“Chống dịch còn hơn chống giặc”

10/05/2021 - 03:51

 - “Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 một cách hiệu quả thì tỉnh mới có thể bàn đến việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế…” - Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang bày tỏ. Đó là lý do chưa đầy 24 giờ sau khi nhận nhiệm vụ tại An Giang, đồng chí Lê Hồng Quang đã có chuyến công tác đầu tiên trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, khảo sát việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên tuyến biên giới.

Thời tiết hôm ấy rất đỏng đảnh, khi thì nắng như đổ lửa, lúc lại mưa như trút nước. Đoàn công tác tranh thủ từng phút, từng giây, không quản giờ nghỉ để có thể đi nhiều nơi nhất có thể, lắng nghe nhiều ý kiến ở cơ sở nhất. Đoàn tiến hành khảo sát công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các tổ, chốt phòng chống dịch bệnh trực thuộc Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc); làm việc tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Đồn Biên phòng Nhơn Hội, Đồn Biên phòng Phú Hữu, Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú); Huyện ủy, UBND huyện An Phú. Vừa đi thực tế, vừa tổ chức 4 cuộc họp liên tiếp, khối lượng công việc không hề nhẹ nhàng chút nào.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang trong chuyến công tác đầu tiên ở biên giới

Thế nhưng, hiệu quả mang lại của chuyến công tác được lãnh đạo tỉnh đánh giá cao. Từ ý kiến của lãnh đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, các đồn biên phòng trực thuộc, UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh, các ban, ngành, địa phương… những đặc trưng, thuận lợi và khó khăn của An Giang khi “căng mình” chống dịch trong hơn 1 năm qua được thể hiện rõ nét. Bộ đội biên phòng phối hợp các lực lượng quân sự, công an thành lập 200 tổ, chốt phòng, chống dịch bệnh trên toàn tuyến biên giới.

Cán bộ, chiến sĩ ở các tổ, chốt đã làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, đặc biệt là hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép. Trong suốt thời gian qua, các đơn vị đã phát hiện và bắt giữ 721 vụ, liên quan 1.645 đối tượng. Thuận lợi có rất nhiều, đến từ sự đồng thuận, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; sự phản ứng nhanh, kịp thời của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp; của “tai, mắt” pháo đài nhân dân; cả những giọt mồ hôi, những ngày đêm canh giữ biên giới của cán bộ, chiến sĩ.

Bên cạnh đó, khó khăn vẫn hiện hữu, đè nặng biên giới An Giang, đường biên giới quốc gia dài gần 100km, nằm trên 5 huyện, thị xã, thành phố. Địa hình biên giới có nhiều kênh, rạch, đường mòn, lối mở thuận tiện cho người dân qua lại, đồng thời cũng là điều kiện để các loại đối tượng, tội phạm hoạt động. Đối tượng xuất, nhập cảnh trái phép cũng lợi dụng điều này, chỉ cần sơ hở một chút thì dịch bệnh theo đó lây lan vào nội địa.

Những ngày qua, An Giang ghi nhận nhiều ca bệnh sau khi nhập cảnh. Cùng với tình hình dịch bệnh tại Campuchia diễn biến cực kỳ phức tạp… đã mang lại áp lực cao cho công tác phòng, chống dịch bệnh về mặt nhân sự, ngân sách, chính sách an sinh - xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong khi đó, cuộc chiến chống “giặc COVID-19” chưa biết khi nào kết thúc.

Sau khi nghe các đơn vị, địa phương báo cáo và trực tiếp nhìn thấy lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên tuyến biên giới, Bí thư Tỉnh ủy  Lê Hồng Quang chia sẻ những nỗ lực, khó khăn, vất vả của các lực lượng. Đồng chí Lê Hồng Quang bày tỏ nhiều suy nghĩ, trăn trở khi tiếp cận tình hình địa phương. “Trung ương đề nghị “Chống dịch như chống giặc”, còn chúng ta, với những điều kiện đặc thù như thế này, phải tự nâng thêm một mức: “Chống dịch còn hơn chống giặc”. Hậu quả của việc kiểm soát không tốt sẽ đem đến hậu quả khôn lường, số người tử vong nhiều và kéo dài ngày qua ngày, kinh khủng hơn các cuộc chiến tranh trong lịch sử.

Trước mắt, lực lượng biên phòng cần phối hợp chặt chẽ với quân sự, công an, chính quyền địa phương kiểm soát tốt tuyến biên giới, cửa khẩu, không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn; gắn với tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026. Chúng ta quyết tâm thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên, nhưng phải có tính linh hoạt, làm sao giải quyết tình huống một cách hợp lý, hài hòa tại địa phương mình.

Về lâu dài, các địa phương tiếp tục dự phòng nhiều tình huống khác nhau, có giải pháp khắc phục khó khăn liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị ca nhiễm, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân… Cùng với đó, xem người dân là nền tảng, chú trọng tuyên truyền sâu rộng đến họ bằng nhiều kênh, hình thức, để nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng. Người nào vi phạm sẽ phải bị xử lý nghiêm”.

Chuyến công tác đầu tiên của Bí thư Tỉnh ủy sẽ mở đầu cho những chuỗi ngày bận rộn sắp tới. Áp lực về mặt thời gian, khối lượng công việc là thách thức lớn đối với đồng chí Lê Hồng Quang nói riêng, toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh nói chung. Nhưng mỗi bước chân, mỗi chỉ đạo, mỗi việc làm của Đảng bộ, quân và dân An Giang đều hướng đến một ý chí duy nhất, như lời hứa của Bí thư Tỉnh ủy Lê Hồng Quang gửi đến anh linh Chủ tịch Tôn Đức Thắng: “Chúng cháu nguyện sống, chiến đấu, công tác, học tập theo gương Bác, cùng phấn đấu, đoàn kết một lòng, góp phần xây dựng quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác từng mong muốn, kỳ vọng”.

GIA KHÁNH