“Hai vai” Bí thư Đoàn cấp xã kiêm Chính trị viên phó

25/04/2021 - 08:00

 - Hiện nay, đội ngũ Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) được giao kiêm nhiệm Chính trị viên (CTV) phó Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) cấp xã. Trong quá trình công tác, đôi lúc cán cân “kiêm nhiệm” này nghiêng sang công tác Đoàn. Người phụ trách “bỏ quên” nhiệm vụ CTV phó hoặc nếu có làm, không tránh khỏi khó khăn, lúng túng. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đi tìm câu trả lời: phải làm gì để cân bằng tốt “hai vai”?

Góp sức trẻ vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Để thực hiện bài viết, chúng tôi tìm gặp nhiều đồng chí Bí thư Đoàn cấp xã kiêm CTV phó Ban CHQS ở một số địa phương trong tỉnh An Giang, lắng nghe họ chia sẻ về những cách làm riêng có, những băn khoăn, trăn trở khi được giao nhiệm vụ “hai vai”. Ở vùng biên giới Lạc Quới (huyện Tri Tôn), bạn Lê Thị Quyền Trang (31 tuổi) tham gia công tác Đoàn từ thời học sinh, sinh viên, nên không hề bỡ ngỡ khi được tiếp tục giao nhiệm vụ cán bộ Đoàn. Từ năm 2014 đến nay, Trang là Bí thư Xã đoàn kiêm CTV phó Ban CHQS xã Lạc Quới.

“Khi mới tiếp cận công việc CVT phó, tôi dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu sâu về nhiệm vụ được giao, kết nối vai trò bí thư đoàn và CTV phó một cách hợp lý nhất. Vạn sự khởi đầu nan, không biết thì tôi đi hỏi, đi tìm hiểu, không được ngại khó, ngại không biết. Quá trình công tác, có thể đôi lúc còn vướng mắc, nhưng chính những vướng mắc ấy sẽ giúp tôi tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng đảm nhiệm công việc” – Trang chia sẻ.

Chính trị viên phó có trách nhiệm tổ chức giáo dục chính trị, pháp luật… cho lực lượng dân quân

Hiện nay, những nhiệm vụ của thủ lĩnh Đoàn Thanh niên được biết đến nhiều hơn, thông tin nhiều hơn so với nhiệm vụ của CTV phó. Trong khi đó, vai trò của CTV phó ở cơ quan quân sự cấp xã rất quan trọng, góp phần xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức. CTV phó Ban CHQS cấp xã thường phụ trách các hoạt động phong trào, nắm tư tưởng của lực lượng dân quân tự vệ và quân nhân dự bị; tổ chức giáo dục chính trị, pháp luật, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về quốc phòng- an ninh… và một số nhiệm vụ công tác Đảng, công tác chính trị theo phân công của cấp ủy, CTV. Bên cạnh đó, CTV phó cùng ban chỉ huy triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất và nâng cao chất lượng tuyển chọn, huấn luyện, quản lý lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Với những vai trò này, CTV phó Ban CHQS cấp xã cần được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn để làm tròn chức trách, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Bên cạnh đó, lực lượng dân quân thường trực ở Ban CHQS cấp xã chiếm số lượng lớn, đa phần trong độ tuổi thanh niên. Họ rất cần một người phụ trách chăm lo hơn nữa đời sống và định hướng tư tưởng để bản lĩnh chính trị ngày càng vững vàng hơn. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, người đó còn đóng vai trò là một người anh, người chị, người bạn để sâu sát, gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của lực lượng dân quân trẻ. Ở góc độ này, Bí thư Đoàn sẽ là người phù hợp hơn cả. Chính vì thế, mô hình kiêm nhiệm Bí thư Đoàn cấp xã – CTV phó Ban CHQS xã được kỳ vọng mang lại hiệu quả cao, đáp ứng tốt yêu cầu thực tế đặt ra.

Tham quan mô hình kinh tế kết hợp gặp gỡ thanh niên tiêu biểu trong sáng tạo khởi nghiệp

Theo anh Lê Thanh Tiền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn An Giang, thời gian qua tại An Giang, Bí thư Đoàn Thanh niên cấp xã kiêm CTV phó Ban CHQS địa phương hàng năm thực hiện nhiều nhiệm vụ thường xuyên. Đó là phối hợp với công an, hội liên hiệp phụ nữ, hội cựu chiến binh thực hiện hiệu quả Chương trình cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến trở nên tiến bộ (4 kèm 1), đối tượng là thanh niên sau cai trở về địa phương; phối hợp với Hội Cựu chiến binh và cấp ủy địa phương tổ chức các hoạt động du khảo về nguồn, nói chuyện truyền thống nhân các ngày lễ lớn. Phối hợp với Ban CHQS địa phương tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, hàng năm tổ chức lễ đón quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương và lễ tiễn thanh niên lên đường nhập ngũ.

Tìm hiểu và vận động giúp đỡ cho thanh niên nghèo trên địa bàn

Tổ chức các hoạt động dành riêng cho thanh niên

Ngoài ra, phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền về biển, đảo, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới cho đoàn viên thanh niên ở địa phương. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là học tập, nghiên cứu kỹ Luật Thanh niên 2020 và Luật Nghĩa vụ quân sự để triển khai cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng thanh niên. Tích cực tham gia các hội thi, hội diễn do ban CHQS huyện và xã tổ chức, đặc biệt là các hội thi CTV quân sự xã, phường. Phối hợp các đồn biên phòng tổ chức tuần tra biên giới, xây dựng các mô hình tuổi trẻ hướng về biên cương.

Phát huy vai trò của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

“Thực hiện tốt hai vai, vừa là Bí thư Đoàn Thanh niên và CTV phó Ban CHQS địa phương là một trong những hành động phát huy tốt vai trò của tuổi trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhìn chung, đồng chí Bí thư Đoàn Thanh niên kiêm CTV phó Ban CHQS địa phương thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, đã cùng với cấp ủy, chính quyền và Ban CHQS địa phương hoàn thành các nội dung về công tác lực lượng vũ trang địa phương thời gian qua” – anh Tiền thông tin.

Khi “vai” này bổ trợ cho “vai” kia

Trở lại câu chuyện của Lê Thị Quyền Trang, thời điểm được giao công việc kiêm nhiệm, Trang phải tìm hiểu một cách tổng quát trách nhiệm của CTV phó, xem mình sẽ quản lý những lực lượng nào, số lượng bao nhiêu, đặc thù của mỗi lực lượng là gì, đời sống của họ ra sao… Sau khi phân loại theo từng nhóm đối tượng, Trang bắt đầu tiếp cận với họ theo cách thức riêng, thể hiện sự quan tâm đến họ một cách rõ nét.

Tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng trong dân quân địa phương

Đặc thù về giới tính lại trở thành lợi thế của Trang, khi dễ chia sẻ, dễ tiếp cận với các đối tượng quản lý. Chị tuyên truyền trong cuộc họp, trong đời sống hàng ngày, từ tuyên truyền trực tiếp đến tận dụng mạng xã hội, từ bản thân trực tiếp tuyên truyền đến xây dựng lực lượng nòng cốt ở xã, ấp để tạo thành cánh tay nối dài đến tận thanh niên.

Trang (áo xanh) tích cực kết nối với các lực lượng thanh niên thông qua hoạt động thể thao

Đặc biệt, Trang nhận thấy, dù làm đồng áng, lao động tự do hay công chức nhà nước, mọi người đều dành thời gian thể thao vào chiều tối. Vậy là chiều chiều, chị đến sân bóng chuyền tự phát, đơn sơ ở địa phương, tham gia đánh bóng chuyền cùng mọi người, tạo mối quan hệ vui tươi, thân mật. Sau đó, chị tham mưu xây dựng sân bóng chuyền đẹp hơn ở từng ấp. Tương tự, chị tập hợp những đối tượng khác theo từng nhóm sở thích, tự quản… Dần dần, chị dễ dàng tập hợp họ vào các hoạt động Đoàn, quân sự địa phương.

Một hoạt động tuyên truyền được chị Linh thực hiện tại địa phương

Võ Thị Thùy Linh (31 tuổi, Bí thư Phường đoàn kiêm CTV phó Ban CHQS phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) lại có lợi thế khi đã từng đảm nhiệm vai trò Chỉ huy phó Ban CHQS phường trong 2 năm. Quãng thời gian ấy giúp Linh hiểu biết tương đối về quân sự địa phương. Đặc thù thanh niên ở địa bàn thành phố là thường đi học, đi làm, ít giao tiếp xã hội và tham gia các hoạt động ở địa phương. Vì vậy, rất khó huy động họ, chủ yếu là thanh niên tình nguyện, sinh viên trường đại học.

 “Đối với dân quân, cần có cách thức tập hợp phù hợp: chỉ tập trung mọi người vào các đợt huấn luyện, giảng bài định hướng tư tưởng định kỳ hàng năm, hàng tháng; tranh thủ sắp xếp hoạt động vào buổi tối để tránh ảnh hưởng công ăn việc làm của họ. Vai trò CTV phó đã giúp ích rất nhiều cho tôi khi tập hợp thanh niên, nhất là đối với thanh niên đã thi hành nghĩa vụ quân sự, dự bị động viên, dân quân tự vệ…, đảm bảo công tác đoàn đạt hiệu quả cao. Tôi thấy, chỉ cần điều chỉnh một chút giữa nghiệp vụ đoàn và nghiệp vụ CTV phó thì sẽ rất thuận lợi. Khi biết cách kết hợp, cả hai công việc sẽ bổ trợ cho nhau, dù nội dung chuyên môn hoàn toàn khác biệt” – Linh bày tỏ.

Có một sự tương đồng trong 2 nhiệm vụ, đó là đều quản lý tư tưởng và hoạt động liên quan đến thanh niên, kể cả thanh niên tham gia hoạt động Đoàn và thanh niên tham gia dân quân. Tập hợp thành công cả 2 lực lượng này sẽ góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quân sự của địa phương. Trần Thị Minh Ngọc (32 tuổi, Bí thư Xã đoàn kiêm CTV phó Ban CHQS xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) chia sẻ: “An Hảo có 3/8 ấp nằm trên núi Cấm, 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Mặt khác, địa phương thu hút khách xa gần nhờ mô hình du lịch tâm linh ở núi Cấm. Chính những điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc tập hợp và nắm bắt tư tưởng của thanh niên trên địa bàn, nhất là khi tôi chỉ mới đảm nhận nhiệm vụ cách đây 5 năm. Sau các đợt tập huấn nghiệp vụ CTV phó, tôi dần nâng cao kỹ năng giảng bài, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, tham mưu kịp thời cho CTV, Chỉ huy trưởng về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác Đảng. Phối hợp huy động cả hai lực lượng của Đoàn và Ban CHQS xã, chúng tôi đã thực hiện nhiều công trình, phần việc tại địa phương, giúp người dân thụ hưởng cuộc sống tốt hơn. Ban CHQS xã cũng được đánh giá trong top 3 dẫn đầu toàn huyện từ năm 2017 đến nay”.

Khó ở đâu, gỡ ở đó

Chau Sóc Khưm (31 tuổi, Bí thư Xã đoàn kiêm CTV phó Ban CHQS xã An Cư, huyện Tịnh Biên) dường như luôn đủ năng lượng để hoạt động hết mình, khẳng định “thương hiệu” của bản thân: một cán bộ Đoàn, đảng viên trẻ người dân tộc thiểu số Khmer tiêu biểu. Hàng năm, anh đều được Ban Thường vụ Huyện đoàn Tịnh Biên đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều bằng khen của các cấp từ cấp huyện, tỉnh và Trung ương đoàn. Với vai trò CTV phó, anh tham mưu tốt cho CTV về công tác Đảng, công tác chính trị, củng cố tốt các hồ sơ kiểm tra về công tác này. Từ đó góp phần vào công tác thi đua cuối năm, Ban CHQS xã được đánh giá nằm trong top đầu phong trào thi đua quyết thắng của Ban CHQS huyện Tịnh Biên.

Song song với những công việc đã thực hiện tốt, anh vẫn còn một số trăn trở khi gánh “hai vai”: “Việc sắp xếp cân đối công việc để thực hiện 2 nhiệm vụ cùng một lúc đôi khi còn gặp rất nhiều khó khăn. Có những thời điểm, chế độ hội họp, các hoạt động chuyên môn của 2 ngành dọc trùng nhau. Cá nhân tôi không thể nào đảm bảo tham gia đầy đủ, trong khi cả 2 nhiệm vụ đều có tính chất quan trọng như nhau. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm ở 2 công việc này thì bản thân tôi thấy rằng, mỗi cán bộ cần phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện và nghiên cứu trong từng các mặt công tác, luôn tích cực nắm chắc quan điểm chỉ đạo của các ngành, các cấp. Đặc biệt, với vai trò là CTV phó, cần nắm vững địa bàn công tác đề tham mưu, đề xuất và giúp CTV, Chỉ huy trưởng Ban CHQS cấp xã lập kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã”.

Hiện nay, Bí thư Đoàn cấp xã kiêm CTV phó Ban CHQS xã được phân công tham gia sinh hoạt Đảng tại Chi bộ quân sự xã. Kết quả công tác cuối năm của cá nhân sẽ được đánh giá toàn diện ở cả hai vai trò. Điều này, góp phần nhấn mạnh vai trò CTV phó, làm giảm đi phần nào sự lơ là, thiếu sâu sát hoặc quá nghiêng về công tác đoàn. Từ kinh nghiệm của mình, chị Võ Thị Thuỳ Linh, Bí thư Phường đoàn kiêm CTV phó Ban CHQS phường Đông Xuyên, chia sẻ: “Dù khó đến đâu, vất vả đến đâu, tôi cũng phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công. Nếu không thể “phân thân” cho nhiều hoạt động trùng thời điểm, thì phải biết cách sắp xếp thời gian, lịch làm việc khoa học nhất có thể. Đồng thời, đặt mình vào vị trí phù hợp, biết phân vai khi nào làm bí thư đoàn, khi nào làm CTV phó. Để làm tốt cả hai nhiệm vụ, cần gắn kết chúng lại với nhau, không trọng bên nào, bỏ bên nào. Lúc ấy, mọi công việc đều được giải quyết hết sức nhẹ nhàng, khoa học, hiệu quả”.

Bí thư Đoàn – Chính trị viên phó phải thực hiện hài hòa các đầu công việc

Trung tá Võ Văn Cang, CTV phó Ban CHQS huyện Tri Tôn, cho biết: “Để làm tốt “hai vai” này, bản thân Bí thư Đoàn – CTV phó phải có tinh thần nhiệt huyết, tự tìm tòi học hỏi về chuyên môn nghiệp vụ, liên hệ chặt chẽ với Ban CQHS địa phương để phát huy tối đa vai trò CTV phó. Bên cạnh đó, sự tạo điều kiện, thấu hiểu và hỗ trợ của cấp uỷ đảng, chính quyền, CTV và chỉ huy trưởng là rất cần thiết. Có như thế, Bí thư Đoàn – CTV phó mới yên tâm hoạt động hài hoà cả hai mảng công việc. Cùng với tạo điều kiện hoạt động là sự quan tâm khen thưởng, khích lệ tinh thần kịp thời, làm động lực phấn đấu tiếp tục cho các đồng chí”.

Anh Lê Thanh Tiền, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn An Giang nhìn nhận: “Cái khó hiện nay khi thực hiện mô hình “hai vai” nằm ở chỗ, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng nên việc cập nhật kiến thức quốc phòng – an ninh cho nhóm đối tượng này bị hạn chế. Mặt khác, cán bộ Đoàn ở cơ sở thường xuyên được luân chuyển công tác, ít nhiều tác động đến hiệu quả công tác của đội ngũ đảm nhiệm nhiệm vụ. Thời gian tới, rất mong các ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để Bí thư Đoàn Thanh niên kiêm CTV phó Ban CHQS địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”.

Những nhân vật Bí thư Đoàn kiêm CTV phó Ban CHQS cấp xã tôi có dịp gặp gỡ đều rất tâm huyết với công việc được giao, dù nam hay nữ, dù ở thành thị hay nông thôn, dù thuộc dân tộc Kinh hay dân tộc thiểu số. Trong quá trình công tác ở cương vị hiện tại, họ đã truyền lửa cho phong trào đoàn và công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác đảng trong cơ quan quân sự cấp xã. Họ đã trả lời cho câu hỏi tôi đặt ra ở đầu bài viết: phải làm gì để cân bằng tốt “hai vai”? Tôi kỳ vọng, những kinh nghiệm quý báu, những băn khoăn trăn trở được nêu sẽ giúp nhóm đối tượng Bí thư Đoàn – CTV phó ở các nơi khác có thể nghiên cứu, áp dụng. Để từ đó, cán cân này sẽ không còn lệch nữa, đội ngũ CTV phó Ban CHQS cấp xã sẽ thật sự phát huy hiệu quả, năng lực công tác, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH