“Hương lục bình đọng mãi trong tôi!”

28/04/2021 - 05:31

 - “Đời bềnh bồng xuôi con nước nhấp nhô/ Mặc ngày tháng đẩy xô theo sóng bạc/ Bởi tên em chỉ là loài hoa dại/ Hương lục bình còn đọng mãi trong tôi”. Là loài hoa nở vào mùa hè nhưng có thể vì cái sự lênh đênh, bất định của nó mà lục bình không được người ta nhắc nhiều như những chùm phượng vĩ đỏ rực hay sắc tím mộng mơ của bằng lăng. Thế nhưng, những bông hoa lục bình không còn xa lạ với nhiều người, mỗi lần bắt gặp chúng ở đâu đó, nó lại gợi nhớ cả một miền quê trong ký ức!

Sắc tím hoa lục bình

Chính sự mộc mạc, dân dã và bồng bềnh cùng sông nước, lục bình mang đến nhiều cảm xúc cho nhiều thi sĩ. “Lục bình ai thả trôi sông/Mà sao tím cả mấy dòng sông quê/Xa nhà xa mấy triền đê/Mà nghe thương nhớ lối về mênh mông” hay “Lênh đênh con nước triều dâng/ Bềnh bồng xuôi dạt xót thân lục bình/ Lá màu xanh biếc lung linh/ Hoa tim tím nhớ gợi tình thủy chung”. Hoa lục bình nở vào độ tháng 4. Loài hoa có sắc tím thân thương, mang nét đẹp của sự thủy chung nhưng đượm chút ưu buồn.

Hoa tuy đẹp, nếu đặt cạnh hoa sen hay hoa súng trong ao hồ thì hoa lục bình chưa chắc đã kém sắc. Song, sắc đẹp của loài hoa trôi dạt ấy khá trống vắng, “sớm nở, tối tàn”. Hoa dẫu đẹp nhưng người yêu hoa không nỡ hái. Đôi khi chỉ là được nhìn ngắm mấy bụi lục bình xanh um đang vào mùa nở hoa làm tím cả khúc sông, nối đuôi nhau trôi liu riu theo con nước vô tình, vậy mà lại khiến lòng người buồn man mác!

Thế là, mỗi độ hoa lục bình nở, từng con sông, rạch, ao hồ như được khoác lên mình một tấm áo mới. Hoa có sức sống mãnh liệt, chỉ cần được cắm rễ xuống nước, chẳng mấy chốc cả ao hồ đặc một màu xanh tươi mát. Dù không được ca ngợi như nhiều loài hoa khác, nhưng lục bình đã trở thành một hình ảnh không thể quên trong ký ức nhiều người, nhất là lứa được gọi là 8X, 9X như chúng tôi. Ngày đó, những chuyến về quê ngoại nghỉ hè của chị em tôi đơn giản là được thỏa thích vui đùa cùng mấy đứa nhỏ trong xóm. Nào là ô ăn quan, nhảy dây, cò chẹp, cất nhà chòi… Mà hễ cất nhà chòi là phải cử một đứa biết bơi, xuống cây cầu ở mé sông hái mấy cọng lục bình, có hoa càng tốt.

Cọng lục bình được mặc định là thức ăn trong buổi chơi nhà chòi. Còn hoa lục bình để mấy cô bé điệu cài tóc, hay cầm tay chơi trò “cô dâu, chú rể”. Vậy đó, ngày nào chơi xong cả đám cũng để lại bãi “chiến trường” cho người lớn thu dọn. Còn lục bình thì nằm rải rác khắp nơi. Trò chơi trẻ con vậy thôi, mỗi lần nhớ lại cũng làm ta bật cười, muốn xin lắm “một vé đi về tuổi thơ”!

Giờ thì, lục bình còn mang đến rất nhiều công dụng, là nguyên liệu có giá trị cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, . Ngày xưa, vì sự sinh sôi nhanh của lục bình, người dân quê vẫn thường đau đầu, lo ngại đám lục bình ngăn dòng nước, ảnh hưởng kênh, rạch. Rồi hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình ra đời, như: nón, giỏ, túi xách, ghế, thảm… không những "giải bài toán" trên mà còn tạo thêm công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi vùng quê. Mà sản phẩm mỹ nghệ từ lục bình được thị trường ưa chuộng và đón nhận, không chỉ vì sự độc, lạ mà còn vì sự thân thiện, gần gũi với thiên nhiên. Cọng lục bình trôi sông giờ đã được nâng tầm, thành sản phẩm thiết thực, vừa để trang trí, vừa là vật hữu dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Không những thế, cây lục bình non, hoa lục bình ngọt mát có thể ăn được, người dân ở nhiều nơi thường dùng để chế biến nhiều món ngon. Bông lục bình vào giữa mùa mưa tươi tốt, dài độ 2 gang tay, cọng rất mềm, tách nhẹ là đã rời khỏi cuống. Hái phần non ấy về, giũ sạch từng bông phòng có sâu bọ, côn trùng, rửa sạch là có thể mang chế biến với món ăn tùy thích. Bông lục bình không mùi, vị ngọt thanh nên ai cũng có thể ăn được. Nào là lục bình ngâm nước muối bóp nhẹ, để ráo ăn kèm với rau thơm kèm nước chấm.

Hay làm món ngó lục bình xào tép, gỏi lục bình, hoa lục bình xào thịt bò, canh chua bông lục bình hay đơn giản chỉ là lục bình non chấm cá kho. Món ăn dân dã ấy chưa chắc nhiều người ở phố thị đã biết. Nhưng từ lâu, lục bình đã là món ăn dân dã trong các mâm cơm thường ngày của bà con ở miệt vườn. Nó còn được dùng làm những món độc đáo, bên cạnh những thứ “hương đồng cỏ nội”, như: bông súng, ngó sen, tai tượng.

Như với món lục bình xào tép đồng, trước hết phải chọn ra những cọng lục bình non tơ mơn mởn, cắt ra từng khúc dài, rửa sạch xong bóp cho ráo nước. Tép đồng tươi mang ướp với hành, tiêu, tỏi, nước mắm rồi xào. Sau đó, cho lục bình đã sơ chế vào, tiếp tục xào cho thật đều và nêm nếm trước khi bắc xuống bếp. Đừng để cọng lục bình chín quá sẽ mất ngon. Cọng lục bình vừa mềm, vừa thơm ngon, vị lại ngọt, tính mát và có mùi đặc trưng ăn với vị ngọt của tép đồng cùng chén nước mắm cay nồng sẽ là món ăn bắt cơm của nhiều gia đình!

Lênh đênh, mộc mạc là vậy nhưng lục bình vẫn rất hữu dụng nếu như biết tận dụng. Lục bình có thể ra phố với hình hài đồ thủ công mỹ nghệ hay dân dã trên mâm cơm quê với những món xào, nấu đơn giản. “Về miền Tây ngắm cánh lục bình/ Bông hoa tim tím mỏng xinh xinh/ Lững lờ trôi nổi theo dòng nước/ Mơn man gió thổi cánh rung rinh” - lục bình là vậy, bao đời vẫn rất mộc mạc, dân dã.

PHƯƠNG LAN