“Động lực” cho thanh niên tham gia xuất khẩu lao động

25/07/2024 - 06:41

 - Nhằm khuyến khích thanh niên địa phương tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), UBND TX. Tịnh Biên (tỉnh An Giang) đã tăng cường công tác đào tạo nghề, tư vấn, kết nối nhà tuyển dụng và nhất là hỗ trợ vốn để họ an tâm đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.

UBND TX. Tịnh Biên tích cực hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm

Những năm qua, XKLĐ là hướng đi phù hợp, hiệu quả trong mục tiêu giải quyết việc làm cho người dân địa phương. Do đó, UBND TX. Tịnh Biên yêu cầu ngành chuyên môn phối hợp địa phương tăng cường công tác tuyên truyền. Đồng thời, tích cực rà soát nhu cầu, vận động thanh niên trong độ tuổi tham gia XKLĐ khi có điều kiện, bởi những ưu điểm nhất định khi tham gia làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài.

Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Lâm Văn Bá thông tin: “Tính đến cuối tháng 6/2024, chúng tôi đã tổ chức 28 buổi tư vấn cho 5.000 người lao động (NLĐ), bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Đặc biệt, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm An Giang (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp, học nghề và việc làm năm 2024, với sự tham dự của hơn 1.800 NLĐ, học sinh địa phương. Cùng với đó, phối hợp Báo An Giang tuyên truyền về gương điển hình xuất khẩu lao động, xây dựng các chuyên mục tuyên truyền để NLĐ địa phương nắm bắt kịp thời các sự kiện, tin tức về XKLĐ của tỉnh”.

Theo ông Lâm Văn Bá, tại sự kiện tư vấn hướng nghiệp, học nghề, việc làm cho thanh niên và học sinh, 25 đơn vị, doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, cơ hội việc làm và những kiến thức về thị trường lao động tại một số nước, giúp NLĐ tìm được địa chỉ việc làm tin cậy, học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Trong đó, nêu bật lợi ích của việc đi lao động ở nước ngoài, từ mức lương, chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc cũng như các yếu tố đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

“Để đáp ứng nhu cầu từ các thị trường lao động, UBND TX. Tịnh Biên luôn quan tâm đào tạo, hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ đăng ký, lập và lưu danh sách cụ thể khi giới thiệu đến các công ty xuất khẩu lao động. Ngược lại, các công ty này phải được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, cấp phép khi tuyển dụng trên địa bàn tỉnh An Giang, nhằm đảm bảo quyền lợi NLĐ. Chúng tôi cũng phối hợp UBND các xã, phường có người tham gia XKLĐ theo dõi tình hình học ngoại ngữ, giáo dục định hướng, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ khi họ gặp khó khăn” - ông Lâm Văn Bá cho hay.

Hiện nay, công tác hỗ trợ người dân tham gia XKLĐ đang tập trung thực hiện tại các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Với mong ước thay đổi cuộc sống, nhiều thanh niên Khmer đã sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc làm việc và có nguồn thu nhập cao. Do đó, UBND thị xã đã yêu cầu Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quan tâm hỗ trợ thanh niên Khmer có nhu cầu.

Thanh niên được tư vấn kiến thức, hỗ trợ vốn đi lao động ngoài nước

“Năm 2023, toàn thị xã có 39 lao động (trong đó có 21 lao động nữ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 139,3% kế hoạch năm. Thị trường NLĐ đến làm việc, gồm: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đan Mạch, Saudi Arabia… Trong quý I/2024, có 16 người tham gia XKLĐ đi Nhật Bản và Đài Loan, đạt 57,14% kế hoạch năm. Hiện chúng tôi đã tăng cường phối hợp với các địa phương rà soát nhu cầu NLD có nhu cầu làm việc ở nước ngoài, để kịp thời hỗ trợ về mặt thông tin, tư vấn và nhất là hỗ trợ họ vay vốn để tham gia XKLĐ” - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH TX. Tịnh Biên Nguyễn Thị Huệ cho hay.

Về kết quả hỗ trợ vốn vay, tính đến ngày 15/5/2024, Phòng LĐ-TB&XH đã phối hợp Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TX. Tịnh Biên phát vay từ nguồn vốn ủy thác của UBND thị xã, hỗ trợ người đi nước ngoài làm việc cho 40 trường hợp, với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Dự kiến, đến cuối năm 2024 sẽ tăng thêm 28 trường hợp có nhu cầu vay vốn, nên cần bổ sung nguồn vốn từ ngân sách thị xã khoảng 1 tỷ đồng.

Là người được hỗ trợ vay vốn, bạn Chau Rích (ngụ xã Vĩnh Trung) chia sẻ: “Được tư vấn về những lợi ích khi đi lao động ở nước ngoài, em đã suy nghĩ kỹ và quyết định tham gia. Em cho rằng, chỉ có sang Nhật Bản lao động thì công việc mới ổn định, đồng lương cũng khá. Em sẽ cố gắng sau quá trình đi lao động để tích lũy vốn, kinh nghiệm, kỹ năng và sau này về nước tự khởi nghiệp cho bản thân”.

Chau Rích cũng cho hay, bản thân nhận thấy nhiều anh chị là dân tộc Khmer cũng thành công với cách làm này, nên tự tin bản thân sẽ làm được. Ngoài ra, Chau Rích còn được đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng sống, tác phong làm việc… của nước sở tại nên an tâm bước đầu.

Dù tích cực hỗ trợ NLĐ đi nước ngoài làm việc, nhưng tỷ giá ngoại tệ giảm và sự cạnh tranh nguồn cung lao động của các nước nên đơn hàng tuyển dụng của doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế. Ngoài ra, tình trạng người dân đi XKLĐ tại các công ty chưa được thẩm định ngày càng nhiều, tiềm ẩn nhiều rủi ro…

“Chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu chính quyền địa phương quan tâm, đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc XKLĐ gắn với mục tiêu giảm nghèo tại địa phương. Đồng thời, nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp liên quan đến lĩnh vực XKLĐ để đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Qua đó, tạo động lực cho NLĐ địa phương thực hiện ước mơ xây dựng tương lai bằng con đường đi lao động nước ngoài” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tịnh Biên Lâm Văn Bá xác định.

THANH TIẾN