“Nghề tay trái” mùa dịch bệnh Covid-19

14/04/2020 - 06:31

 - Trước những diễn biến phức tạp do dịch bệnh Covid-19 gây ra, nhu cầu tìm việc làm thêm trong những ngày qua đã “biến” nhiều người từ giáo viên, nhân viên văn phòng… có thêm “nghề tay trái” bất đắc dĩ.

“Nghề tay trái” mùa dịch bệnh Covid-19

Chị Giang thích thú với “nghề tay trái” bán hàng online

“Nghề tay trái” mùa dịch bệnh Covid-19

Shipper khá tất bật với những đơn hàng online

Hơn 1 tháng trước, tình cờ hỏi thăm sức khỏe và công việc của một cô bạn là giáo viên, cuộc trao đổi qua điện thoại tuy ngắn nhưng làm tôi chạnh lòng. Bạn tôi là giáo viên của một trường THCS ở TP. Châu Đốc, cô ấy bảo dù không đến trường nhưng vẫn soạn giáo án hàng ngày, một cách để đỡ nhớ trường, nhớ học sinh. Thời gian rảnh thì kiếm việc gì đó làm thêm để kiếm thêm thu nhập.

Lúc trước chỉ có 2 vợ chồng nên cuộc sống cơ bản ổn định, nhưng giờ có thêm con nhỏ, việc chi tiêu trong nhà đều tăng. Mà làm thêm mùa dịch bệnh thế này, dường như rất nhiều người chọn phương án bán hàng trực tuyến (online). Vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong giai đoạn căng thẳng, vừa có thêm ít tiền để chi tiêu hàng ngày.

Nói đến bán hàng online, đâu phải cứ ra vốn mua hàng rồi đăng hình hay livestream (tương tác, bán hàng trực tiếp trên mạng xã hội facebook) là được. Thế mới có trường hợp đăng thông tin bán hàng mãi nhưng vẫn... không có người hỏi mua sản phẩm. Nên mới nói, việc gì cũng phải học hỏi và bán hàng online càng phải học. Vốn chỉ quen với việc đứng trên bục giảng, chị Tường Vân (ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) gặp không ít khó khăn khi bán hàng online để kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch bệnh hơn 1 tháng nay.

“Tuy có người quen hỗ trợ tìm nguồn hàng chất lượng, giá cả phải chăng nhưng những ngày đầu bán online, tôi gặp không ít trở ngại. Để mọi người biết đến sản phẩm, tôi phải đăng thông tin thường xuyên. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, tôi livestream bán thêm. Nhưng khó nhất là việc tìm mẫu để thử quần áo và cách giới thiệu sản phẩm. Bởi làm không khéo đôi khi mất thời gian, tiền bạc và cả công sức mà không ai mua. Rồi tôi tiếp thu ý kiến của bạn bè để hoàn thiện hơn cho mỗi lần bán hàng livestream. Nếu chịu khó làm cũng kiếm thêm được ít tiền xoay xở chi tiêu, lo cho gia đình” - chị Vân chia sẻ.

Vì khó khăn chung trước ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, không ít người tìm cách trang trải cuộc sống qua việc vay tín dụng. Chị Nguyễn Linh (nhân viên kinh doanh Công ty Tài chính V.) cho hay, mùa dịch bệnh này, ngoài khách hàng là những người kinh doanh, chị đã phát hành nhiều thẻ vay hơn cho công nhân, viên chức, người lao động với mức vay khoảng 10-20 triệu đồng.

Khó khăn chung của nhiều người trong thời điểm này là vấn đề tài chính. Song, dù làm gì để có thêm thu nhập, hy vọng mọi người chú ý bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho bản thân, gia đình. Dù mới bán hàng online chưa lâu nhưng theo chị Hương Giang (26 tuổi, nhân viên văn phòng TP. Long Xuyên), việc bán hàng theo hình thức này giúp chị có thêm thu nhập ổn định, ngoài tiền lương từ công việc chính, nhất là trong mùa dịch bệnh, việc kinh doanh online ở đâu cũng sôi động.

Không thể phủ nhận rằng, dịch bệnh khiến việc kinh doanh online thay đổi nhiều, người ta ít ra đường hơn nên mua bán hàng online vì thế càng phổ biến và thông dụng. "Xác định là "nghề tay trái" nhưng khi ra bán hàng online, tôi phải học hỏi kinh nghiệm nhiều bạn bè đi trước. Đến giờ, tôi có được không ít khách hàng thân thiết cả trong và ngoài tỉnh. Nếu chịu khó và siêng năng, mỗi tháng tôi kiếm thêm thu nhập từ 5-8 triệu đồng" - chị Giang cho biết.

Cũng theo chị Giang, trước đây, việc giao hàng cho những khách ở nội ô, thường sẽ do chị đích thân đi nhằm tiết kiệm chi phí. Giờ thì thực hiện “giãn cách xã hội” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, tất cả hàng hóa đều được giao qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

“Khi shipper (người giao hàng) đến lấy hàng, tôi đều mang khẩu trang, sau khi giao nhận hàng thì rửa tay bằng nước sát khuẩn theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tôi cố gắng phân bố lại cách chia đơn hàng hợp lý để tránh tình trạng quá nhiều shipper đến cùng lúc, gây ùn ứ và tụ tập trên 2 người, rất nguy hiểm trong mùa dịch” - chị Giang chia sẻ thêm.

Thời buổi khó khăn, nhiều người bắt đầu tìm kiếm việc làm thêm. Hy vọng, đây sẽ là những trải nghiệm thú vị với những ai đang loay hoay với “nghề tay trái” của mình. Khi dịch bệnh qua đi, mọi người sẽ lại mỉm cười thật an yên với công việc mình đã chọn và dốc sức để hoàn thành nhiệm vụ thật tốt!

PHƯƠNG LAN