“Đời sau còn nghiêng mình cúi đầu…”

27/07/2023 - 06:47

 - Đó là cúi đầu thành kính trước anh linh của Anh hùng liệt sĩ, trước tượng đài bất tử của họ ở nghĩa trang liệt sĩ. Đó cũng là những lần cúi đầu tiễn biệt liệt sĩ, trước khi các chú, các anh yên nghỉ trong lòng đất mẹ yêu thương. Mỗi lần nghiêng mình cúi đầu, là thêm một lần đời sau nhắc nhở mình phải sống xứng đáng với biết bao người đã nằm xuống…

Tiễn biệt những người hùng

Đã thành thông lệ, dịp 27/7 hàng năm đều rơi vào mùa mưa nặng hạt. Công tác tổ chức lễ cải táng hài cốt liệt sĩ, thắp nến tri ân ở nghĩa trang liệt sĩ gặp nhiều khó khăn, gián đoạn. Vừa quét dọn, chuẩn bị xong thì mưa gió ầm ầm kéo đến. Nhưng lạ thay, lúc chương trình thật sự bắt đầu thì trời quang mây tạnh, để các buổi lễ diễn ra thật thành công, suôn sẻ. Có lẽ, thiên nhiên cũng cảm động trước lòng người, trước thấm đẫm tri ân cuối tháng 7.

Năm nay không ngoại lệ. Đoàn viên, thanh niên, thân nhân liệt sĩ quét dọn, vệ sinh hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ liên tục mấy ngày trước đó. Vừa xong thì trời đổ mưa trắng cả xứ núi Tịnh Biên, thi thoảng lất phất màn mưa dai dẳng. Đến sát giờ làm lễ cải táng hài cốt liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc, mưa tạm dừng, chứ mây đen vẫn cứ quẩn quanh trên đầu. Dấu vết mưa còn đọng trong từng nhánh cây, từng lư hương xâm xấp nước.

Trong không gian đặc biệt ấy, Lê Minh Phong (Trung đoàn 892, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) cẩn trọng cùng đồng đội khiêng tràng hoa, đảm bảo lễ viếng liệt sĩ nghiêm trang, đúng tác phong, lễ tiết. Tất cả cùng tập luyện mấy tuần trước khi diễn ra lễ cải táng, với quyết tâm hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao, cũng là đóng góp chút ít công sức tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh.

“Đây là lần đầu tiên, tôi tham dự lễ cải táng hài cốt liệt sĩ. Vinh dự hơn, tôi được chọn phục vụ cho buổi lễ. Cảm xúc trong tôi khó tả lắm, thiêng liêng vô cùng. Vượt qua sự lo lắng, hồi hộp, lúng túng, chúng tôi cố gắng làm tốt từng động tác, không để xảy ra sơ suất” - Phong chia sẻ.

Buổi lễ cải táng chỉ diễn ra khoảng 60 phút, nhưng dồn nén quãng thời gian dài đăng đẳng của quá trình tri ân của người đang sống dành cho người đã khuất, biết bao công sức lặn lội tìm kiếm, cất bốc, quy tập, hồi hương hài cốt liệt sĩ của đội chuyên trách, của ban chỉ đạo 515 các cấp. Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau, sự mất mát vẫn hiện hữu, chưa thể nào xóa nhòa được.

Hàng trăm ngàn liệt sĩ hy sinh ở các chiến trường trong và ngoài nước, vẫn chưa được quy tập đầy đủ về quê hương xứ sở. Hài cốt của các anh, các chú phải nằm lại trong rừng sâu, ở đâu đó dưới lòng đất trên mọi miền Tổ quốc và nước bạn; đó là nỗi đau, sự trăn trở của Đảng, nhà nước và nhân dân.

“Trước anh linh, hương hồn các liệt sĩ, chúng ta chứa chan niềm xúc cảm, vô vàng tri ân cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mãi mãi giữ cho màu cờ Tổ quốc thêm đỏ thắm, cho quê hương yên bình, hạnh phúc.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, quân, dân tỉnh An Giang xin hứa sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện ước mơ hoài bão của các liệt sĩ lúc sinh thời, cùng với cả nước xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh” - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đọc điếu văn tại lễ cải táng hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh ở Campuchia và trong nước, giai đoạn XXII, mùa khô 2022 - 2023.

Ánh lửa của tri ân

Tháng 7, nhiều nghĩa trang liệt sĩ khác trong tỉnh được thắp sáng bằng lòng tưởng nhớ, tri ân sâu sắc. Không phải chỉ riêng thế hệ trẻ chỉ biết chiến tranh qua sách vở, mà còn có sự tham dự của rất nhiều người lính năm xưa. Tất cả tụ họp về, cùng ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các Anh hùng liệt sĩ; cùng nhắc nhở người đang sống: Dù đang làm bất cứ công việc gì, thuộc thế hệ nào, cũng không thể quên trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với người đã hy sinh xương máu “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

“Chúng ta hãy luôn giữ gìn và phát huy truyền thống ấy, phải thể hiện thật đầy đủ trách nhiệm của mình. Đoàn viên, thanh niên - người chủ tương lai của đất nước - phải quyết tâm ra sức xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, văn minh, giàu đẹp, bảo vệ vững chắc bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc. Cựu chiến binh phải luôn gương mẫu, mãi mãi xứng đáng với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, để không hổ thẹn với những đồng đội đã hy sinh cho chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp hôm nay” - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Thanh gửi gắm.

Với sức trẻ tình nguyện, tuổi trẻ An Giang đã cùng nhau xây dựng, chăm sóc, làm đẹp đài tưởng niệm và nghĩa trang liệt sĩ; thăm viếng, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng nhà Tình nghĩa; nhận đỡ đầu, giúp đỡ con em thương binh - liệt sĩ, giúp đỡ thanh niên xung phong neo đơn, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; thăm hỏi, động viên, tặng quà, chăm sóc sức khỏe thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đó không chỉ là sự tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc, mà còn là trách nhiệm, tình cảm thiêng liêng, là sự tri ân của hậu bối đối với tiền bối.

Ngọn nến tri ân được thắp sáng trên 2.565 ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh (huyện Châu Thành), 9.000 ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (TX. Tịnh Biên).

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Hồ Thị Hồng Phướng bày tỏ: “Với chúng tôi, mỗi ngọn nến được thắp lên là sự gửi gắm tấm lòng tri ân, là tình cảm và trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi ánh nến rực sáng như soi đường dẫn lối cho chúng tôi vững tin theo bước chân những người anh hùng, viết tiếp truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển. Trước hương hồn các Anh hùng liệt sĩ, tuổi trẻ An Giang xin nguyện sẽ tiếp nối truyền thống cách mạng của các thế hệ đi trước; tiếp tục phát huy tài năng, trí tuệ, sức trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục kế thừa, gìn giữ thành quả cách mạng của các Anh hùng liệt sĩ đã giành được”.

GIA KHÁNH