“Cuộc chiến” 336 giờ - Kỳ 1: Một ngày rất khác

23/03/2020 - 06:51

 - Lời Tòa soạn: Bài viết là những ghi chép, phản ánh của phóng viên Gia Khánh trong 14 ngày tác nghiệp tại Trường Quân sự tỉnh An Giang (nơi cách ly tập trung 233 công dân từ Hàn Quốc về Việt Nam, cũng là “điểm nóng” đầu tiên ở tỉnh). Câu chuyện cụ thể, riêng lẻ của từng người được quy tụ lại trong góc nhìn của một nhà báo, với đủ cung bậc cảm xúc đáng nhớ, mà chính tác giả và các nhân vật sẽ ghi khắc mãi trong lòng.

Từ ngày 13-2 đến đầu tháng 3-2020, Việt Nam không ghi nhận cas nhiễm mới Covid-19, mọi thứ dừng lại ở 16/16 bệnh nhân được chữa trị khỏi hoàn toàn. Lúc 0 giờ ngày 4-3, xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) được dỡ bỏ hoàn toàn phong tỏa. Trên toàn thế giới, có 92.777 người nhiễm bệnh, 3.161 người tử vong; 81 quốc gia/vùng lãnh thổ ghi nhận trường hợp mắc Covid-19. Trong khi đó, Hàn Quốc tiếp tục gia tăng nhanh các cas nhiễm mới Covid-19. Đến hết 18 giờ ngày 3-3, số cas nhiễm Covid-19 đã lên đến 5.186, tăng thêm 974 cas nhiễm mới so với 24 giờ trước đó. Đây cũng là con số kỷ lục từ khi dịch bùng phát tại nước này. Vì vậy, 87 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh hoặc những thủ tục cách ly với các du khách đến từ Hàn Quốc. Việt Nam tập trung thực hiện nghiêm cách ly công dân từ các nước, vùng có dịch trở về, đặc biệt là Hàn Quốc.

Tại An Giang, ngày 4-3, tôi tham dự đưa tin sự kiện Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức diễn tập phòng, chống dịch Covid-19. Có 3 vấn đề huấn luyện được đặt ra. Trong đó, vấn đề đầu tiên là Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh họp chỉ đạo xử trí tình huống công dân Việt Nam từ các quốc gia có dịch về địa bàn tỉnh và có 2 trường hợp cách ly tập trung điều trị tại Bệnh xá Quân y tỉnh. Người dân qua lại khu vực diễn tập cảm thấy rất tò mò, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, trong khi tình hình dịch bệnh trong cả nước đang ổn thỏa. Nhưng chúng tôi, những người nắm rõ vụ việc, hiểu rằng những ngày rất vất vả đang đến rất gần. Mọi khâu chuẩn bị - kể cả về mặt tinh thần - phải hoàn tất càng sớm càng tốt.

Phóng viên tác nghiệp tại hiện trường

Sáng sớm ngày 5-3, tôi nhận được thông tin của Phòng Chính trị - Bộ CHQS tỉnh: An Giang sắp tiếp nhận hơn 200 công dân trở về từ Hàn Quốc. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 Bộ CHQS tỉnh trực tiếp tổ chức xe đón rước công dân từ sân bay Cần Thơ về khu cách ly tập trung Trường Quân sự tỉnh (TT. Óc Eo, huyện Thoại Sơn), dự kiến đầu giờ chiều sẽ đến nơi. Là phóng viên phụ trách chuyên mục Quốc phòng toàn dân, sau khi xin ý kiến, được chấp thuận của Ban Biên tập, tôi chạy xe máy vượt quãng đường 40km để vào địa điểm cách ly chờ sẵn. Lúc tới nơi, đồng hồ chỉ 11 giờ.

Chuẩn bị nước uống cho từng phòng cách ly

Trong thời gian đợi đoàn xe từ Cần Thơ về, cán bộ chiến sĩ của Trường tất bật thực hiện nốt các khâu chuẩn bị: phun xịt khử trùng toàn bộ khu vực cách ly, căng băng-rôn tuyên truyền, phân bổ nhu yếu phẩm và vật dụng sinh hoạt cho từng phòng. Phòng được quét dọn sạch sẽ, có tủ quần áo, tủ lạnh, tivi… Đến chiều tối, mọi thứ hoàn tất, máy ảnh của tôi cũng chụp cả trăm bức ảnh tư liệu rồi, nhưng xe vẫn chưa tới. Trước đó, khoảng 5 giờ chiều, Tổ cách ly đã đặt cơm ở một quán ăn ngon từ TP. Long Xuyên đem vào, để phục vụ người được cách ly. Chúng tôi ăn tối muộn, trong vội vàng, nhấp nhổm, bằng những món đơn giản những rất đạm bạc do chính tay cán bộ, chiến sĩ bộ phận hậu cần của Trường Quân sự phục vụ.

Phun xịt khử khuẩn toàn bộ khu cách ly trưa 5-3

Đúng 20 giờ 30 phút, các đoàn xe nối đuôi nhau đến. Toàn bộ lực lượng làm nhiệm vụ bước vào đợt tiếp nhận người được cách ly đầu tiên trong cả tỉnh. Hầu như ai cũng căng thẳng, sợ xảy ra sơ suất vì thiếu kinh nghiệm. Trong đêm, dưới ánh sáng của các ngọn đèn trong khuôn viên trường, máy ảnh của tôi mờ nhòe vì hơi sương từ bình xịt khuẩn. Nơi đâu cũng đều toàn là xe và người. Qua lớp kính xe, nhiều công dân không giấu được gương mặt mệt mỏi, bơ phờ sau khẩu trang. Quãng đường xa, chờ đợi mấy tiếng đồng hồ, lại mang tâm trạng hoang mang, lo âu “bị cách ly”, thần sắc của họ trở nên như thế cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng, tôi lại bắt gặp vài nụ cười tươi trên một chiếc xe. Họ vẫy tay chào chúng tôi, giơ ngón tay chữ “V”, bày tỏ niềm vui sướng khi được trở về Việt Nam. Giây phút ấy đã được tôi lưu giữ bằng một tấm ảnh chụp vội. Những nụ cười lạc quan làm vơi đi bao giọt mồ hôi. Tôi chợt nghĩ: đó là nụ cười đầu tiên đền đáp công sức của An Giang suốt mấy hôm vừa qua. Tất cả những gì quê hương đang làm cho công dân đất nước mình, chẳng phải là để giúp họ có thể nở nụ cười hạnh phúc như thế sao?

“Màn sương” từ chất khử khuẩn trong tối 5-3

Nụ cười hạnh phúc khi trở về Việt Nam an toàn

Việc tiếp nhận 233 người (106 nam, 122 nữ và 5 trẻ em; 20 người có quốc tịch nước ngoài gồm: 18 người Hàn Quốc, 1 người Nga, 1 người Trung Quốc) hoàn toàn không đơn giản. Những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp có mặt tại đây phải đảm nhận các khâu: Hướng dẫn mọi người sử dụng khẩu trang mới, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, sắp xếp nơi ở (theo giới tính, gia đình...).

Cuối ngày, ai cũng mệt nhoài, huống chi họ đã trải qua nhiều chặng di chuyển vất vả. Nhưng nếu không tiếp nhận, sắp xếp ổn thỏa theo trình tự quy định, thì càng khó về sau. Đến 24 giờ cùng ngày, tất cả các khâu tiếp nhận, sắp xếp nơi sinh hoạt cho người được cách ly đã hoàn tất, kể cả bộ đội đưa suất cơm đến tận tay họ.

Gần 24 giờ, công tác tiếp nhận 233 công dân mới hoàn tất

Tôi là phóng viên duy nhất (cùng với 2 cán bộ tuyên truyền của Phòng Chính trị) có mặt tại hiện trường. Khi các khâu sắp xếp cuối cùng hoàn tất, nhóm tác nghiệp chúng tôi vẫn tiếp tục ghi chép ý kiến của Ban Chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh, mở laptop viết tin, dựng hình. Mỗi từ ngữ, hình ảnh được cân nhắc thật kỹ, nhằm phản ánh chính xác nhất, đầy đủ và phù hợp nhất cho công chúng. Việc cách ly tập trung là một thủ tục hoàn toàn bình thường, theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Nhưng đối với người dân nông thôn, ở khu vực biên giới như An Giang, nếu đưa tin không rõ ràng, sẽ gây hoang mang dư luận, phản ứng tiêu cực. Làm báo hơn 10 năm, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy áp lực về mặt thông tin nặng nề như thế.

Chúng tôi kết thúc ngày cũ vào rạng sáng ngày mới, tự nhủ rằng phải ngủ thật ngon để hôm sau còn làm rất nhiều việc. Ngày hôm nay hoàn toàn khác với mọi ngày, bởi mọi thứ đều diễn ra “lần đầu tiên”; không rõ nguồn lây nhiễm có xuất hiện hay không, sức khỏe và sinh hoạt của các công dân sẽ phát sinh những gì vào 13 ngày sắp tới… Và điều tôi nghĩ đến nhiều nhất trước khi chìm vào giấc ngủ, đó là: thông tin được đăng tải trên Báo An Giang sáng hôm sau, liệu có đạt hiệu quả tích cực như chúng tôi kỳ vọng?

GIA KHÁNH (còn tiếp)