Phóng viên (P.V): cuộc thi này có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với tỉnh nhà, thưa ông?
Ông Tân Văn Ngữ (T.V.N): ngày 18-5-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động cuộc thi lần thứ 3, năm 2018-2019. Cuộc thi được kỳ vọng góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Qua đó, phát hiện, tôn vinh những mô hình hay, cách làm mới, những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; nâng cao nhận thức, tạo sức lan tỏa, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Cuộc thi được phát động rộng rãi, trở thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật quan trọng của các cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Do đó, đối tượng dự thi bao gồm mọi công dân Việt Nam, không phân biệt giới tính, thành phần, độ tuổi, tâm huyết với An Giang, có sáng tác mới, bài viết về An Giang phù hợp với chủ đề cuộc thi đều được gửi bài tham dự.
P.V: cuộc thi năm 2018-2019 có những điểm mới gì so với năm 2016-2017, thưa ông?
Ông T.V.N: qua thực tiễn tổ chức 2 mùa giải trước, Ban Tổ chức cuộc thi năm 2018-2019 quyết định chấm chọn, trao giải đối với các tác phẩm xuất sắc lĩnh vực văn học, nghệ thuật (ký văn học và bài ca cổ), tác phẩm báo chí (bài phản ánh, bài viết về gương người tốt việc tốt; phóng sự truyền hình; phóng sự truyền thanh; câu chuyện truyền thanh), giảm bớt thể loại ca khúc.
Đặc biệt, trong cuộc thi lần này, Ban Tổ chức sẽ chú trọng mời thêm nhiều vị giám khảo có trình độ chuyên môn cao ở ngoài tỉnh để tham gia chấm chọn các thể loại, tăng tính khách quan, công tâm. Đối với các tác phẩm đạt giải, Ban Tổ chức sẽ mời người có uy tín viết bài phê bình, đánh giá để giúp công chúng cảm nhận rõ hơn về chất lượng của tác phẩm.
Các tập thể, cá nhân đạt thành tích trong công tác quảng bá cuộc thi năm 2016-2017 được khen thưởng. Ảnh: NGÔ CHUẨN
P.V: để nâng cao chất lượng bài dự thi, tránh tình trạng vi phạm thể lệ, các tác giả cần lưu ý những vấn đề gì?
Ông T.V.N: thứ nhất, về nội dung tác phẩm, không phải viết về tấm gương đạo đức, tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, mà là phản ánh những nỗ lực trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân và người dân; tôn vinh những cá nhân, tập thể tiêu biểu trong việc nhận thức và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được thể hiện trong việc tích cực đóng góp tài năng, trí tuệ, sức lực và tâm huyết của mình cho đất nước trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Nội dung tác phẩm phản ánh người thật, việc thật diễn ra trên địa bàn tỉnh, có tính phát hiện và sáng tạo, có họ tên chính xác, địa chỉ rõ ràng, công việc cụ thể (trừ thể loại bài ca cổ). Tác giả phải chịu trách nhiệm về tính chân thật của tác phẩm và tác quyền.
Thứ hai, trừ thể loại bài ca cổ, các thể loại khác phải được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng từ tháng 1-2018. Các tác giả có thể gửi bài dự thi để được duyệt đăng, phát trên Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin của đơn vị, địa phương… Tác phẩm dự thi phải là những tác phẩm chưa đạt giải tại các cuộc thi, liên hoan trong và ngoài tỉnh.
Thứ ba, lưu ý đến dung lượng tác phẩm theo quy định. Tác phẩm ký văn học không quá 4.000 từ. Bài phản ánh, gương người tốt việc tốt không quá 1.500 từ. Phóng sự truyền hình, truyền thanh không quá 10 phút; câu chuyện truyền thanh không quá 15 phút.
Thứ tư, nên tập trung các hoạt động quảng bá, sáng tác tác phẩm dự thi ngay từ thời điểm này. Tâm lý của các tác giả thường chờ đến hạn cuối mới sáng tác, gửi bài dự thi. Tuy nhiên, việc gửi bài dự thi sớm sẽ giúp tác giả chủ động về thời gian, đầu tư tốt hơn cho chất lượng tác phẩm; đồng thời giúp khâu tổng hợp, phân loại tác phẩm của Tổ thư ký thuận tiện hơn.
P.V: xin cám ơn ông.
GIA KHÁNH (Thực hiện)