“Hộp cơm tình thương”

01/12/2021 - 06:11

 - Hơn 1 năm nay, “Bếp cơm chay 0 đồng” của bà Dương Thu Đông (khóm 7, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) luôn đỏ lửa. Mỗi ngày, nơi đây cung cấp hàng ngàn suất ăn chay miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Nhất là trong lúc dịch bệnh COVID-19, bếp ăn đã duy trì hỗ trợ người dân ở các khu cách ly, khu phong tỏa từ TP. Long Xuyên đến huyện Chợ Mới…

Là đầu bếp chuyên nấu món ăn chay, bà Dương Thu Đông thường xuyên có mặt phục vụ nấu ăn vào các dịp lễ, ngày rằm ở các chùa trong tỉnh. Đầu năm 2020, có được ít vốn, bà Đông thuê mặt bằng và nhân công mở quán chay 5.000 đồng tại phường Mỹ Long. Dù có ý định kinh doanh, nhưng với quán chay này, bà Đông còn muốn hỗ trợ những bữa cơm chay có giá rẻ cho thực khách, san sẻ phần nào cho những người lao động khó khăn.

“Do giá thuê mặt bằng cao, thêm chi phí nhân công, mà món ăn của quán dù giá chỉ 5.000 đồng/phần nhưng tôi vẫn cố gắng làm thật ngon, đầy đủ dinh dưỡng, nên hầu như tháng nào cũng bù lỗ hơn 10 triệu đồng. Bởi vậy, sau 7 tháng hoạt động, quán cơm chay 5.000 đồng phải tạm ngưng. Không làm cũng bứt rứt, thấy nhiều người dân còn khó khăn nên tôi phát tâm mở “Bếp cơm chay 0 đồng” với mong muốn trao gửi hộp cơm tình thương đến với bà con” - bà Dương Thu Đông chia sẻ.

“Bếp cơm chay 0 đồng” của bà Đông (thường được gọi là cô Bảy Diệu Xuân) hoạt động từ tháng 7-2020 cho đến nay vẫn chưa một ngày ngơi nghỉ. Ban đầu, số lượng cơm mỗi ngày phát từ 300-400 hộp, sau đó nhiều người biết đến thì số lượng tăng đến 1.000 hộp/ngày. Cơm được phát tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Long Xuyên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số dạo, người làm bảo vệ có thể đến tận nơi để nhận cơm miễn phí. Vào thời điểm người dân lao động ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương… quay trở về, mỗi ngày “Bếp cơm chay 0 đồng” của bà Đông phục vụ từ 2.000-3.000 hộp cơm cho người dân ở các khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn tỉnh.

Thấy công việc ý nghĩa của bà Đông, nên nhiều người dân ở địa phương, bạn bè quen biết đã chung tay hỗ trợ. Người có điều kiện hơn sẽ ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm để nấu ăn, không thì đăng ký phụ làm tại bếp ăn. Số lượng cơm mỗi ngày phải nấu rất nhiều, nên công việc tại bếp ăn cũng bận rộn từ 5 giờ sáng đến chiều tối mới xong việc. Nào là sơ chế rau củ, nấu ăn, vô hộp, vô bọc lớn để xe tải đến nhận… Dù mỗi người một việc, nhưng cũng loay hoay làm từ sáng đến chiều tối. Hiện, mỗi ngày có khoảng 8 tình nguyện viên tham gia cùng “Bếp cơm chay 0 đồng”.

Thời điểm phục vụ 2.000-3.000 suất cơm, mỗi ngày có khoảng 20 tình nguyện viên đồng hành, san sẻ công việc cùng bếp cơm này. Tuy chỉ nấu cơm chay nhưng công việc không ít, các nguyên liệu phải đảm bảo tươi ngon, từ sơ chế đến bảo quản, mỗi người phụ trách một việc. Đa phần, các tình nguyện viên của bếp cơm là những cô, chú lớn tuổi. Làm nhiều tất nhiên phải mệt, nhưng chẳng bao giờ nghe một câu than vãn, nề hà. Bà Trịnh Thị Phước (tình nguyện viên tại bếp ăn), cứ 5 giờ sáng là có mặt tại bếp để cùng với mọi người chế biến, nấu nướng đồ ăn. Loay hoay làm việc, đến 5 giờ chiều mới ngơi việc về nhà. “Thời điểm này, ai cũng khó khăn, đi làm việc từ thiện như vậy mà vui. Công chuyện ở nhà cố gắng vun vén sớm chút là được. Những ngày nấu nhiều suất ăn, tuy mệt nhưng mà vui nhiều hơn” - bà Phước bày tỏ.

Vì muốn có được mặt bằng rộng rãi để nấu ăn, dễ cho người dân tới nhận cơm mỗi ngày mà bà Dương Thu Đông thuê luôn mặt bằng để mở “Bếp cơm chay 0 đồng”. Tính luôn tiền điện, nước, tiền nước đá ướp đồ ăn, tiền than để nấu… gộp chung khoảng 20 triệu đồng/tháng. Đó chỉ là phần cứng, còn nguyên liệu nấu ăn, phần nào được ủng hộ sẽ đỡ phần đó, còn lại vẫn phải chi tiền mua. Để vận hành bếp cơm chay từ thiện, đó là sự cố gắng rất nhiều của bà Đông và tình nguyện viên. Bên cạnh đó là sự trợ lực đến từ các nhà hảo tâm đã ủng hộ kinh phí, nguyên liệu để nấu những bữa cơm chay ngon gửi đến người dân khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh; tiếp sức với các địa phương chăm lo cho người dân ở các khu cách ly, khu phong tỏa.

Dù còn nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động nhưng bà Dương Thu Đông vẫn cố gắng từng ngày, trên tinh thần ủng hộ tới đâu sẽ làm tới đó, không phụ những tấm lòng các nhà hảo tâm đã gửi gắm.

Ban đầu, khi mở “Bếp cơm chay 0 đồng”, bà Đông mong muốn có thể lan tỏa những món ăn chay ngon đến tất cả mọi người, từ người ăn chay đến người ăn mặn. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, những suất ăn chay này đã san sẻ phần nào khó khăn của người dân. Bà Đông chỉ mong thời gian tới sẽ có thêm nhiều nhà hảo tâm cùng chung tay với bếp ăn từ thiện để tiếp tục giúp no lòng những hoàn cảnh khó khăn.

 

ÁNH NGUYÊN