Qua 2 cuộc kháng chiến, lực lượng DQTV tỉnh An Giang đã góp công rất lớn trong việc đấu tranh giải phóng dân tộc, truy quét tàn quân, bảo vệ chính quyền cách mạng, giữ gìn ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Lúc quân phản động Pôn Pốt gây ra cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, dân - quân du kích các xã biên giới đã kiên cường bám trụ, cùng bộ đội, công an đánh địch giữ vững địa bàn, bảo vệ nhân dân. Ngoài ra, trên khắp các xã biên giới, hàng trăm tấm gương chiến đấu, hy sinh của CBCS dân quân du kích khác cũng được lịch sử trân trọng ghi công cống hiến cho công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Lực lượng Dân quân tự vệ thị trấn Núi Sập phối hợp tham gia tuần tra kiểm soát địa bàn cùng các lực lượng
Việc xây dựng lực lượng DQTV, dự bị động viên là một nội dung rất cơ bản trong toàn bộ công tác quân sự của Đảng ta từ trước đến nay, cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và củng cố quốc phòng - an ninh lâu dài sau này. Chính vì vậy, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn có sự quan tâm đặc biệt đối với công tác DQTV, xây dựng lực lượng dự bị động viên, thông qua việc ban hành nhiều chỉ thị, đề án để chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện việc tổ chức xây dựng lực lượng DQTV, tổ chức lực lượng dự bị động viên trên cơ sở rộng khắp, vững mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng lực lượng DQTV đạt tỷ lệ 1,03% so với dân số, trong đó đảng viên đạt 23,18%.
Chúng tôi có dịp đến thăm Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), đơn vị được cấp trên đánh giá cao về công tác nâng cao chất lượng xây dựng và hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV. Thiếu tá Nguyễn Văn Đen, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Thoại Sơn nhận xét: “Năm qua, Ban CHQS thị trấn Núi Sập được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen về thành tích xây dựng nền quốc phòng toàn dân, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, 5 năm thực hiện đề án của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng DQTV giai đoạn 2016-2020. Những yếu tố quan trọng tạo nên kết quả trên là sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp; là sự đoàn kết trong nội bộ, chủ động tham mưu Đảng ủy, UBND thị trấn, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể để cùng chung tay làm tốt nhiệm vụ được giao”.
Thị trấn Núi Sập là địa bàn trọng điểm về du lịch, văn hóa tâm linh của huyện Thoại Sơn, có lưu lượng khách tham quan, chiêm bái hàng năm rất lớn. Để lực lượng DQTV đủ sức tham gia phối hợp cùng các lực lượng chức năng gìn giữ an ninh trật tự địa bàn, Đảng ủy thị trấn đã quan tâm xây dựng, nâng chất lực lượng.
“Thị trấn hiện có 115 DQTV, chiếm 0,65% dân số. Tỷ lệ huy động làm nhiệm vụ hàng năm đạt 100%. Đảng ủy, UBND thị trấn thường xuyên quan tâm đến đời sống của từng CBCS dân quân, như: bếp ăn, chế độ hàng ngày, nơi ở… đảm bảo sức khỏe cho từng đồng chí. Đảng ủy thường xuyên có kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng CBCS ưu tú trong DQTV tham gia bồi dưỡng đối tượng Đảng, tạo nguồn phát triển đảng viên mới. Đơn vị đã có 13 đảng viên, có chi ủy, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng dân quân” - Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Núi Sập Trần Anh Tuấn thông tin.
Anh Lê Phước Trung (ngụ ấp Nam Sơn) tham gia lực lượng dân quân hơn 1 năm nay. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng được sự động viên nhiệt tình từ người thân, sự quan tâm từ Đảng ủy, UBND, Ban CHQS thị trấn bằng các chế độ chính sách (bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, phụ cấp hàng tháng…), anh đã yên tâm công tác lâu dài trong lực lượng. “Tôi nghĩ, trách nhiệm của một thanh niên là phải góp phần gìn giữ sự yên bình của địa phương, nên cảm thấy rất vinh dự khi trở thành một dân quân. Nếu “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Tôi mong muốn các thanh niên cùng chung suy nghĩ với mình, hăng hái tham gia lực lượng DQTV khi có điều kiện, chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - anh Trung bày tỏ.
DQTV là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác; là thành phần của lực lượng vũ trang nhân dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của nhà nước, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh. Lực lượng này được tổ chức ở xã, phường, thị trấn gọi là dân quân; được tổ chức ở cơ quan của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế gọi là tự vệ.
|
Bài, ảnh: GIA KHÁNH