“Gia tài” của cựu chiến binh Phạm Nguyên Ngọ

19/03/2024 - 06:20

 - 78 tuổi đời, 53 tuổi Đảng, gia tài ông Phạm Nguyên Ngọ (phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, tinh An Giang) tích lũy được là 8 trang giấy A4 viết tay, ghi kín những khen thưởng, giải thưởng đã nhận và hàng loạt bằng khen, giấy khen treo trang trọng ở phòng khách.

Ông Phạm Nguyên Ngọ bên những chứng nhận từng đoạt giải cuộc thi

Tham gia kháng chiến, giữ trọn nhiệt huyết của một quân nhân, ông Phạm Nguyên Ngọ được nhận 5 giấy chứng nhận (dũng sĩ diệt Mỹ, diệt máy bay); được khen thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương chiến sĩ giải phóng 1, 2, 3; Huân chương chiến sĩ vẻ vang 1, 2, 3.

Cống hiến trong môi trường quân đội đến khi về hưu, ông lại được chính quyền địa phương tin tưởng, giao trọng trách Trưởng khóm, Bí thư Chi bộ khóm Bình Đức 4. Hơn 30 năm tiếp tục cống hiến, ông vừa giúp gia đình mình thoát nghèo, vừa vận động chỉnh trang địa bàn, nâng cao đời sống người dân.

Những thành tích thực tế mang lại cho ông nhiều phần thưởng của UBND TP. Long Xuyên trao tặng: “Gia đình nuôi con thành đạt”, “Người tốt việc tốt” (năm 2001), “Người công dân kiểu mẫu” (2002, 2007, 2012, 2016), “Đảng viên vượt khó, thoát nghèo” (2003), “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (2001, 2008, 2009, 2010, 2014…); thường xuyên được khen thưởng về thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh các cấp.

Tuổi cao, ông lần nữa “nghỉ hưu”, dừng tham gia ban nhân dân khóm. Nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc vai trò thành viên MTTQVN phường, trưởng ban liên lạc hưu trí phường, Câu lạc bộ cựu chiến binh Lữ đoàn 6 (Quân khu 9), hội cựu chiến binh phường…

Ông ghi dấu ấn về một cựu chiến binh tích cực, sinh hoạt trong tổ chức bằng tâm thế “chưa từng nghỉ hưu”. Thành tích của ông được nối dài bằng khen thưởng “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hội cựu chiến binh” (2010, 2023); “Chủ nhiệm câu lạc bộ phường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (2011); “Cựu chiến binh gương mẫu 5 năm” (2009 - 2014, 2014 - 2019); “Trưởng ban liên lạc hưu trí phường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” (2015, 2016).

Nhưng có lẽ, ấn tượng nhất là thành tích “viết lách” của ông. “Thời gian rảnh, tôi thường đến thư viện đọc sách, báo. Những kiến thức có được giúp tôi rất nhiều trong quá trình tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài tuyên truyền miệng, trong các hội nghị, tôi nghĩ đến việc viết bài tuyên truyền, tham gia nhiều cuộc thi viết trong và ngoài tỉnh. Năm 1998, lần đầu tiên tham gia, tôi đoạt giải nhì cuộc thi tìm hiểu về Chủ tịch Tôn Đức Thắng, do UBND tỉnh tổ chức. Năm 1999, tôi đoạt giải nhất cuộc thi tìm hiểu Công đoàn Việt Nam, Công đoàn An Giang. Kể từ đó, tôi bắt đầu “sự nghiệp” viết bài dự thi. Tôi viết rất nhiều. Mảng đề tài, cuộc thi nào tôi cũng đều nghiên cứu, tìm hiểu thật kỹ rồi chọn cách viết phù hợp” - ông kể.

Ông ước tính, bản thân đã viết trên 100 bài dự thi, từ tìm hiểu lịch sử, pháp luật, an toàn giao thông, sức khỏe vị thành niên, nông nghiệp, công an, quân đội, bảo vệ môi trường, học tập Bác, quyền trẻ em... từ cuộc thi cấp phường đến toàn quốc. Đáng ngạc nhiên, gần 70% bài viết mang lại thành tích cho ông. “Nhẹ nhất” là vào chung khảo cuộc thi cấp toàn quốc, còn đoạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích thì rất nhiều...

Điển hình, Giải nhì cuộc thi viết “Công an nhân dân vì sự bình yên cuộc sống” (năm 2005); giải 3 cuộc thi tìm hiểu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2007), khuyến khích (năm 2008); giải nhì cuộc thi tìm hiểu về đổi mới (Báo Nhân dân, năm 2000); giải nhì cuộc thi “30 năm đại thắng mùa Xuân” (Báo Đại đoàn kết, năm 2005); giải 3 cuộc thi tìm hiểu về biển đảo Việt Nam (năm 2005, 2011); giải khuyến khích cuộc thi tìm hiểu về Thăng Long Hà Nội (2010).

Ông chia sẻ “bí quyết” của mình: “Trước khi bắt tay vào viết bài, tôi đều cố gắng tìm hiểu tư liệu nhiều nguồn, kiểm chứng và chọn tư liệu chính thống, độ tin cậy cao nhất. Ngoài việc chính xác về nội dung, cần phải chỉn chu về mặt hình thức, tạo thiện cảm cho ban giám khảo. Có những bài viết, tôi thực hiện một mạch đến 250 trang, đính kèm hình ảnh minh họa phong phú, đa dạng. Những giải thưởng là niềm tự hào rất lớn của tôi, cũng là niềm vui tuổi già, là minh chứng cho con cháu nhìn theo, không ngừng phấn đấu trong học tập, làm việc”.

Kiến thức sâu rộng của người đảng viên, người cựu chiến binh chạm ngõ “bát thập” làm buổi chiều trò chuyện của chúng tôi trở nên lý thú vô cùng. Ông còn tặng tôi một quyển thơ “Cuộc sống và trái tim” (1 trong 5 tập thơ đã xuất bản của ông). Mấy trăm bài thơ được tập hợp thành một nhật ký đầy lửa nhiệt huyết: “Mẹ, cha sinh, Đảng cho ta hơi thở/ Biết phải làm gì vì Tổ quốc quê hương/ Suy nghĩ, việc làm và hành động/ Cuộc đời ta phải là một tấm gương/ Anh dũng, hiên ngang, bất khuất, kiên cường”...

GIA KHÁNH