“Làm mới” môn bóng chuyền

26/07/2022 - 07:02

 - Bên cạnh thể thức thi đấu 6 người của bóng chuyền truyền thống, nhiều địa phương đã phát triển thêm những “biến thể” của môn thể thao này. Trong đó, bóng chuyền hơi và bóng chuyền 2 người đang dần được người dân tiếp cận và xuất hiện ở những giải đấu thể thao chính thức cấp huyện, cấp tỉnh.

Phát triển môn bóng chuyền hơi

Nhằm đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể chất của người dân, Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) huyện An Phú đã tập trung phát triển môn bóng chuyền hơi trong những năm gần đây. Theo đó, bóng chuyền hơi có hình thức thi đấu tương tự như bóng chuyền, nhưng có một số thay đổi để phù hợp với nhiều đối tượng tham gia. Do đó, bộ môn này khá dễ chơi và luật chơi đơn giản hơn so với luật bóng chuyền. Môn bóng chuyền hơi không đòi hỏi nhiều về thể lực, sức mạnh hay tốc độ, nên khá thích hợp với người trung niên và nữ giới. Các động tác trong môn thể thao này gần giống như bóng chuyền nhưng nhẹ nhàng hơn, tạo cho người chơi sự uyển chuyển, linh hoạt. Do đây là môn thể thao mang đậm tính giao lưu, giải trí hơn là thi đấu thành tích nên dễ dàng phổ biến trong đời sống nhân dân.

Phát triển môn bóng chuyền hơi ở huyện đầu nguồn An Phú

Khi Trung tâm VHTT huyện An Phú áp dụng bộ môn này vào một số giải đấu phong trào, đã nhận được phản hồi tích cực của đông đảo cán bộ, công chức và người dân địa phương. Để người dân hiểu rõ về bộ môn thể thao này, Trung tâm VHTT huyện An Phú đã cử cán bộ hướng dẫn về luật chơi, cũng như thiết kế sân bóng phù hợp. Nhờ tính phổ biến sẵn có đã giúp bóng chuyền hơi đến với mọi đối tượng và tạo điều kiện để người dân rèn luyện sức khỏe. Ngoài ra, không khí trên sân đấu khá vui vẻ với những tình huống tranh tài vừa hấp dẫn, vừa hài hước của người chơi.

Không chỉ người cao tuổi hay phụ nữ, các em học sinh cũng tích cực tham gia bộ môn này. Các em thường đến nhà thi đấu đa năng huyện An Phú để chơi bóng chuyền hơi, bên cạnh việc luyện tập bóng rổ, cầu lông. Điều đó cho thấy, bóng chuyền hơi cũng có sức hút nhất định đối với thanh, thiếu niên ở huyện An Phú và cần được phát triển rộng rãi hơn nữa.

 Vì dễ tiếp cận và không đòi hỏi nhiều chuyên môn, bóng chuyền hơi đã xuất hiện ở nhiều giải đấu phong trào nhân những ngày lễ lớn tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện An Phú. Đặc biệt, bộ môn bóng chuyền hơi nữ 5 người cũng xuất hiện trong chương trình thi đấu Đại hội Thể dục - Thể thao (TDTT) lần thứ IX huyện An Phú. Qua đó cho thấy, sự quan tâm của ngành thể thao trong việc phát triển môn thể thao này, nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.

Tạo đà cho bóng chuyền 2 người

Cùng với bóng chuyền hơi, bóng chuyền 2 người đang xuất hiện ở các giải đấu phong trào và cả thi đấu thành tích cao tại các địa phương trong tỉnh. Tại Đại hội TDTT TP. Châu Đốc lần thứ IX, môn bóng chuyền 2 người lần đầu tiên xuất hiện với sự hào hứng của các đơn vị tham dự. Thực tế, môn bóng chuyền 2 người được phát triển dựa trên bóng chuyền 6 người truyền thống. Tuy nhiên, do chỉ có 2 người chơi nên diện tích sân thi đấu sẽ nhỏ hơn, cùng với đó là sự thay đổi của một số điều luật thi đấu.

 Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Châu Đốc Nguyễn Đức Linh cho biết: “Chúng tôi mạnh dạn đưa bóng chuyền 2 người vào nội dung thi đấu của Đại hội TDTT cấp thành phố, nhằm tạo điều kiện để các địa phương tiếp cận tốt hơn với bộ môn này. Với điều kiện thi đấu trên bãi cát và chỉ có 2 vận động viên mỗi bên, môn thể thao này đã chứng kiến những cuộc tranh tài sôi nổi của các đơn vị và tạo điểm nhấn rất mới trong đời sống thể thao tại TP. Châu Đốc. Sau kỳ Đại hội TDTT cấp thành phố, môn bóng chuyền 2 người sẽ phát triển tốt hơn tại các địa phương trên địa bàn thành phố, bởi sự quan tâm phát triển của ngành thể thao địa phương”.

Với tính hấp dẫn sẵn có, môn bóng chuyền 2 người cũng xuất hiện trong chương trình thi đấu của Đại hội TDTT tỉnh An Giang lần thứ IX/2022, với sự tham dự của 10 đơn vị, gồm: TP. Long Xuyên, TX. Tân Châu, huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Châu Phú, Phú Tân, Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, với 2 nội dung thi đấu dành cho nam và nữ. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để bóng chuyền 2 người phát triển rộng hơn tại các địa phương, bởi tính cạnh tranh quyết liệt ở sân chơi thể thao lớn nhất của tỉnh luôn đòi hỏi quá trình chuẩn bị, đào tạo nguồn lực vận động viên phải thực sự bài bản, nghiêm túc.

Việc phát triển thêm bóng chuyền hơi và bóng chuyền 2 người của ngành thể thao các địa phương đã cho thấy nỗ lực trong mục tiêu đa dạng hóa sân chơi thể thao của người dân. Khi phổ biến tại các địa phương, bóng chuyền hơi và bóng chuyền 2 người sẽ góp phần quan trọng trong việc “làm mới” bóng chuyền, để môn thể thao này tiếp cận với nhiều người chơi hơn nữa.

THANH TIẾN