“Chạy nước rút” hoàn thành nhiệm vụ cuối năm

26/10/2021 - 06:03

 - Những điểm mở trong “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” được kỳ vọng sẽ tạo động lực phục hồi sản xuất - kinh doanh (SXKD), phát triển kinh tế, thúc đẩy toàn tỉnh An Giang cùng “chạy đua” thực hiện nhiệm vụ đề ra. Điều cần quan tâm là tư duy và hành động phải thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở.

Lấy lại niềm tin

Quyết định 2434/QĐ-UBND, ngày 20-10-2021 của UBND tỉnh An Giang về áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19 là điều mà rất nhiều người dân, doanh nghiệp (DN) đang mong đợi. Đây là nội dung cần thiết nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ về ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo điều kiện cụ thể của An Giang.

Là một “shipper” (người giao hàng) giao hàng công nghệ, anh Trần Văn Minh (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cảm thấy phấn khởi với quy định mới. “Tôi đã được công ty đăng ký tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19, trên điện thoại có biểu hiện “thẻ xanh” tiêm ngừa nhưng trước đây, việc qua lại các chốt kiểm soát rất khó khăn. Nay tỉnh cho “shipper” hoạt động bình thường, công ty tổ chức cho nhân viên xét nghiệm mẫu gộp virus SARS-CoV-2 định kỳ 3 ngày/lần (có giá trị 72 giờ), giảm rất nhiều chi phí so với test nhanh hàng ngày như trước đây. Dĩ nhiên, bản thân mỗi “shipper” đều phải tuân thủ “5K”, bảo vệ an toàn cho bản thân và khách hàng” - anh Minh phấn khởi.

Đẩy nhanh thi công mở rộng đường Nguyễn Hoàng (TP. Long Xuyên)

Trong khi đó, quản lý một siêu thị trên địa bàn TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) tâm đắc việc UBND tỉnh cho phép các hoạt động SXKD, dịch vụ thương mại, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán lẻ, chợ đầu mối, chợ truyền thống được phép hoạt động. “Tại siêu thị luôn bố trí nước sát khuẩn, mã QR để khách hàng quét khi vào mua sắm. Việc quy định người vào siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng phải sử dụng phiếu đi chợ hạn chế theo địa bàn khiến lượng khách hàng giảm mạnh, người dân gặp khó khăn khi mua sắm. Nay bỏ quy định sử dụng phiếu đi chợ, sức mua cuối năm và dịp Tết sắp tới sẽ tăng. Tôi nghĩ, về lâu dài, nên tiếp tục quản lý bằng quét mã QR khai báo y tế trên ứng dụng di động thay vì phát phiếu đi chợ. Bây giờ, địa điểm kinh doanh và khách hàng đều đã có ý thức phòng dịch, tự đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách, khai báo y tế, không tập trung đông người cùng lúc” - người quản lý này đánh giá.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống cũng phấn khởi khi UBND tỉnh quy định số lượng được phép phục vụ khách tại chỗ không quá 70% công suất quy mô quán, thay vì quy định “cứng” về số lượng như trước. “Mỗi bàn đều có sẵn chai cồn khử khuẩn, được kê giữ khoảng cách ít nhất 2m. Khách hàng giờ để ý lắm, dù có để bàn phục vụ gần nhau thì họ cũng không chịu ngồi, luôn yêu cầu kéo ra xa” - anh Lê Bảo Toàn (chủ một quán cà phê - điểm tâm sáng trên đường Hàm Nghi, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Thúc đẩy phục hồi kinh tế

Theo Quyết định 2434/QĐ-UBND của UBND tỉnh, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở SXKD, thi công các công trình xây dựng cũng được phép hoạt động, tuân thủ nguyên tắc “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Quy định này cùng với việc các chốt kiểm soát COVID-19 trên từng huyện và liên huyện được tháo dỡ như trút gánh nặng cho DN. “Đặc thù của xây dựng công trình là vật tư, thiết bị, nhân lực quản lý không có sẵn tại chỗ mà phải huy động từ huyện này qua huyện khác.

Trước đây, việc di chuyển qua các chốt liên huyện rất khó khăn, nhiều nhân viên phải test hàng ngày, test tại chốt, có khi bị buộc quay đầu nên ngán ngại đi làm, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Với cách tháo gỡ mới này, tiến độ công trình sẽ được đẩy nhanh để kịp hoàn thành cuối năm nay” - anh Nguyễn Thanh Phi (nhà ở phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tham gia quản lý một công trình đầu tư công trên địa bàn huyện Chợ Mới) đánh giá.

Hoạt động thương mại, dịch vụ dần trở lại

Quy định tạo kỳ vọng phục hồi lĩnh vực thương mại - dịch vụ khi các hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao, bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim… được phép hoạt động trở lại dù còn hạn chế số lượng, đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Có thể nói, việc UBND tỉnh An Giang triển khai điều hành linh hoạt phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thích ứng với dịch COVID-19 đang tạo niềm tin, động lực lớn để các tổ chức, cá nhân, DN, người dân cùng cố gắng vừa phòng dịch, vừa phục hồi SXKD, dần trở lại trạng thái bình thường mới. Bên cạnh nhiệm vụ phòng, chống dịch thích ứng, linh hoạt, UBND tỉnh còn yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan “chạy nước rút” thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Bên cạnh đó, phục hồi sản xuất công nghiệp, phát triển dịch vụ; nhanh chóng triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh đối với các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tiếp tục thu hút DN đầu tư trên địa bàn tỉnh…

Thay cho biện pháp quản lý thủ công, UBND tỉnh An Giang yêu cầu tăng cường hướng dẫn cơ quan, DN, cá nhân quét mã QR để quản lý thông tin người vào, ra địa điểm công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, các địa điểm SXKD, sự kiện đông người; thực hiện khai báo y tế, đăng ký tiêm chủng vaccine, khám, chữa bệnh bằng ứng dụng thống nhất trên điện thoại thông minh; sử dụng thống nhất phần mềm xác nhận tiêm chủng để mọi người sử dụng khi di chuyển

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN