“Ký lúa khuyến học”

16/09/2024 - 08:37

 - Để có nguồn lực phục vụ cho hoạt động khuyến học, năm 2012, Đảng ủy xã Tân An, Tân Thạnh (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) tổ chức họp, xin ý kiến Nhân dân thực hiện chủ trương, vận động mỗi hộ có đất sản xuất đóng góp 1kg lúa, tạo nguồn quỹ cho công tác khuyến học. Chủ trương này được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

“Ký lúa khuyến học” trở thành sáng kiến độc đáo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân ở xã Tân An, Tân Thạnh (TX. Tân Châu). Qua 12 năm thực hiện, Nhân dân ở 2 địa phương này, đóng góp vào Quỹ Khuyến học được 132 tấn lúa - con số không hề nhỏ. Ông Hà Văn Ân (Tổ trưởng Tổ thường trực rút úng vùng bao Tân An, Tân Thạnh) cho biết, số lúa do Nhân dân đóng góp được quy đổi thành tiền để chăm lo cho công tác khuyến học, tiêu biểu là hoạt động “Tiếp bước đến trường” ở mỗi đầu năm học mới.

Nhờ có sự đóng góp tự nguyện của Nhân dân, bình quân mỗi năm, 2 địa phương này có được 54 triệu đồng để mua quần áo, tập, sách, cặp cho các em. Năm học mới 2024 - 2025, xã Tân An có 62 em được “Tiếp bước đến trường” và Hội Khuyến học xã vận động và tặng 2.900 cuốn tập cho 4 điểm trường trong xã.

“Ban Điều hành rút úng vùng bao Tân An, Tân Thạnh là tổ chức được phân công tiếp nhận số lúa Nhân dân đóng góp. Hàng năm, số lúa này được quy đổi thành tiền, giao lại cho hội khuyến học 2 xã. Đây là hình thức tạo nguồn quỹ hỗ trợ các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường” - Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Nguyễn Văn Rượu chia sẻ.

Số lúa trên cũng là “vốn mồi” để hàng năm, các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn vận động các nhà hảo tâm, đóng góp thêm cho hoạt động khuyến học. Với cách làm này, dịp khai giảng năm học vừa qua, xã Tân An đã vận động trên 100 triệu đồng hỗ trợ cho công tác khuyến học.

“Nếu không có sự giúp đỡ của cô, bác là chủ ruộng, em sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Em quyết tâm học giỏi để không phụ lòng cô, bác đã góp lúa cho em đi học. Em sẽ mang kiến thức của mình học được phục vụ quê hương, đền đáp công ơn của cô, bác…” - em Võ Thị Ngọc Như (học lớp 5, Trường Tiểu học “B” Tân An) chia sẻ.

Thăm hỏi gia đình các học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Hội Khuyến học xã Tân An hiện có 13 chi hội khuyến học, trong đó 4 chi hội trường học, 2 chi hội tôn giáo, 7 chi hội ấp, với 3.830 hội viên. Xã có 2.782/3.305 gia đình học tập, toàn xã có 3 dòng họ học tập. Con em của các dòng họ học tập, phần lớn đều học thành tài, quay về phục vụ cho sự phát triển của quê hương.

“Ký lúa khuyến học” mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trên nhiều phương diện. Trước mắt, chủ trương này đã khơi gợi tinh thần “Tương thân tương ái”, giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Mỗi người dân đều có thể góp một phần nhỏ của mình để tạo nên những điều lớn lao cho xã hội…” - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân An Trần Thị Ánh chia sẻ.

“Ký lúa khuyến học” đã tạo thêm nguồn lực cho hội khuyến học ở cơ sở để tiếp tục chăm lo các học sinh, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bỏ học giữa chừng hoặc không được đi học vì nghèo khó. “Đây là chủ trương phù hợp với ý Đảng, lòng dân nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao. Quá trình thực hiện, thông tin thu, chi được công khai, minh bạch nên Nhân dân rất tin tưởng…” - ông Tạ Thanh Phiên (Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã nông nghiệp Tân Hậu A2, xã Tân An) bày tỏ.

Xã Tân An, Tân Thạnh là những địa phương thực hiện hiệu quả phong trào khuyến học. Từ sau 1975 đến nay, đã có nhiều học sinh ở 2  địa phương này học thành tài, quay về phục vụ cho sự phát triển của quê hương như trường hợp ông Trần Thiện Hiếu, hiện là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân An hiện nay.

“Ký lúa khuyến học” trở thành một sáng kiến độc đáo của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân ở xã Tân An, Tân Thạnh. Sáng kiến này cần được nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh, nhằm tạo nguồn lực cho hoạt động khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, góp phần nâng cao nguồn nhân lực, phục vụ quá trình hội nhập của tỉnh.

MINH HIỂN