“Mời Bác Tôn về thăm quê…”

20/08/2021 - 06:55

 - Thấy chúng tôi đến thăm, ông Huỳnh Văn Điều (sinh năm 1933, bí danh Ba Thành, ngụ xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên) vội kêu người nhà đem bức ảnh ông nắm tay Chủ tịch Tôn Đức Thắng ra khoe. Bức ảnh quý bị thất lạc một thời gian dài, nay mới trở về với ông. Đằng sau đó cũng là một câu chuyện quý, không thể phai nhạt trong tâm trí người cán bộ lão thành cách mạng.

Da diết nỗi nhớ miền Nam

Bác Tôn chỉ sống ở An Giang 18 năm trong suốt cuộc đời mình, gần bằng thời gian bị giặc đày trong ngục tù. Thời gian còn lại, Bác sống, lao động ở Sài Gòn, đi lính hải quân trên nước Pháp, hoạt động ở các chiến khu, làm việc ở Hà Nội trên nhiều cương vị cao cấp của nhà nước. Suốt 70 năm tham gia cách mạng gian khổ, Bác Tôn chỉ về thăm quê Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) được 2 lần, chớp mắt đã phải rời đi. Lần đầu, Bác về thăm quê là năm 1945, sau khi được đón về từ nhà tù Côn Đảo. Chuyến thăm nhà thứ 2 vào tháng 10-1975, cũng là lần cuối cùng.

Ông Ba Thành xem lại bức ảnh quý 43 năm trước

“Ngày về lại quê hương khi vào nhà, bà con láng giềng đến đứng ngồi chật ních cả nhà, chật cả sân. Vừa trò chuyện với bà con, Bác vừa ngắm nghía đồ vật trong nhà, hỏi từng người, tuổi tác, con cái, công việc làm ăn… Tưởng như con người đang ngồi đó không phải là Chủ tịch nước Việt Nam Tôn Đức Thắng, mà chỉ là ông Hai, bác Hai, anh Hai Thắng đang đoàn tụ cùng gia đình dòng tộc, sau sáu bảy mươi năm biền biệt xa nhau. Sau khi thăm hỏi bà con dòng họ, Bác lặng lẽ vào trong đốt nén nhang trên bàn thờ tổ phụ và đấng sinh thành. Đứng lặng hồi lâu, Bác bảo Bác Tư đưa ra viếng mộ song thân, nhưng sau vườn lỡ nước lỡ khô, đi bộ không được, đi xuồng cũng không có chỗ vào.

“Vậy lần sau các đồng chí cho tôi vào thăm mộ nhé!” - Bác nhìn các cán bộ đưa Bác đi, đôi mắt thoáng buồn. Mà không buồn sao được, sáu bảy mươi năm xa cách cha mẹ quê hương, nay có dịp về thăm quê, chỉ còn nấm mộ của đấng sinh thành vất vả nuôi mình khôn lớn, một người thủy chung chí hiếu nghĩa tình như Bác sao không chạnh lòng cho được. Có lẽ Bác nghĩ rằng chưa viếng mộ song thân coi như chưa trọn niềm hiếu đạo” - (Trích “Đạo lý Bác Tôn - Vẻ đẹp cội nguồn” của nhà văn Mai Văn Tạo).

Hiểu được nỗi nhớ thương dằng dặc của Bác, miền Nam nói chung, An Giang nói riêng cũng đau đáu mong Bác về thăm. Bác chưa về được thì người quê ra thăm Bác, gửi Bác tấm lòng thương mến vô bờ.

Những cái bắt tay và lời hứa về Nam

Như chúng tôi đã đề cập ở một bài viết đăng tháng 5-2021 trên Báo An Giang, ông Ba Thành là đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của tỉnh khóa VI (1976-1981), cũng là người duy nhất còn sống trong tổng số 12 vị đại biểu của tỉnh thời điểm ấy. Trong 5 năm, ông tham dự rất nhiều cuộc họp của Quốc hội, tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao. Rất nhiều vấn đề quan trọng đã được chính ông và các vị đại biểu bàn bạc, thống nhất biểu quyết tại nghị trường, như: thông qua nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và tổ chức nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới; đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam...

Đặc biệt, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (họp từ ngày 24-6 đến 3-7-1976 tại Hà Nội) đã bầu người con quê hương An Giang Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước. Khi ấy, cảm xúc của đoàn ĐBQH tỉnh như vỡ òa. Vinh dự, tự hào vô cùng, chẳng thể nào phôi phai... Bác Tôn biết đoàn ĐBQH của An Giang đang ở đây, nhưng công việc bộn bề, chẳng có dịp gặp được. Trong mười mấy ngày triệu tập kỳ họp, tất cả đại biểu đều dồn hết tâm sức, trí tuệ vào các quyết sách rất lớn cho đất nước, với tiến độ cực kỳ khẩn trương của ngày mới hòa bình. Trong những buổi họp ấy, 12 vị ĐBQH tỉnh chỉ có thể nhìn Bác Tôn từ xa, khắc ghi bóng hình Bác trong lòng, để khi trở về kể lại cho người dân mình về Bác, để cùng chia sẻ niềm vinh dự lớn lao.

Bác Tôn trò chuyện với các vị đại biểu Quốc hội An Giang (ông Ba Thành bìa trái)

Trong một dịp ra họp Quốc hội (khoảng năm 1978, ông Ba Thành không nhớ rõ), khi việc nước đã cơ bản ổn định, đoàn ĐBQH tỉnh đăng ký gặp Bác Tôn. Bác đồng ý ngay. Một buổi sáng nọ, mọi người được xe rước đến Phủ Chủ tịch, dẫn vào bên trong, Bác đang chờ sẵn. Ai nấy đều mừng vui giống như các con xa quê được gặp lại người cha già ruột thịt.

“Phong cách Bác Tôn rất giản dị, chỗ ở không xa hoa, ăn uống đạm bạc. Bác nói chuyện rất bình dân, đúng chất Nam Bộ. Chúng tôi trước là thăm hỏi Bác, sau là gửi lời mời Bác về thăm miền Nam nói chung, thăm quê hương An Giang nói riêng. Bác bắt tay từng người, ân cần hỏi han tên tuổi, nơi công tác; chụp ảnh cùng mọi người. Tôi nắm tay Bác Tôn, hỏi thăm sức khỏe, nhắc lại lời mời Bác về thăm quê. Bác hứa: “Nhất định sẽ sắp xếp công việc để về quê”. Để đảm bảo sức khỏe cho Bác, cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra chừng 30 phút, nhưng quý giá vô cùng. Trước khi đoàn tạm biệt ra về, Bác gửi cho mỗi người một viên kẹo, kèm lời dặn dò: “Cho Bác gửi lời thăm nhân dân miền Nam, người dân An Giang. Khi nào sắp xếp công việc được, Bác sẽ về thăm”” - ông Ba Thành nhớ lại.

Nhưng rồi, Bác Tôn chưa kịp thực hiện lời hứa của mình, khi Bác về với “thế giới của người hiền” 2 năm sau đó (năm 1980) gói ghém mang theo cả tâm tình thương quê, nhớ cội. Quê nhà cũng mang theo nỗi rưng rức nhớ thương người con xa xứ, như nhà điêu khắc Lê Văn Dân đã cảm tác: “Vũ khúc Ô Môi tiễn biệt Người/ Cù lao Ông Hổ mãi xanh tươi/ Biển Đen cờ đỏ vàng sao rợp/ Bến cũ Ô Môi vẫn đợi người ”…

GIA KHÁNH