“Nghiện” mua hàng online

09/10/2020 - 05:14

 - Mua sắm online (trực tuyến) với nhiều người, nhất là chị em phụ nữ không còn đơn giản là cho nhanh, tiện lợi hay “tranh thủ” đợt giảm giá “khủng” nhân dịp lễ hội hay sự kiện gì đó của các trang bán hàng online. Với nhiều chị em, dường như việc mua sắm online đã trở thành thói quen, thậm chí là bị “nghiện” mua hàng online lúc nào không hay.

Nên “cai nghiện” mua hàng online nếu nó ảnh hưởng kinh tế của bạn

Nhiều người vẫn cho rằng, việc mua hàng online đôi khi là “con dao 2 lưỡi” vì lỡ mua phải hàng kém chất lượng, hàng giao - nhận không đúng khi livestream (phát trực tiếp) thì chẳng khác nào “tiền mất tật mang” cho người mua. Tạm bỏ qua những bất cập đó, chúng tôi xin phép đề cập đến một khía cạnh nhỏ, đó là “nghiện” mua hàng online. Chúng ta vẫn nghe nhiều đến cụm từ “nghiện mua sắm”.

Giữa thời đại 4.0 này, việc "nghiện mua sắm" không riêng gì việc đi trực tiếp mua, lựa chọn từng cái mà cơn “nghiện” mua sắm đã được mở rộng ở một hình thức khác, đó là online. Mua sắm là quyền riêng tư của mỗi người, tuy nhiên việc gì thái quá cũng không tốt. Không ít gia đình đã cãi vã vì chuyện vợ “nghiện” xem livestream và mua sắm online. Đôi khi vì stress (căng thẳng) trong công việc hay trong cuộc sống hàng ngày, nhiều phụ nữ đã xem livestream bán hàng và từ đó “nghiện” lúc nào không hay.

Nghe chia sẻ của chị Võ Thị Cẩm L. (37 tuổi, ngụ TP. Long Xuyên, An Giang) mới thấy được “nghiện” mua hàng online là thế nào và sức cuốn hút của nó mãnh liệt ra sao. Theo chị L., lúc trước chị rất ít khi mua hàng online vì sợ hàng kém chất lượng, "sợ này sợ kia"… Nhưng từ lúc có người bạn thân giới thiệu trang mua hàng chất lượng cho bé gái, chị L. từ việc xem thử, mua thử đến mua ít rồi mua nhiều, và “nghiện” bao giờ không hay biết.

“Mua hàng online chị cẩn thận lắm, lần đầu mua thử 1 sản phẩm để đánh giá chất lượng có đúng như “quảng cáo” không thôi. Đến lúc chạm tay được sản phẩm, thì không những chị mà con gái chị rất thích. Chị bắt đầu mua nhiều hơn, có khi mua đến gần 10 cái đầm 1 lần” - chị L. nói và không quên chia sẻ trang mua hàng cho tôi cùng lời cảnh báo “coi chừng mua là ghiền” à nghe!.

Theo tâm sự của nhiều chị em chuyên mua hàng online, họ thích mua trực tuyến bởi họ biết được chất lượng hàng thế nào qua "nhiều lần"… trải nghiệm. Có người vui vẻ bảo rằng, chỉ có canh trên livestream mới mua được hàng rẻ, giá hời. Và nếu để ý, ở những trang bán hàng đang livestream, mọi người sẽ thấy họ luôn thu hút khách hàng với nhiều cách như: “Hôm nay em bán hàng giảm giá mạnh” hay “mấy chị chịu khó coi đến cuối livestream, shop sẽ giảm giá “khủng” để tri ân khách hàng!”… Chính việc "săn" hàng giảm giá chất lượng mà đỡ mất công “đội nắng” đi đến tận nơi thì chị em nào không thích. Thậm chí, có trường hợp nhà cách shop (cửa hàng) bán hàng không xa nhưng không bao giờ đến mà chỉ đợi mua hàng trên livestream để “săn” hàng rẻ.

“Chị cứ canh livestream mua thử đi, hàng giảm giá nhiều lắm, nhưng nếu không nhanh tay bấm mua là sẽ mất lượt, vì cả mấy trăm người xem livestream cùng mình chứ ít gì. Nói chung là không biết có “nghiện” không mà lúc nào shop quen của em livestream bán là vào xem. Dù đã mua không thiếu gì nhưng mỗi lần xem cũng xao xuyến lắm. Khi được chốt đơn hàng thành công, chậm lắm là 2 ngày sau em đã đến shop lấy luôn, khỏi đợi giao cho đỡ tiền giao hàng. Nhiều khi thấy em mang đồ về, mẹ la vì tại sao cứ mua quần áo suốt, ở nhà có nhiều cái áo còn chưa tháo mạc ra là đã mua cái mới”- Nguyễn Thị Linh (28 tuổi, ngụ thị trấn An Châu, Châu Thành, An Giang) nói về cơn “nghiện” mua hàng online của mình.

Phải nói rằng, dù đã mua hàng giảm giá với giá “sập sàn” rồi nhưng số tiền nhiều chị em phải chi ra vẫn đáng kể. Có chị còn nói với tôi rằng, có đơn hàng được giao lên đến cả triệu đồng. Mỗi khi chồng hỏi bao nhiêu thì giấu nhẹm, chỉ dám nói là vài trăm ngàn đồng vì toàn là hàng giảm giá. Thế nhưng, không ít gia đình bất hòa vì người chồng không chịu nỗi việc “nghiện” mua hàng online của vợ. Và, nếu đổi cơn “nghiện” ấy với chuyện bất hòa của vợ chồng hay chi tiêu gia đình bị thâm hụt, bạn sẽ chọn cái nào?

Như chị Võ Thị Cẩm L. thì để “cai nghiện” mua sắm online, chị đã kiềm lòng, không vào xem trang bán hàng quen livestream nữa. Theo chị L., đó là cách tốt nhất để… hết nghiện. Hoặc, nếu muốn mua sắm thì bạn hãy đến tận nơi xem và thử. Trong thời gian đi ấy, bạn sẽ kiểm chứng được sở thích của mình có phải là nhất thời hay không với những câu hỏi như: đồ đó mình đã có chưa, có món nào tương tự rồi? Sử dụng nó vào dịp nào và có hữu dụng không? Tháng này mình đã chi bao nhiêu tiền cho việc mua sắm?...

PHƯƠNG LAN