“Mẹ đỡ đầu”

03/03/2022 - 03:54

 - 4 đứa trẻ và 1 người phụ nữ trong căn nhà ấy cùng có mái tóc rất đặc biệt: Đầu đinh. Dịch bệnh COVID-19 ập đến, tước đi mạng sống người đàn ông trụ cột trong nhà. Để tránh vướng víu trong quá trình điều trị bệnh, bà Lê Thị Hiển (sinh năm 1975, ngụ ấp Vĩnh Khánh 1, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) quyết định cạo trọc cho mình và các con. Mấy tháng trôi qua, tóc dần mọc lại, cái nghèo khó cũng theo đó mọc rễ trong gia đình họ.

Hơn 3 tháng trước, gia đình bà có 3 người nhiễm COVID-19. Bà và đứa con trai bình phục, còn chồng bà vĩnh viễn ra đi. Bà làm mẹ, nay nặng gánh thêm vai trò làm cha, chống đỡ cả nhà. Chạm vào đâu cũng chỉ toàn thấy khó khăn, bận lòng. Cô con gái đầu lấy chồng, bận rộn với cuộc sống riêng, khó lòng giúp đỡ mẹ và các em. Đứa con trai kế bước vào tuổi 15, mà trí óc dừng lại ở độ tuổi thiếu nhi, mang thêm căn bệnh động kinh. Đứa con trai út sinh năm 2017, chưa hiểu nỗi khổ tâm của gia đình. Trước đó, vợ chồng bà nhận nuôi thêm một đứa cháu họ (sinh năm 2018), bởi cám cảnh “cha không thương, mẹ không đau”, muốn bỏ rơi bé.

Tiến (áo xanh, ngồi giữa) được Hội Phụ nữ Bộ đội Biên phòng tỉnh nhận đỡ đầu

Nhìn đi nhìn lại, chỉ còn Dương Minh Tiến (sinh năm 2013) khiến bà Hiển yên lòng. Năm nay, Tiến học lớp 3 Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi. Dù không thật sự thông minh sáng dạ, nhưng cháu vẫn theo kịp chương trình. Hàng ngày, bà ra khỏi nhà từ sớm, mua bán ve chai hoặc làm thuê, đến tối mịt mới trở về, chắt chiu hơn trăm nghìn đồng để lo toan cho cả nhà. Mấy đứa con nheo nhóc, bà gửi cho mẹ ruột mình - bà Huỳnh Thị Ái (sinh năm 1958) chăm sóc giúp.

“Tôi cũng có khỏe mạnh gì đâu, vừa bị tai biến nhẹ hôm trước, nói chuyện khó khăn, đi đứng chậm chạp. Nhưng tôi vẫn cố gắng nấu cơm, nhìn ngó trông chừng tụi nhỏ để mẹ nó yên tâm đi làm. Nhờ hàng xóm, người quen thương tình cho gạo, rau củ hàng ngày, đỡ phần nào chi phí ăn uống. Tụi nhỏ đáng thương lắm, cho gì ăn nấy, không dám đòi hỏi. 10 năm nay, từ người lớn đến tụi nhỏ đều mặc đồ cũ, đồ từ thiện của người khác, chưa biết mặc đồ mới là gì” - bà Ái thở dài.

Không thuộc diện “nghèo có sổ”, nhưng cảnh túng thiếu của gia đình họ vẫn rất đáng lo. Người lớn thì bệnh tật, già yếu từng ngày, mà đám trẻ con chưa kịp lớn. Bà Hiển nói như khóc: “Nhiều bữa tôi rất mệt nhưng đâu có dám nghỉ. Nghỉ rồi thì tiền đâu xoay sở! Mà sức khỏe yếu thường xuyên, không lẽ nghỉ hoài? Năm nay, chỉ có Tiến đi học nên tôi còn gắng gượng được. Vậy mà, quần áo, tập vở đi học của Tiến đều là đồ cũ người khác cho, tôi mua không nổi. Chừng 1, 2 năm nữa, 2 đứa nhỏ còn lại cũng đi học, chắc chắn khó khăn nhiều hơn. Tôi muốn các con được học hành đàng hoàng, nhưng khó mà nói trước. Thôi thì, tới đâu hay tới đó!”.

Tặng quà để Tiến có điều kiện đến trường

Rồi niềm hy vọng cũng thắp sáng hoàn cảnh tăm tối của họ. Mấy hôm trước, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đến thăm hỏi, ngỏ ý giúp đỡ bằng cách nhận đỡ đầu cho Tiến, theo chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do tác động của dịch bệnh COVID-19. Bà Hiển mừng không kể xiết: “Tôi thấy may mắn khi được giúp đỡ trong lúc này, nhẹ lo phần nào về chi phí học hành của Tiến!”. “Mẹ đỡ đầu” của Tiến không phải là một phụ nữ cụ thể nào, mà là một tập thể nữ quân nhân, thậm chí mở rộng ra đến các chú BĐBP.

Đại úy Mai Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ BĐBP tỉnh chia sẻ: “Hội đã tiến hành rà soát trên địa bàn biên giới, nắm được danh sách 15 cháu mồ côi cha hoặc mẹ do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Trong số đó, cháu Dương Minh Tiến có hoàn cảnh khó khăn nhất, rất cần sự hỗ trợ, đỡ đầu. Sau khi được sự thống nhất của gia đình, ngày 14-2-2022, hội làm thủ tục nhận đỡ đầu cho Tiến, mức kinh phí 500.000 đồng/tháng cho đến khi cháu học hết lớp 9. Sau đó, tùy vào điều kiện, hoàn cảnh gia đình cháu, hội sẽ tham mưu, đề xuất hướng hỗ trợ tiếp theo”.

Do kinh phí hạn hẹp, nên dù muốn mở rộng đỡ đầu, hỗ trợ nhiều trẻ mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn như Tiến, đơn vị vẫn chưa thể thực hiện được. Nhưng dẫu sao, hoạt động vẫn đánh dấu tấm lòng sẻ chia, chăm lo cho trẻ mồ côi vì đại dịch COVID-19, góp phần vực dậy mảnh đời bất hạnh ở vùng biên. Và đó sẽ là đốm lửa nhỏ, thổi bùng lên những tấm lòng nhân ái, chung tay chăm lo cho các cháu, để rồi xuất hiện thêm nhiều “mẹ đỡ đầu”, “cha đỡ đầu”… trong tương lai.

Theo đại tá Phạm Văn Phong, Chính ủy BĐBP tỉnh An Giang, đơn vị giao trách nhiệm cho Hội Phụ nữ nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của dịch bệnh COVID-19, ưu tiên trẻ em mồ côi là con quân nhân trong BĐBP; trẻ mồ côi trên địa bàn cơ quan, đơn vị đóng quân, địa bàn đơn vị phụ trách; trẻ mồ côi chưa được nhận đỡ đầu hoặc ít nhận được sự hỗ trợ.

 

GIA KHÁNH