“Lạm bàn” về văn hóa ngày Tết

16/01/2020 - 21:24

 - Chỉ dăm ba hôm nữa đến đến Tết Nguyên đán, cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Từ bao đời, Tết cổ truyền đã mang đến một nét đẹp văn hóa, in sâu vào tâm thức bao thế hệ người Việt. Nói đến văn hóa ngày Tết sẽ có rất nhiều, song ở đây, chúng tôi chỉ “lạm bàn” đôi điều về nét đẹp văn hóa trong mỗi độ Tết đến, thôi thúc bao người con xa quê cứ “đau đáu” nhớ về!

Nói đến phong tục, văn hóa ngày Tết thì tảo mộ trở thành nét đẹp truyền thống. Không chỉ răn dạy con người nhớ về nguồn cội, sống hiếu nghĩa với cha mẹ, thuận hòa với anh em, người thân, mà còn phải có trách nhiệm với cộng đồng, tình làng nghĩa xóm.

Tảo mộ trước Tết vì vậy mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng trải dài trên khắp mọi miền đất nước và mang tính dòng tộc rõ nét. Tảo mộ - trước nhất là để tưởng nhớ về những người đã khuất trong dòng họ như: ông bà, cha mẹ, anh chị em.

Đặc biệt, với những dòng tộc lớn thường có những ngày tảo mộ được quy định rất cụ thể. Thường thì tảo mộ được bắt đầu từ 20 tháng Chạp đến chiều 30 Tết. Những ngày này, người đi tảo mộ sẽ chung tay dọn dẹp, sửa sang, quét dọn các phần mộ của dòng tộc, gia đình.

Nào là phát hoang cỏ dại, nào là lau chùi sạch sẽ. Về quê tảo mộ mỗi dịp xuân vì thế đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đó cũng là thể hiện tình cảm hướng về nguồn cội, bởi “con người có tổ tông, như cây có cội như sông có nguồn”.

Nói về tục tảo mộ trước Tết, bà Nguyễn Thị Thêu (67 tuổi, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành, An Giang) chia sẻ: “Ngày 21 tháng Chạp, gia đình tôi bắt đầu đi tảo mộ. Hôm đó, anh em, các cháu tụ về, mỗi người mang một vật dụng như: chổi, nước, bàn chải, khăn lau… để làm sạch các phần mộ. Tảo mộ không quan trọng phải là mâm cao cổ đầy, quan trọng chính là tấm lòng của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Dù bận thế nào, tôi vẫn thường nhắc nhở con cháu nhớ ngày tảo mộ của gia đình để về thể hiện tấm lòng với tổ tiên ở nơi vĩnh hằng!”.

Lì xì, mừng tuổi đầu năm là một nét đẹp văn hóa có từ lâu đời của Tết Việt

Tảo mộ xong, bữa cơm tất niên quây quần cùng gia đình là nét đẹp văn hóa trong ngày 30 Tết có lẽ được nhiều người mong chờ nhất. Bởi, cúng tất niên là dịp để con cháu tri ân tổ tiên đã phù hộ cho mình trong năm qua làm ăn, học hành tấn tới. Đó là thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Bữa cơm tất niên còn là bữa cơm họp mặt cuối cùng của mọi người trong năm cũ, cùng ôn lại những vất vả, vui buồn của năm qua, chuẩn bị bước sang năm mới tràn đầy hy vọng mọi sự sẽ hanh thông tốt đẹp hơn. Vì vậy, mỗi người đều có những cảm xúc riêng, mang theo niềm vui và mong chờ. Mâm cơm tất niên cũng tùy vào điều kiện từng gia đình.

Với những người khấm khá, đương nhiên phải chuẩn bị mâm cơm với đầy đủ “thịt mỡ dưa hành”. Không thì… mâm cơm cúng ông bà chỉ cần tấm lòng của con cháu cũng đã quá đủ rồi. Trong bữa cơm tất niên ấy, những lỗi lầm, muộn phiền của năm cũ dường như đã nhường chỗ cho niềm vui, hạnh phúc. Mọi người dễ giải bày cho nhua nghe về công việc, về gia đình hay những dự định trong tương lai hay sẻ chia cùng nhau trước những khó khăn của năm cũ để hướng về những điều tốt đẹp đang chờ trong năm mới.

Vì thế, bữa cơm tất niên luôn để lại trong mỗi người một cảm xúc khó quên, dù có đi đâu xa, người Việt vẫn thường nhớ đến bữa cơm đặc biệt này. Nhất là với những người Việt xa xứ, nhớ về bữa cơm tất niên luôn khiến lòng họ khắc khoải, đau đáu nhớ về.

Đã nói đến nét đẹp ngày Tết thì thật thiếu xót nếu không nhắc đến chuyện lì xì đầu năm. Không biết tục lì xì xuất hiện bao giờ, chỉ biết rằng mỗi khi đến Tết, người lớn tranh thủ đổi tiền lẻ mới toanh, trẻ nhỏ lại tìm những câu chúc hay để mừng tuổi ông bà, cha mẹ.

Và, cứ nhắc đến lì xì, ai cũng nghĩ ngay phong bao đỏ thắm, in hình linh vật trong năm hoặc ông thần tài, hoa văn lạ mắt. Ông bà thì mừng tuổi mới cho con cháu bằng những bao lì xì màu đỏ hoặc vàng rực rỡ kèm theo những câu chúc học giỏi, chăm ngoan... Con cái thì mừng tuổi cha mẹ với mong ước họ sẽ có một sức khỏe dồi dào, “trường thọ”.

Song, điều đáng bàn ở đây là liệu tục lì xì ngày nay có còn là mỹ tục như xưa? Không bàn đến chuyện “mượn” lì xì để gửi phong bì, chỉ nói đến chuyện trẻ nhỏ giờ cũng bắt đầu ganh đua nhau việc được lì xì nhiều hay ít thì đã đến lúc cần nhìn nhận lại. Bởi lì xì như đã nhắc đến, là phong tục đẹp, có ý nghĩa tinh thần sâu sắc, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Vì vậy, việc giáo dục ở trẻ cách biết quý trọng đồng tiền dù lớn hay nhỏ khi được nhận phong lì xì đỏ thắm là việc rất cần thiết. Bởi, tiền bạc dù có quý nhưng cũng không sánh bằng giá trị tinh thần. Và lì xì chính là nét đẹp văn hóa của người Việt.

Thế nên, dù thời đại có thay đổi, tiến bộ mức nào thì tảo mộ, mâm cơm tất niên cúng ông bà hay mừng tuổi đầu năm vẫn mãi là nét đẹp văn hóa mỗi dịp Tết đến xuân về, cần được giữ gìn, phát huy đúng với giá trị tinh thần mà nó mang lại.

 PHƯƠNG LAN