“Chạy đua” bao phủ “thẻ xanh COVID-19”

02/11/2021 - 04:28

 - “Thẻ xanh COVID-19” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất hiện nay, đậm tính thời sự. Người ta quan tâm, hỏi thăm nhau bằng câu “Có thẻ xanh chưa?”. Nói một cách nôm na, đó là chiếc vé vào cổng của hành trình “bình thường mới” - giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Chính vì thế, điều người dân mong mỏi nhất hiện nay là được tiếp cận vấn đề này càng sớm càng tốt.

Ảnh: HẠNH CHÂU 

Tăng tỷ lệ bao phủ vaccine

Vai trò của “thẻ xanh” hay vaccine, được đề cập rõ nét nhất trong Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ. Khi thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ “cố gắng dập tắt dứt điểm” sang “sống chung an toàn với dịch bệnh”, việc bao phủ vaccine, có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong và giảm tỷ lệ mắc. Các giải pháp y tế phải đồng bộ giữa cách ly với xét nghiệm, điều trị, vaccine, theo phương châm “cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết”.

Hiện nay, An Giang cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh trong khu vực đang tiềm ẩn nguy cơ, do các tỉnh, thành phố trong khu vực đã từng bước tháo dỡ giãn cách xã hội để thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. An Giang đã tiêm 1.350.983 mũi vaccine phòng COVID-19, trong đó 1.184.256 mũi 1, 166.727 mũi 2. Như vậy, có 86,34% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 và 12,16% người được tiêm đủ 2 mũi.

Đồng thời, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tăng độ bao phủ trong cộng đồng. Khó khăn là từ ngày 1-10 đến nay, An Giang đã tiếp nhận trên 65.000 người về tự phát từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An và TP. Hồ Chí Minh, trong đó có 1.122 trường hợp mắc COVID-19, có những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn mắc COVID-19.

 “Nếu chỉ theo dõi sức khỏe mà không áp dụng xét nghiệm người về từ vùng cấp độ 1, 2 (nhất là người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều) thì tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hiện mỗi ngày, An Giang vẫn còn nhiều người từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về, nếu không quản lý được nhóm người này thì tiềm ẩn nguy cơ rất lớn. Đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể, thống nhất biểu mẫu công bố cấp độ dịch trong toàn quốc; thống nhất áp dụng biện pháp thích ứng về di chuyển giữa các tỉnh”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề xuất với Chính phủ.

Điều kiện tiên quyết cho giai đoạn thích ứng

Chính phủ phấn đấu đến cuối năm 2021 bao phủ được hơn 90% người dân trên 18 tuổi tại tất cả các địa phương được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine; có kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Ngày 25-10-2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh ban hành Kế hoạch 1987/KH-KSBT, hướng đến mục tiêu “ít nhất 90% người dân trong tỉnh từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID-19 tính đến cuối tháng 10-2021”.

 Trước đó, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên trong giai đoạn hiện nay. Địa phương nào để xảy ra tình trạng chậm triển khai công tác tiêm chủng, giao Sở Y tế chủ động điều chuyển vaccine cho địa phương khác có tiến độ tiêm chủng nhanh hơn; Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh theo quy định.

Chiến dịch tiêm vaccine đang được triển khai dựa trên 5 nguyên tắc: triển khai tại tất cả tuyến xã trên toàn tỉnh; sử dụng đồng thời tất cả loại vaccine đủ điều kiện từ các nguồn cung ứng khác nhau; tránh để lãng phí trong tiêm vaccine; huy động tối đa lực lượng tham gia chiến dịch; đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng. Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cần đi đôi với áp dụng công nghệ thông tin, như cách làm của UBND phường Mỹ Bình (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang).

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Mỹ Bình Vương Mai Trinh cho biết: “Trước đây, nếu hoạt động hết công suất, mỗi ngày địa phương chỉ tiêm được 500-600 người. Hiện tại, chuẩn bị cho đợt tiêm, người dân, doanh nghiệp đăng ký nhu cầu, thông tin cá nhân, gửi đến Ban Nhân dân khóm nơi cư trú (thông qua mạng xã hội hoặc đến trực tiếp). Các dữ liệu được tập hợp, tích hợp trên Cổng tiêm chủng quốc gia. Nhờ vậy, rút ngắn thời gian điền thông tin, chờ đợi khi buổi tiêm chủng diễn ra. Hơn 6.000 người dân của phường được tiêm “thần tốc” trong 3 ngày. Nhờ vậy, đã có hơn 90% dân số từ 18 tuổi trở lên của phường được tiêm vaccine”.

 “Có “thẻ xanh”, tôi gặp nhiều thuận tiện trong việc đi lại, kinh doanh, đỡ tốn chi phí xét nghiệm, không mất thời gian cách ly tập trung. Tôi cho rằng, đây là quy định đúng đắn, phù hợp, giải tỏa nỗi lo lắng kiệt quệ về kinh tế cho người dân lẫn nhà nước. Có thể trong thời điểm này, dịch bệnh vẫn tiếp tục bùng phát, số người nhiễm bệnh còn nhiều. Vậy thì nhà nước tập trung chăm lo sức khỏe cho người lớn tuổi, trẻ em, người chưa được tiêm vaccine. Còn việc lao động, sản xuất… hãy để những người khỏe mạnh, có “thẻ xanh” như chúng tôi gánh vác” - ông Lê Văn Tấn (sinh năm 1978, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) bày tỏ.

Vaccine phòng COVID-19 là yếu tố cốt lõi thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay. Cần lưu ý rằng, “thẻ xanh COVID-19” không đồng nghĩa với việc chứng nhận người dân miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2. Do đó, người dân vẫn phải áp dụng đầy đủ, nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch đã được khuyến cáo, luôn thực hiện thông điệp “5K”, tránh tâm lý chủ quan, lơ là.

HỮU HUYNH - GIA KHÁNH