“Cơm 0 đồng" di động, trao yêu thương cho người nghèo

29/12/2021 - 07:01

 - Những ngày qua, tại thị trấn Phú Mỹ (huyện Phú Tân) xuất hiện nhiều hoạt động ý nghĩa, nghĩa cử tốt đẹp nhằm hỗ trợ người bán vé số, người lao động gặp khó khăn, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Điển hình như “Bếp cơm tình thương "0 đồng" Phúc Phát Đạt của vợ chồng ông Nguyễn Hàn Giang (ấp Thượng 1).

Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, tránh tập trung đông người, lực lượng tình nguyện viên chia nhau phát cơm di động nhiều nơi cho người bán vé số, người cơ nhỡ và hoàn cảnh khó khăn. Ngoài số lượng nhỏ hộp cơm phát tại chỗ, có 5 “shipper” (người giao hàng) tham gia vào đội tình nguyện viên “đặc biệt” giúp gia đình ông Giang, gồm: 2 người chạy xe gắn máy, 1 người chạy xe lôi và 1 người đi bộ phát cơm gần trong xóm.

“Thời gian dịch bệnh vừa qua, nhiều người phải tạm ngưng mưu sinh. Thấy vậy, tôi bàn với gia đình mở bếp "Cơm 0 đồng" cho bà con có bữa ăn. Tuy chỉ giúp việc nhỏ, nhưng bà con vui vẻ đón nhận thì tôi thấy hạnh phúc, ý nghĩa. Bếp ăn duy trì từ rằm tháng 7 (âm lịch) đến nay. Hiện tại, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, nên bếp cơm tiếp tục hoạt động. Chúng tôi ưu tiên hình thức phát cơm di động để đảm bảo an toàn. Tiếp sức với tôi có 1 người quen hỗ trợ gạo, còn lại nguyên liệu gia đình tự lo” - ông Giang cho biết.

Những phần "Cơm 0 đồng” của quán cơm Phúc Phát Đạt

Sau nhiều năm làm ăn ở tỉnh Bình Dương, ông quyết định về an cư tại huyện Phú Tân. Sau 2 tháng ổn định cơ ngơi, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, ông phát tâm làm từ thiện. Công việc làm ăn, ông chờ qua Tết khởi động lại. Trước mắt, ông muốn dành trọn thời gian cho việc phục vụ cơm miễn phí giúp người nghèo xung quanh. Từ lúc mở bếp cơm đến nay, ông không vận động bất kỳ ai. Bà con có lòng hảo tâm đến tặng gạo thì ông nhận, còn gửi tiền thì nhất định từ chối, chỉ gợi ý họ mua nguyên liệu, rau củ… sẽ tốt hơn.

Từ 5 giờ sáng, bếp ăn "0 đồng" bắt đầu nhộn nhịp. Các tình nguyện viên tất bật, chuẩn bị từ 270 - 300 phần cơm/ngày. Không ai bảo ai, guồng việc đã trôi chảy hàng ngày, mỗi người khẩn trương chuẩn bị suất ăn và đóng gói thành từng phần, sau đó “đội shipper” đến nhận. Bếp ăn chia nhiều chỗ nấu thoáng đãng, sạch sẽ, thậm chí hàng xóm cho mượn không gian để góp công cùng gia đình ông Giang. Bà Nguyễn Thị Liệp (67 tuổi) là tình nguyện viên phụ trách nấu suất ăn từ ngày đầu mở bếp từ thiện đến giờ. “Tuổi già làm theo sức già, mệt thì nghỉ, lai rai rồi cũng xong công chuyện. Hễ thấy bà con nhận cơm vui thì tôi vui lây. Tùy theo nguyên liệu mua được hàng ngày, đầu bếp bàn nhau chế biến món ăn, có đủ món mặn, xào, súp. Ông Giang góp của thì tụi tôi góp công, ai nấy đều vui vẻ” - bà Liệp chia sẻ.

Hàng ngày, anh Võ Trường Giang (tình nguyện viên phát cơm) tranh thủ thời gian buổi sáng phát khoảng 100 phần ở hẻm 1, 2, 7 và những người bán vé số gặp dọc đường, rồi mới đi làm. Anh nắm hoàn cảnh hộ khó khăn nên chuyện đi giao cơm hàng ngày như thời khóa biểu quen thuộc. Anh biết hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Toàn: Các con đi làm ăn xa nên ông chỉ sống một mình ở nhà. Mấy tháng xảy ra dịch bệnh, ông Toàn thất nghiệp, đành nuôi mấy con vịt chờ ngày bán. Ngày nào ông cũng nhờ suất cơm “0 đồng” lót dạ buổi sáng và chiều. “Tôi sống bằng nghề làm thuê, giữa lúc khó khăn, không có điều kiện giúp người nghèo nhưng được góp công thế này tôi thấy rất vui, trước là no lòng, sau thì tình người thương nhau thêm ấm áp” - anh Trường Giang bày tỏ.

Theo Trưởng ban Nhân dân ấp Thượng 1 Hồng Ngọc Của, suốt mấy tháng qua, bếp cơm từ thiện của gia đình ông Giang mang lại ý nghĩa thiết thực cho bà con khó khăn ở địa bàn. Ông Giang còn có nhiều đóng góp cho công tác xã hội - từ thiện của địa phương. "Cơm 0 đồng" di động tại thị trấn Phú Mỹ lan tỏa yêu thương đến với người nghèo đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, với cách thức hoạt động đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch an toàn nên được địa phương và người dân rất đồng tình, cảm kích.

MỸ HẠNH