“Mái nhà chung” của lao động huyện miền núi

02/12/2022 - 08:53

 - Ở khu vực biên giới, nhờ giao thương hàng hóa, dân lao động dựa vào nghề vận chuyển hàng hóa mỗi ngày mà có việc làm và ổn định thu nhập. Cùng hoàn cảnh và mục đích mưu sinh như nhau, họ được gắn kết vào nghiệp đoàn để tương trợ từ công việc đến đời sống. Nghiệp đoàn Cửa khẩu Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) hoạt động trên 20 năm cũng nhờ sự gắn kết nghĩa tình đó, trở thành “mái nhà chung” của hàng chục người đến từ các xã lân cận, nương tựa nhau kiếm sống.

Hỗ trợ cho các thành viên Nghiệp đoàn cửa khẩu Tịnh Biên

Nghiệp đoàn được thành lập ngày 20/9/1998, với ban chấp hành gồm 3 người, tổng số 45-50 đoàn viên. Thành thói quen, mỗi sáng, thành viên nghiệp đoàn tập trung ở cửa khẩu, đón nhận hàng từ các tiểu thương. “Chúng tôi luôn phát huy dân chủ ở cơ sở, bởi ở đây anh em đều có hoàn cảnh khó khăn. Thành viên cũng rất mạnh dạn đóng góp, phê bình hoặc khích lệ nhau để cùng khắc phục… Nơi này còn có nhiều nghiệp đoàn khác, nhưng môi trường gắn bó lâu năm và nghĩa tình thì anh em ở đây rõ nhất” - Chủ tịch nghiệp đoàn Nguyễn Văn Chia cho biết.

Theo ông Chia, từ khi vào tổ chức, lao động được tạo điều kiện tiếp thu các thông tin, giáo dục về pháp luật, tham gia nhiều hoạt động ở địa phương nên ai nấy rất phấn khởi. Do công việc của lao động vận chuyển, việc càng nhiều thì anh em càng mừng, càng có thu nhập. Để tuyên truyền, phổ biến các chính sách liên quan tới người lao động (NLĐ), nghiệp đoàn phối hợp tổ chức tuyên truyền miệng và tổ chức từng cụm nhỏ khoảng 5-10 đoàn viên. Mỗi năm, đoàn viên và NLĐ còn được hỗ trợ các phần quà, động viên cố gắng làm việc. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn, các lao động rất đoàn kết, lạc quan, sẵn lòng san sẻ để quyền lợi mọi người được như nhau.

Đặc biệt, được sự quan tâm của Liên đoàn Lao động huyện, Đảng ủy, UBND thị trấn Tịnh Biên tạo điều kiện giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn để thành viên làm việc thuận lợi. Hàng năm, nghiệp đoàn thụ hưởng đầy đủ các phần quà vui Tết, khám chữa bệnh và tặng quà dịp Tháng Công nhân, Tết Trung thu... Còn với các lao động, đón nhận từ sự chăm lo, quan tâm của các cấp chính quyền, anh em sắp xếp công việc để tham gia các hiến máu nhân đạo, các hội thao và phong trào ở địa phương… Qua những hoạt động góp phần đem lại cho đoàn viên và NLĐ niềm vui, phấn khởi và đoàn kết gắn bó, góp phần xây dựng nghiệp đoàn vững mạnh.

Nhờ công việc mỗi ngày vận chuyển hàng cho các tiểu thương, các lao động có thu nhập khá, trung bình 300.000 - 450.000 đồng/ngày/người. Phần lớn họ không có đất sản xuất, gia cảnh khó khăn, nên kiếm được đồng nào thì hầu như trang trải hết trong ngày. Thấy vậy, Ban Chấp hành nghiệp đoàn lập ra nguồn quỹ hỗ trợ anh em. Tùy theo kết quả làm việc, thu nhập của từng người đóng góp tự nguyện. Nguồn quỹ đến cuối năm được chi để mua quà Tết cho anh em tươm tất, từ 700.000 đến 1 triệu đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ cho thành viên nghiệp đoàn những lúc gia cảnh gặp khó khăn đột xuất đau bệnh, tang chế… Một phần do anh em nghiệp đoàn đóng góp, còn lại vận động từ các tiểu thương.

Giai đoạn khó khăn nhất họ từng đối diện là lúc dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Biên giới siết chặt quản lý, lao động không có việc làm, thời điểm đó cũng không thể tìm việc khác. Thành viên nghiệp đoàn góp sức tham gia cùng đồn biên phòng trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Giờ đã được đi làm trở lại, anh em đều phấn khởi trước tình hình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và kiểm soát dịch bệnh. Ông Chia cho hay, đầu năm đến nay, các hoạt động trao đổi hàng hóa qua lại biên giới dần hồi phục, tạo công ăn, việc làm thường xuyên cho đoàn viên.

Nghiệp đoàn luôn hoạt động có nền nếp, kỷ cương, luôn giữ gìn môi trường làm việc sạch sẽ, được lãnh đạo Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tịnh Biên khích lệ nên anh em lao động luôn tích cực, tạo niềm tin cho khách hàng… Thời gian gần đây, do việc kiểm tra hàng hóa ở biên giới chặt chẽ, công việc, thu nhập của đoàn viên, NLĐ hàng ngày đang gặp khó khăn. Hàng hóa đa phần bốc xếp bên phía nước bạn và chỉ lao động bên kia biên giới đảm nhận. Khó khăn trong vận chuyển đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập mỗi lao động, bình quân giảm còn 100.000 - 200.000 đồng/ngày/người.

Từ thực trạng trên, quân số của nghiệp đoàn cũng biến động. Những lúc có nhiều hàng hóa, anh em trở lại cùng làm. Ngược lại, họ tản đi bên ngoài làm phụ hồ, bốc xếp hàng ở các điểm chợ trên địa bàn; quân số có mặt duy trì ở biên giới còn một nửa (khoảng 20 người). Ông Nguyễn Văn Chia cho biết, tình hình khó khăn trên mới xảy ra vài tuần nay, Ban Chấp hành nghiệp đoàn luôn động viên tinh thần để anh em tiếp tục cố gắng. Đồng thời, nghiệp đoàn đã chủ động liên hệ, trao đổi với các doanh nghiệp, tiểu thương tạo điều kiện cho NLĐ được bốc xếp hàng hóa ở những nơi thuận tiện (chủ yếu bên phần cửa khẩu Việt Nam). Nghiệp đoàn cũng mong muốn các cơ quan nhà nước có giải pháp ổn định trật tự trong khu vực cửa khẩu, bởi lao động tự do ở các nơi đến lao động rất nhiều và hình thành nhiều điểm khuân vác ảnh hưởng đến công việc của các thành viên nghiệp đoàn.

MỸ HẠNH