Sân chùa Tà Ngáo (khóm Phú Tâm, phường An Phú) trong buổi trưa nhẹ nắng, vẫn rôm rả câu chuyện của các chị em trong “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”. Đã gần 10 năm, mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường duy trì, phát triển trên cơ sở phối hợp với Đồn Biên phòng Nhơn Hưng (Bộ đội Biên phòng tỉnh), trở thành “điểm sáng” trong hoạt động bảo vệ bình yên biên giới của phụ nữ An Giang.
Chủ tịch Hội LHPN phường An Phú Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết: “Tổ được thành lập từ tháng 6/2014, với 25 thành viên đầu tiên. Thời điểm đó, chị em chưa hiểu mình cần phải làm gì. Tuy nhiên, ý nghĩa tích cực từ mô hình thu hút càng nhiều thành viên tham gia. Đến nay, tổ có 40 thành viên (39 chị em là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer). Điều đó khẳng định tinh thần trách nhiệm của chị em, sẵn sàng đội nắng, đội gió cùng người lính biên phòng giữ gìn cuộc sống bình yên cho mình và cộng đồng”.
Tuần tra biên giới ban đêm cùng bộ đội biên phòng
Chị Thu Hồng cũng chia sẻ, khi tham gia “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”, các chị sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi được yêu cầu. Có những chuyến đi giữa nắng ban trưa đổ lửa, có chuyến đi giữa mùa nước nổi tràn đồng hay đêm khuya sương giá. Những “bóng hồng” cứ miệt mài làm nhiệm vụ, với trách nhiệm cao nhất.
“Tại những buổi tuyên truyền định kỳ, chúng tôi đều thông tin công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, quy chế biên giới giữa Việt Nam - Campuchia. Hiện nay, các thành viên tích cực tuyên truyền cho người thân, cộng đồng DTTS Khmer địa phương hiểu được tầm quan trọng của việc giữ gìn an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn” - chị Thu Hồng cho biết thêm.
Tham gia mô hình từ những ngày đầu, bà Nèang My không giấu được xúc động khi nhìn lại chặng đường gần 10 năm gắn bó với đường biên, cột mốc. Năm nay ngoài 70 tuổi, nhưng người phụ nữ DTTS Khmer này vẫn hăng hái, nhiệt tình như ngày còn trẻ. Bà xởi lởi: “Tôi dù tuổi cao nhưng vẫn đủ sức khỏe tham gia. Có lên biên giới, mới thấy yêu đất nước mình thêm. Hầu hết chị em trong tổ không mấy dư dả, nhưng lòng yêu nước, yêu cuộc sống bình yên vùng biên giới thì có thừa. Nếu các anh bộ đội biên phòng yêu cầu, chúng tôi sẵn sàng tham gia bất cứ khi nào”.
Các thành viên tham gia sinh hoạt thường xuyên
Bà Nèang My cũng cho hay, bản thân luôn tích cực vận động, tuyên truyền người dân sống, canh tác đất nông nghiệp gần khu vực biên giới chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, không được tiếp tay cho các loại tội phạm qua biên giới, kịp thời báo tin cho lực lượng bộ đội biên phòng khi phát hiện đối tượng khả nghi xuất hiện.
Chưa “thâm niên” như bà Nèang My, nhưng chị Nèang Vượt cũng hăng hái không kém khi tham gia mô hình. Dù gia đình chỉ thuộc diện đủ ăn, bản thân phải chạy "xe ôm" trang trải cuộc sống, nhưng chị vẫn sẵn sàng tham gia cùng chị em trong tổ.
“Có những lúc bận kiếm sống, nhưng khi nghe Hội LHPN phường thông báo, tôi thu xếp tham gia ngay. Lên biên giới, nghe các anh bộ đội tuyên truyền, mới hiểu được tầm quan trọng của biên giới quốc gia, mới thấy yêu quý đất nước mình hơn. Không đợi đến lúc chị em trong tổ sinh hoạt, tôi sẵn sàng tuyên truyền cho bà con bất cứ khi nào có dịp, vì nhiệm vụ này phải làm thường xuyên, liên tục” - Nèang Vượt nhiệt tình.
Đánh giá về vai trò của “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới”, thiếu tá Mã Vũ Lâm (Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng) nhận định: “Chị em trong tổ rất nhiệt tình tham gia cùng bộ đội biên phòng trong công tác giữ gìn, đường biên, cột mốc, bảo vệ bình yên vùng biên giới. Họ cung cấp nhiều thông tin kịp thời, để chúng tôi xử lý vấn đề phát sinh trên đoạn biên giới (khoảng 10,7km) đơn vị quản lý. Trong những chuyến lên thăm cột mốc, tuần tra biên giới, các chị em cũng cho thấy tinh thần tích cực, không ngại khó, ngại khổ, hăng say hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói, “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới” hoạt động rất hiệu quả từ khi thành lập đến nay”.
Đời sống của một số thành viên trong tổ gặp nhiều khó khăn, phải mưu sinh bằng nhiều nghề. Đây cũng là khó khăn lớn nhất trong quá trình tập hợp lực lượng, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Hội LHPN phường An Phú duy trì, nâng cao hiệu quả mô hình. Đồng thời, quan tâm, chăm lo một phần đời sống vật chất, động viên các chị em trong tổ vững lòng, tiếp tục cùng Bộ đội Biên phòng giữ gìn an ninh biên giới, chủ quyền quốc gia và cuộc sống bình yên của Nhân dân” - thiếu tá Mã Vũ Lâm khẳng định.
Chủ tịch Hội LHPN phường An Phú Nguyễn Thị Thu Hồng đề xuất: “Với các tờ bướm, tôi đề xuất cần dịch ra cả 2 thứ tiếng Việt Nam - Campuchia để chị em thuận lợi hơn trong công tác tuyên truyền. Đồng thời, cần chia nhỏ số lượng chị em trong tổ thành nhiều đội, mỗi đội khoảng 10 người, làm nhiệm vụ cụ thể theo yêu cầu, nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình hoạt động”.
|
THANH TIẾN