Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Mai Văn Gấm, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của cả nước tăng mạnh và cao nhất từ trước đến nay. Năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh cả nước là 115,1 bé trai/100 bé gái. Tại An Giang, tỷ số giới tính khi sinh năm 2019 cũng đã ở mức 108,3 trẻ em trai/100 trẻ em gái. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số địa phương vẫn giữ phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai “nối dõi tông đường”, thờ cúng tổ tiên, do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Đó còn do ảnh hưởng từ việc giảm sinh và tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội. Áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 đến 2 con cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Để sinh ít con mà vẫn bảo đảm có con trai như mong muốn, các cặp vợ chồng không thể áp dụng “quy luật dừng”, mà sinh đến khi nào có con trai mới thôi, nên họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh nhằm đáp ứng được cả 2 mục tiêu nói trên.
Tuyên dương gia đình sinh con một bề là gái tiêu biểu - cách tác động tích cực đến xã hội
Sự phát triển của các dịch vụ y tế hiện đại, các điều kiện chẩn đoán giới tính trước sinh, chọn lọc giới tính thai nhi ngay từ trước lúc mang thai như: áp dụng chế độ ăn uống, ngày phóng noãn, trong thụ thai chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, siêu âm bắt mạch, chọc hút dịch ối, nạo phá thai... càng góp phần làm tăng sự lựa chọn giới tính thai nhi. Những tác động của mất cân bằng giới tính khi sinh đến xã hội sẽ không phải là ngày một, ngày hai mà theo BS Mai Văn Gấm là trong tương lai, lúc các trẻ trưởng thành sẽ xảy ra tình trạng nam giới khó lấy được vợ do thừa nam, thiếu nữ. Việc nam giới đến tuổi kết hôn chưa lấy được vợ sẽ gây những gánh nặng về tâm lý cho nam giới như mặc cảm không thể có đời sống hôn nhân, sinh con nối dõi, vấn nạn mại dâm, vấn nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái sẽ ngày càng nhiều hơn gây nguy hại cho xã hội…
Chính vì lẽ đó việc nên làm của các địa phương là duy trì mức sinh thấp hợp lý cũng như kiểm soát giới tính khi sinh trong phạm vi cân bằng tự nhiên. Điển hình như Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Phú Tân đã nỗ lực lồng ghép hoạt động truyền thông công tác dân số với các ban, ngành, đoàn thể, với các vị chức sắc, chức việc trong tôn giáo, với các trường THPT. Các nội dung được tuyên truyền thường xuyên là vận động các đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ thực tốt quy mô gia đình ít con, những hệ lụy của việc sinh đông con để tìm kiếm con trai gây ảnh hưởng đến sức khỏe bà mẹ và kinh tế gia đình. Bên cạnh đó là nêu cao vai trò, vị thế của người phụ nữ trong giai đoạn hiện nay vẫn có thể cống hiến, dấn thân vào nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Về truyền thống văn hóa, phụ nữ hay nam giới có tấm lòng hiếu thảo đều có thể chăm sóc cha mẹ già lúc ốm đau, thờ tự như nhau.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trịnh Hữu Thọ ghi nhận những nỗ lực tuyên truyền từ các Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã, thành phố và yêu cầu các tuyến cơ sở cần đẩy mạnh thực hiện đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tuyên truyền giúp người dân thay đổi quan niệm “trọng nam kinh nữ”, đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách, pháp lệnh dân số, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, đẩy mạnh các chính sách an sinh xã hội, bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái có quyền bình đẳng, học tập, làm việc và phát triển như nam giới. Bên cạnh đó là việc nêu gương, tuyên dương những gia đình sinh con một bề là gái thực hiện tốt chính sách dân số, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, không sinh con thứ 3, nuôi dạy 2 con thành đạt, hiếu thảo, đóng góp lợi ích cho xã hội trên nhiều lĩnh vực.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG