nhiều lần đột kích vào đồn giặc làm cho chúng lắm phen kinh hãi. Cô Hai A thông thạo tiếng Campuchia, nên đã có lần cô trèo lên cây cao mùa nước nổi hay bò vào tận chiến hào địch trong đêm khuya để phát loa kêu gọi chúng ra hàng. Cô Hai A bộc bạch: “Đất của cha ông mình, một tấc cũng phải giữ. Hồi đó, tôi là lãnh đạo, chỉ huy mà có biểu hiện lung lay ý chí thì cán bộ và nhân dân hoang mang, bỏ chạy. Vì lẽ đó, tôi đã động viên anh em du kích phải bám đất, bám từng bờ mương, hàng cây ven biên giới, tận dụng lợi thế địa hình, kiên quyết mai phục đánh địch đột nhập”.

Với lối đánh nhỏ lẻ, kết hợp nghi binh lừa địch, cô Hai A và đồng đội không chỉ góp phần giành thắng lợi, mà còn giúp cho ta giảm thiểu tiêu hao về lực lượng, vũ khí. Ông Huỳnh Văn Chép (nguyên xã đội trưởng xã Vĩnh Hội Đông) nhớ lại: “Nhờ có chị Hai A bên cạnh nên không lo sợ bom đạn, chết chóc. Chị không chỉ gan dạ mà còn gần gũi động viên anh em chiến sĩ, thương yêu bà con trong xã nên mọi người rất tin tưởng, quý mến. Ngày đó chị Hai A, chị Năm Trâm là những nữ chỉ huy tài giỏi đến độ bọn Pôn Pốt nghe đến tên thôi đã sợ!”. Ông Hai Chép ước tính những năm đó, lực lượng du kích xã Vĩnh Hội Đông trực tiếp đánh địch trên 400 trận lớn, nhỏ và tiêu diệt hàng trăm tên.

Phát huy truyền thống lực lượng vũ trang huyện đầu nguồn

Đến kế thừa truyền thống cha anh

Kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng của cha anh, lực lượng vũ trang huyện An Phú nói chung, dân quân các xã biên giới nói riêng đều hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Riêng lực lượng Dân quân tự vệ xã Vĩnh Hội Đông được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh biểu dương, khen thưởng trong phong trào thi đua quyết thắng. Ngoài ra, đơn vị còn được UBND tỉnh, UBMTTQVN tỉnh khen ngợi vì các hoạt động xã hội tích cực, tiêu biểu là việc đưa, rước học sinh đến trường trong mùa lũ.

“Hàng ngày, tờ mờ sáng là Tổ dân quân được phân công làm nhiệm vụ đã kiểm tra phương tiện, nhiên liệu rồi cho xuồng máy chạy đến từng nhà rước các em học sinh. Bình quân, mỗi chuyến chở được từ 15 - 20 em. Nhiều học sinh nghèo có cha mẹ mưu sinh xa quê, Ban Chỉ huy Quân sự xã nhận về cơ quan cho ăn, nghỉ cùng với chiến sĩ. Lâu dần, các em xem chiến sĩ dân quân như người thân của mình” - đồng chí Nguyễn Phước Luân, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Vĩnh Hội Đông chia sẻ.

Phát huy truyền thống lực lượng vũ trang huyện đầu nguồn

Phối hợp tuần tra, bảo vệ biên giới

Không chỉ đảm đương việc đưa, rước học sinh đến trường, lực lượng dân quân thường trực xã Vĩnh Hội Đông còn làm tốt công tác phối hợp tuần tra, ổn định an ninh biên giới. Trên cơ sở thực hiện quy chế phối hợp theo Nghị định số 77 của Chính phủ, lực lượng Dân quân tự vệ xã Vĩnh Hội Đông đã cử trên 350 lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với bộ đội biên phòng và công an tuần tra, kiểm soát địa bàn, phòng, chống buôn lậu, bảo vệ đường biên, cột mốc. Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, cùng ra sức bảo vệ đê bao ngăn lũ, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở trong mùa nước nổi.

 Thượng tá Trần Thanh Hải, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện An Phú khẳng định: “Những chiến công của quân dân vùng biên giới anh hùng Vĩnh Hội Đông mãi mãi đi vào lịch sử tỉnh nhà. Những bài học bằng xương máu trong chiến tranh biên giới Tây Nam và tấm gương anh dũng của các thế hệ đi trước là động lực hun đúc nhiệt huyết của lực lượng vũ trang huyện đầu nguồn hôm nay cùng trau dồi bản lĩnh chính trị, năng lực, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới”.

Bài, ảnh: VĂN TRANH -THANH TIẾN