“Chợ ma” xứ chiếu

22/09/2023 - 06:11

 - Mẹ con tôi về quê ngoại ở tỉnh Đồng Tháp ngay dịp xã Định Yên (huyện Lấp Vò) tổ chức thực cảnh tái hiện “Chợ ma” (chợ chiếu Định Yên) kết hợp các hoạt động văn hóa dân gian, ẩm thực… Đây là chủ trương nhằm xây dựng mô hình phát triển du lịch trên nền tảng tái hiện thực cảnh “Chợ ma” nổi tiếng của làng nghề truyền thống lâu đời Định Yên xứ chiếu.

Không biết xuất phát từ ý tưởng và đề xuất của ai nhưng đây là sự đột phá, sáng tạo, hợp “Ý Đảng, lòng dân”. Là người dân xứ chiếu, tôi rất tự hào và dạt dào cảm xúc khi quê mình được quan tâm đầu tư thực hiện dự án lớn, phục dựng, tái hiện khung cảnh “Chợ ma” nổi tiếng khắp nơi. Cái “Chợ ma” đã gắn với ký ức tuổi thơ, là nhịp sống, nguồn sống của người dân quê tôi bao đời nay, tạo nên bản sắc rất riêng, đặc thù và nổi tiếng của làng quê xứ chiếu.

Tham quan buổi thực cảnh, tôi ngạc nhiên về tính chất và quy mô bởi sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) cùng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp và lãnh đạo các sở, ban, ngành; cho thấy đây là chủ trương lớn của tỉnh, một tầm nhìn và tư duy mới.

Từ đây, vùng quê nhỏ Định Yên với cái “Chợ ma” nổi tiếng ngày nào sẽ trở thành điểm thu hút khách thập phương, tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt rất đặc trưng của làng nghề truyền thống, phục dựng nét đẹp văn hóa, tập quán sinh hoạt của người dân xứ chiếu; kỳ vọng mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Qua đó, người dân sẽ có cơ hội tăng thu nhập gia đình, có không gian tuyệt vời để tham gia các sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Qua thực cảnh, hình ảnh nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền trong những ánh đèn dầu loe lét; những cô thôn nữ vác chiếu trên vai để trao đổi, mua bán; những gánh hàng rong, hàng xén phục vụ ăn uống… được tái hiện, bao ký ức tuổi thơ chợt ùa về.

Từ những năm 2000 trở về trước, khi nghề dệt chiếu chưa được thay thế bằng máy móc, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay thì người dân quê tôi, nhất là phụ nữ, ai cũng biết dệt chiếu và chuẩn bị vật liệu trước khi dệt, từ chẻ lát, phơi lát đến trồng bố, cạo bố, xé bố chấp chăn, rồi mắc chăn vào khung để dệt, rồi nhuộm màu lát…

Do suốt ngày phải dệt chiếu, nên mọi người chỉ có thể đi chợ để bán chiếu vào ban đêm, trước cổng chùa An Phước. Ngôi cổ tự này là nơi mà mỗi tối tấp nập ghe xuồng của những người mua bán chiếu và các vật liệu làm chiếu.

Chính cái tập quán sinh hoạt vào ban đêm như thế đã hình thành cái tên gọi nổi tiếng gần xa: “Chợ ma Định Yên”. Từ cái đặc thù của “Chợ ma” cũng là cơ duyên để nảy nở biết bao mối tình chân quê, thuần chất của những trai làng, gái xóm. Mỗi đêm, nghe rầm rập bước chân của những người đội chiếu đi bán, tiếng lách tách của những mái dầm bơi xuồng chiếu ra chợ, tiếng cười nói xôn xao, nhất là những đêm có trăng, ánh trăng bàng bạc lấp lánh mặt sông như hòa thêm sự rộn ràng của những người đi bán chiếu.

Địa danh “Chợ ma Định Yên” nghe có vẻ “liêu trai chí dị”, nhưng thật đẹp và nên thơ của một làng nghề truyền thống. Nhưng rồi cuộc sống hiện đại, máy móc, thiết bị công nghiệp thay thế và cái “Chợ ma” lùi vào quá khứ, chỉ còn lại trong ký ức của những người lớn tuổi và thế hệ “7X” như tôi. Những đứa trẻ thế hệ con tôi sau này nghe kể về “Chợ ma”, bọn trẻ cứ mường tượng như chuyện cổ tích, tạo sự hiếu kỳ.

Thời tiểu học, chúng tôi “đầu đội trời, chân đạp đất”, không nón, không dép, lội bộ mấy cây số để đến được trường. Lên cấp 2, cấp 3, có được chiếc xe đạp cộc cạch chạy mười mấy cây số tới trường, đường sá lầy lội, trơn trượt vào mùa mưa, ngập nước đến nửa bánh xe vào mùa lũ nhưng với ý chí, quyết tâm vượt khó trên hành trình đi tìm con chữ luôn thôi thúc, không cho chúng tôi lùi bước…

Trở lại với thực cảnh tái hiện “Chợ ma”, tôi dạt dào cảm xúc với niềm vui khó tả, một cảm giác thật lâng lâng. Tôi cũng như người dân xã Định Yên rất cám ơn chính quyền địa phương đã có một chủ trương đúng đắn, sáng tạo, đột phá và hợp lòng dân. Những diễn viên của buổi thực cảnh đều là những người dân quê chất phác, những cô chú, bạn trẻ trong xóm, nông dân tay lấm chân bùn. Mọi người diễn rất tốt, chân thật như những gì đã có trước đây, tạo cho tôi ấn tượng vô cùng sâu đậm.

Nếu không có chủ trương này thì mãi mãi “Chợ ma” sẽ lùi vào quên lãng và chỉ là ký ức của nhiều người. Thế hệ hôm nay sẽ không thể hình dung được thế nào là “Chợ ma Định Yên”.

PHƯƠNG LINH