“Khoác lên mình màu áo xanh hằng mơ ước…”

12/10/2022 - 07:18

 - Khi tôi viết những dòng này, các tân sinh viên bắt đầu làm quen môi trường mới tại nhà trường, học viện quân sự. Các bạn đã rời xa quê hương An Giang, xa đồng đội, xa gia đình, tự mình tạo ra con đường trưởng thành, lập thân, lập nghiệp.

Trạng (bìa trái) và Thẳng được nhận khen thưởng của Ban Chỉ huy Trung đoàn 892

Nguyễn Thanh Sơn (sinh năm 2004, ngụ ấp Đông Thuận, xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) sinh ra trong gia cảnh không quá khó khăn, nhưng chưa được xem là dư dả. Ngày ngày, Sơn và em gái đi học, rồi trở về trong căn nhà tiền chế chỉ vừa đủ đặt một chiếc giường. Vách nhà được “trang trí” bằng đủ loại giấy khen của 2 anh em. Mọi sinh hoạt gia đình trông đợi vào mấy công đất ruộng và nghề giăng lưới của ông Nguyễn Văn Dũ (sinh năm 1978, cha Sơn).

Một ngày, căn nhà nhỏ bỗng rộn niềm vui khi hay tin Sơn trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị ở TP. Hà Nội, số điểm 27,3. Chàng trai chưa từng xa nhà một mình, nay sắp đi xa nhiều năm trời. Soạn đồ cho con, bà Trần Mỹ Xuyên (sinh năm 1981) cười mà nước mắt lưng tròng. Bà thương con trai sẽ vất vả khi thiếu vắng sự chăm sóc của cha mẹ, sợ con không quen ngồi máy bay…

“Hồi nhỏ đến giờ, Sơn chỉ lo học, chưa từng làm chuyện gì nặng nhọc. Ngồi xe đò xuống TP. Long Xuyên, Sơn cũng bị say xe. Bởi vậy chuyến này, tôi mua mấy trăm ngàn tiền thuốc, bỏ sẵn trong ba-lô…” - bà Xuyên chia sẻ bằng tâm tình khó tả của người mẹ lần đầu xa con.

Nhưng “nhân vật chính” vẫn rất thoải mái. Đối với Sơn, chuyện trúng tuyển nằm trong dự tính của bạn. “Mấy năm trước, tôi xem ti-vi, mạng internet, thấy các anh bộ đội ra sức bảo vệ Tổ quốc, dầm mưa dãi nắng giúp dân, tôi rất cảm mến. Dần dần, tôi muốn mình trở thành một người lính như thế. Tôi bắt đầu chuyên tâm học hành, mua sách về tự học ở nhà. Đầu năm lớp 12, tôi học xong toàn bộ chương trình Toán, Lý, Hóa cơ bản của THPT. Sau đó, tôi lên mạng luyện đề, giải bài tập nâng cao, chứ không có điều kiện đi học thêm hay luyện thi với thầy cô” - Sơn cho biết.

Sơn diễn tả quá trình học tập “nhẹ nhàng” vậy thôi, chứ nỗ lực phi thường của bạn nằm ở các dấu mốc: Giai đoạn THPT, điểm trung bình các môn cả năm chưa từng dưới 9,2. Năm lớp 11, Sơn đạt giải 3 học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh. Năm lớp 12, Sơn tiếp tục đạt giải 3 học sinh giỏi môn Toán cấp tỉnh, nhưng ở lĩnh vực máy tính cầm tay. Vừa thi tốt nghiệp THPT xong, Sơn nhẩm tính, biết chắc mình đủ điểm đậu đại học, cứ thế bình tâm chờ… giấy báo trúng tuyển, trong khi cha mẹ lo lắng không yên.

Trung tá Đinh Văn Nhanh (Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Phó trưởng ban Thường trực Ban tuyển sinh Quân sự huyện Tịnh Biên) tự hào: “Năm 2022, toàn huyện có 43 học sinh xét tuyển vào các trường, học viện quân sự, kết quả 12 em trúng tuyển, số lượng đứng đầu tỉnh. Chúng tôi hỗ trợ các em từ khâu đăng ký sơ tuyển, khám sức khỏe, thẩm tra, xác minh lý lịch; hỗ trợ chi phí tàu xe, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em về trường nhập học. Kỳ vọng rằng, đây sẽ là những nhân tố ưu tú của ngành quân đội sau này, góp phần xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc”.

Rời xã Thới Sơn anh hùng, chúng tôi đến Tiểu đoàn 511 (Trung đoàn Bộ binh 892, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) để gặp gỡ Trần Văn Thẳng và Nguyễn Huỳnh Trạng (cùng sinh năm 2002). Cả 2 xin phép đơn vị không thi hành nghĩa vụ quân sự nữa, do bận… đi học ở Hà Nội. Kỳ tuyển sinh quân sự vừa rồi, Thẳng trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Chính trị với điểm số 30,25; còn Trạng trở thành học viên của Học viện Biên phòng với điểm số 28,5.

Thiếu tá Phan Văn Sơn (Chính trị viên phó Tiểu đoàn 511) cho biết: “Thành tích này là nỗ lực vượt bậc của 2 quân nhân, đồng thời là niềm tự hào của đơn vị. Điểm số cao giúp Thẳng xếp thứ 4 danh sách trúng tuyển của Quân khu 9. Còn Trạng, đã từng đậu đại học, nhưng không trúng tuyển ngành quân đội như mơ ước nên đăng ký thi hành nghĩa vụ quân sự. Trong quân ngũ, Trạng phấn đấu ôn luyện, thi lần thứ 2 đạt kết quả cao. Mong rằng, từ đà cố gắng này, các đồng chí tiếp tục giữ thành tích tốt ở trường, về sau trở thành sĩ quan vừa hồng vừa chuyên. Thành tích này là động lực cho các chiến sĩ khác noi theo, nếu có nguyện vọng phát triển thành sĩ quan”.

Trời mưa như trút nước, còn lòng người vui như mở hội. Chờ con thực hiện thủ tục, chính sách trước khi lên đường nhập học, ông Nguyễn Văn Trung (ngụ xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên, cha Nguyễn Huỳnh Trạng) tự hào: “Tôi chỉ có nghề làm thuê, hiểu biết ít ỏi. Thấy con đam mê ngành bộ đội, tôi động viên con ráng học. Khi thi trượt Học viện Biên phòng năm rồi, con buồn muốn khóc. Tôi lại tiếp tục động viên con, hoặc là học đại học ngành khác, hoặc tiếp tục thi năm sau. Năm nay, con đậu rồi, con vui một, tôi vui tới mười”.

Cuộc trò chuyện với các nhân vật diễn ra chóng vánh, vội vã, nhường thời gian để các bạn kịp “hành quân” ra Hà Nội nhập học. Chỉ có cảm xúc vui tươi còn đọng lại trong lòng nhau. Trên cánh cửa nhà - cũng là tấm bảng học tập của Sơn - vẫn còn dòng thơ do bạn tự sáng tác, như lời nhắn gửi chính mình và người thân: “Khoác lên mình màu áo xanh hằng mơ ước/ Dẫu rằng con đường phía trước đầy chông gai/ Anh quyết cố gắng luyện rèn đức, tài/ Dẫu ngày thao trường có nhiều vất vả/ Lòng anh vẫn một ý chí sắt đá”.

Năm 2022, An Giang đăng ký sơ tuyển 225 thí sinh vào các trường, học viện quân sự. Kết quả, 54 thí sinh trúng tuyển, tỷ lệ 24%. Ngoài huyện Tịnh Biên đứng đầu với 12 thí sinh trúng tuyển, các địa phương còn lại trong tỉnh có từ 2-7 thí sinh đậu vào các trường quân sự.

GIA KHÁNH